Với các doanh nghiệp sản xuất xi măng là thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới duy trì đà tăng trưởng tích cực, còn với các doanh nghiệp vận tải, hy vọng đến từ giá nhiên liệu đang giảm mạnh trở lại trong 2 tháng qua. Tuy nhiên, chặng đường về đích còn xa vời với 2 nhóm doanh nghiệp này.
Kỳ 2: Xi măng, vận tải khó về đích
Doanh nghiệp xi măng: Lợi nhuận có tăng nhưng chưa đủ
Báo cáo tài chính của CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC) cho thấy bức tranh doanh thu, lợi nhuận 9 tháng đầu năm có sự cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, kết thúc 9 tháng, BCC đạt lợi nhuận sau thuế (LNST) 38,4 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2017 lỗ 60,1 tỷ đồng), không những xóa hết lỗ lũy kế mà còn đưa LNST chưa phân phối đến ngày 30/9/2018 đạt thặng dư 16,8 tỷ đồng.
Bên cạnh biên lợi nhuận gộp được cải thiện, đóng góp đáng kể vào kết quả lợi nhuận của BCC là việc doanh nghiệp đã làm tốt công tác quản lý chi phí, khi chi phí tài chính, bán hàng, quản lý đều giảm mạnh so với cùng kỳ.
Tuy đạt kết quả kinh doanh tích cực so với cùng kỳ năm 2017, nhưng so với kế hoạch 94 tỷ đồng LNST cả năm đề ra, BCC hiện mới hoàn thành được 41% sau 9 tháng. Còn so với mức LNST bình quân 250 tỷ đồng trong giai đoạn 2015 - 2016, đây vẫn là kết quả khá khiêm tốn đối với Công ty.
Lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ 2017 nhưng vẫn cách xa kế hoạch năm và mức thực hiện những năm gần đây cũng là tình trạng diễn ra tại nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng khác như CTCP Vicem Xi măng Hoàng Mai (HOM), Vicem Bút Sơn (BTS), Xi măng Sài Sơn (SCJ)…
Tại HOM, LNST 9 tháng năm nay dù tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng xét về giá trị tuyệt đối chỉ đạt 1,9 tỷ đồng, khiêm tốn so với kết quả LNST 50 - 60 tỷ đồng/năm giai đoạn 2015 - 2016. So với chỉ tiêu lợi nhuận cả năm, HOM cũng mới thực hiện được hơn 10%.
Tại BTS, kết thúc 9 tháng năm 2018, LNST dù tăng gấp 44 lần năm 2017 nhưng chủ yếu do kết quả năm ngoái quá khiếm tốn, chỉ đạt 445 triệu đồng. Theo đó, 3 quý đầu năm 2018, BTS ghi nhận LNST đạt 17,8 tỷ đồng, hoàn thành 25,2% kế hoạch. Với SCJ, lợi nhuận 9 tháng đạt vỏn vẹn 23,4% kế hoạch cả năm.
So với các doanh nghiệp trong ngành, CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) – thành viên lớn nhất của Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) đang là doanh nghiệp có triển vọng về đích kế hoạch lợi nhuận cao nhất, khi đã hoàn thành được 77% mục tiêu đề ra sau 9 tháng. Tuy nhiên, đóng góp không nhỏ lại đến từ việc biến động tỷ giá thuận lợi giúp chi phí tài chính của HT1 giảm đến 150 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận gộp giảm nhẹ so với cùng kỳ 2017.
Năm 2017 được xem là năm khó khăn nhất với các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước khi phải đối mặt với biến động tỷ giá, chi phí sản xuất tăng, tình trạng dư cung khiến tiêu thụ trong nước khó khăn, thị trường xuất khẩu bị cạnh tranh khốc liệt, chính sách bất lợi về thuế liên quan đến xuất khẩu hàng hóa được chế biến từ tài nguyên… Đây là các yếu tố khiến lợi nhuận nhiều doanh nghiệp suy giảm, thua lỗ.
Bước sang năm 2018, tình hình đã có nhiều thuận lợi hơn, đặc biệt là sau khi Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 được ban hành. Trong đó, thuế suất xi măng được đưa về 0% và các doanh nghiệp được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) khi xuất khẩu giúp hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh, giảm áp lực cạnh tranh do dư cung tại thị trường trong nước.
Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) ước tính, xuất khẩu sản phẩm xi măng sau 11 tháng 2018 đã đạt 28,97 triệu tấn, vượt 65% so với kế hoạch cả năm. Đồng thời, thị trường trong nước duy trì sức tiêu thụ, tổng mức tiêu thụ xi măng trong 11 tháng đạt khoảng 94,97 triệu tấn, tăng 44% so với cùng kỳ 2017 và đạt 112% kế hoạch năm 2018. Trong đó, riêng Vicem tiêu thụ khoảng 26,74 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017.
Đây được xem là nguyên nhân quan trọng giúp kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khởi sắc. Dù lợi nhuận thực hiện vẫn còn khoảng cách lớn so với mục tiêu đề ra khiến triển vọng hoàn thành kế hoạch năm nay tại nhiều doanh nghiệp khó khả thi, nhưng ít nhất, cổ đông và các nhà đầu tư tại những công ty này đã có thêm hy vọng vào khả năng tăng trưởng trong năm 2019.
Doanh nghiệp vận tải: Áp lực từ tăng giá nhiên liệu
CTCP Ánh Dương Việt Nam - Vinasun (VNS) là một trong những doanh nghiệp được báo chí nhắc đến thường xuyên trong thời gian gần đây quanh vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab). Không chỉ gây chú ý về vụ kiện, VNS đang khiến nhà đầu tư lo ngại khi hoạt động kinh doanh “khó càng thêm khó”, bởi giá xăng, dầu trong nước liên tục tăng theo giá dầu thế giới từ đầu năm đã khiến biên lợi nhuận ngày càng thu hẹp.
BCTC của VNS cho biết, kết thúc 9 tháng đầu năm 2018, Công ty đạt 1.556 tỷ đồng doanh thu và 55,7 tỷ đồng LNST, lần lượt giảm 36,5% và 63% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, lợi nhuận của VNS đúng bằng lợi nhuận hoạt động khác mang lại, tức hoạt động kinh doanh chính chỉ đủ trang trải chi phí.
Với kết quả này, sau 3 quý, Công ty mới hoàn thành 57% mục tiêu đã đề ra, dù tại Đại hội đồng cổ đông hồi đầu năm, VNS đã rất thận trọng lên kế hoạch LNST chỉ tương đương 50% thực hiện 2017.
Không chỉ doanh thu, lợi nhuận giảm, VNS hiện cũng đang vay nợ ngắn và dài hạn tính đến 30/9/2018 là 768 tỷ đồng, chủ yếu được tính theo lãi suất thả nổi. Điều này được đánh giá sẽ tạo áp lực chi phí tài chính khá lớn với Công ty khi xu hướng lãi suất đang có tín hiệu tăng trở lại.
Hiện tại, mảng taxi truyền thống ngày càng thất thế trong cuộc chiến với các hãng công nghệ như Grab, Goviet… Về dài hạn, tiếp tục tái cơ cấu hoạt động, cải tiến nền tảng hoạt động theo xu hướng công nghệ hóa hay tìm kiếm một lĩnh vực mới thay thế ngành kinh doanh taxi cốt lõi vẫn là dấu hỏi lớn với VNS. Tuy nhiên, trước mắt, Công ty phải đối mặt với kết quả lợi nhuận thấp nhất nhiều năm trở lại đây và được đánh giá khó có thể hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trong quý IV.
Thực tế, không riêng VNS, biến động giá nhiên liệu đầu vào đang khiến nhiều doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng đáng kể. Tại CTCP Dịch vụ vận tải và thương mại (TJC), kết thúc 9 tháng năm 2018, TJC mới đạt vỏn vẹn 803 triệu đồng lợi nhuận trước thuế, so với kế hoạch 8 tỷ đồng, khoảng cách giữa thực hiện và kế hoạch của TJC đang còn rất lớn. Nói về khó khăn gặp phải, Ông Lê Tất Hưng, Chủ tịch HĐQT của TJC cho biết, riêng trong quý III/2018, giá nhiên liệu đã tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2017.
Tại CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco - VOS), mặc dù doanh thu 9 tháng năm 2018 tăng 11,7% so với cùng kỳ 2017, trong khi chi phí tài chính giảm 22%, chưa kể được ghi nhận 23,9 tỷ đồng lợi nhuận khác từ thanh lý, nhượng bán tài sản, nhưng kết quả LNST của VOS vẫn lỗ đến 104,3 tỷ đồng. Như vậy, dù đã hoàn thành 87,7% kế hoạch doanh thu, nhưng việc hoàn thành kế hoạch “cân bằng thu chi” đang là thách thức lớn với Công ty.
Lãnh đạo VOS cho biết, so với quý III/2017, giá FO và DO của đội tàu tiêu thụ bình quân quý III/2018 đã tăng lần lượt 45,8% và 39,9%, giá nhiên liệu tăng cao đã ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác các tàu. Ngoài ra, tỷ giá USD/VND biến động khiến lỗ chênh lệch tỷ giá ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh.
Lợi nhuận 9 tháng sụt giảm và cách xa kế hoạch năm cũng là câu chuyện của nhiều doanh nghiệp vận tải khác như CTCP Vận tải đa phương thức duyên hải (TCO), CTCP Hải Minh (HMH), CTCP Tàu cao tốc Superdong - Kiên Gang (SKG)…
Với SKG, dù đã hoàn thành 3/4 kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng, tuy nhiên, với việc quý IV là quý có mức lợi nhuận thấp nhất trong năm do yếu tố thời tiết không thuận lợi cho du lịch tại khu vực, SKG được đánh giá khó hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm nay. Trong năm 2017, LNST quý IV của SKG chỉ đạt 6 tỷ đồng, đóng góp 3,4% tổng LNST cả năm.
Chịu áp lực tăng giá nhiên liệu trong 9 tháng đầu năm, nhưng các doanh nghiệp vận tải cũng đang đón nhận một số yếu tố tích cực, đó là sau giai đoạn tăng mạnh, từ đầu tháng 10/2018, giá dầu thế giới liên tục giảm mạnh kéo theo xu hướng giảm của giá xăng dầu trong nước. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành sớm cải thiện lại biên lợi nhuận trong quý cuối năm.
Cụ thể, giá dầu WTI trên sàn Nymex phiên giao dịch ngày 3/12 ở mức 53,56 USD/thùng, giảm hơn 30% so với mức đỉnh phiên 3/10/2018, ghi nhận mức thấp nhất trong 1 năm trở lại đây. Trong nước, sau 2 lần điều chỉnh gần nhất, giá các loại xăng dầu đã về ngang với mức đầu năm.
Trên sàn, nhóm cổ phiếu xi măng chỉ có HT1 vượt mệnh giá. Các mã còn lại giá chỉ loanh quanh vài nghìn đồng. Nhóm cổ phiếu vận tải có diễn biến khá hơn nhưng không mã nào đạt đến 20.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu chỉ cải thiện nêu như các doanh nghiệp vững đà tăng trưởng. Ở 2 nhóm này, câu chuyện giá nào đáng đầu tư đang chơi vơi theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Kỳ 3: Khó khăn ngáng cửa doanh nghiệp cao su, dầu khí