Nhờ nỗ lực tái cấu trúc, HBC báo lãi hơn 842 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay.

Nhờ nỗ lực tái cấu trúc, HBC báo lãi hơn 842 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay.

Doanh nghiệp niêm yết nỗ lực thoát lỗ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đối mặt với bối cảnh kinh doanh nhiều thách thức của năm 2024, các doanh nghiệp đã tái cấu trúc mạnh mẽ và cho thấy những tín hiệu tích cực.

Tái cấu trúc mạnh mẽ

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Công ty cổ phần Ô tô TMT (mã TMT) báo lỗ tới 191,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 1,3 tỷ đồng. Nguyên nhân khách quan là nền kinh tế còn nhiều khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, thay đổi công nghệ khiến lượng tiêu thụ ô tô giảm sâu. Còn nguyên nhân chủ quan là hàng tồn kho lớn, phát sinh thêm nhiều chi phí trong sản xuất - kinh doanh.

Từ cuối năm 2023, TMT tham gia phân phối ô tô điện Wuling, tuy nhiên, sức hấp thụ của thị trường đối với thương hiệu này còn chậm. Công ty đang nỗ lực tăng độ phủ thị trường thông qua việc hợp tác với doanh nghiệp taxi.

Mới đây, tại Gia Lai, TMT đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Let’s Go An Bình. Theo đó, TMT bán 1.000 xe cho Let’s Go An Bình, gồm 600 xe Wuling Mini EV và 400 xe Wuling Bingo.

Số xe này sẽ được TMT bàn giao trong thời gian từ nay đến cuối năm 2025. Giai đoạn đầu, 300 xe Wuling Mini EV và 200 xe Wuling Bingo sẽ được TMT Motors bàn giao cho Let’s Go Taxi từ nay đến hết quý I năm sau.

Let’s Go Taxi đã sử dụng ô tô Wuling phát triển dịch vụ taxi điện mini giá rẻ tại tỉnh Phú Yên vào tháng 5/2024 và mở rộng dịch vụ ra Bình Định và hiện tại là Gia Lai.

TMT cho biết, Công ty chấp nhận thua lỗ trong năm 2024 để đảm bảo tính thanh khoản tốt với các tổ chức tín dụng và hướng tới phát triển bền vững trong năm 2025 và các năm tiếp theo bằng các biện pháp tái cấu trúc mạnh mẽ.

Khó khăn bủa vây suốt thời gian dài do thị trường bất động sản đóng băng, các dự án nhà ở bị đình trệ, nợ khó đòi từ các chủ đầu tư lớn, không có dòng tiền, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) nỗ lực để thoát ra “cơn bĩ cực”, từ việc đàm phán với chủ nợ để hoán đổi nợ thành cổ phần, phát hành tăng vốn, cho tới việc mở rộng hoạt động thi công sang các dự án hạ tầng giao thông (đầu tư công).

Bằng rất nhiều giải pháp, HBC đã có lãi hơn 842 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay (trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 883,5 tỷ đồng). Kết quả này góp phần làm giảm lỗ lũy kế của Công ty xuống còn âm 2.424 tỷ đồng vào thời điểm 30/9/2024.

“Tình hình tài chính của Công ty đang dần cải thiện, chúng tôi cố gắng đưa cổ phiếu HBC niêm yết trở lại trên HOSE, đảm bảo lợi ích cho cổ đông”, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị HBC chia sẻ.

Để giải bài toán hiệu quả kinh doanh, Công ty cổ phần Sản xuất - Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã GIL) đã thay đổi cơ cấu mặt hàng. Hướng đi này giúp Công ty ghi nhận lợi nhuận tích cực hơn.

Đồng thời, hoạt động kinh doanh bất động sản khu công nghiệp của Công ty đã có doanh thu và lợi nhuận. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Gilimex ghi nhận doanh thu 519,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 13,3 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 63,7 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2023.

Quyết liệt cắt bỏ mảng kém hiệu quả

Trở lại với câu chuyện của TMT, thời gian qua, doanh nghiệp đã giải phóng toàn bộ hàng tồn kho (bao gồm tất cả các loại xe có tiêu chuẩn khí thải Euro 4). Công ty tái cấu trúc toàn bộ các sản phẩm đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5 - Euro 6.

Bên cạnh đó, TMT đã đàm phán thành công với các đối tác nước ngoài về điều khoản thanh toán từ L/C trả ngay sang L/C trả chậm từ 6 - 9 tháng. Điều này đảm bảo tính thanh khoản tốt với các tổ chức tín dụng, từ đó, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao về giá, bao gồm các loại xe tải nhẹ, tải trung và tải nặng.

Riêng đối với xe điện, Công ty đã thống nhất được với đối tác nước ngoài để lựa chọn các sản phẩm phù hợp thị trường Việt Nam.

TMT có tham vọng mở rộng sản xuất vào năm 2025, với kế hoạch tuyển thêm 700 công nhân, kỹ sư có trình độ cao trong quý đầu năm tới. Công ty cũng tái cấu trúc toàn bộ khâu sản xuất, với mục tiêu giảm chi phí sản xuất từ 25 - 30%.

Trong vòng xoáy khó khăn, thua lỗ, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã TAR) đã quyết định giải thể hai công ty con là Công ty TNHH Xuất khẩu gạo Trung An và Công ty TNHH MTV Kinh doanh bất động sản Trung An để cơ cấu lại tổ chức.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, TAR lỗ 30,5 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tăng cao cùng với chi phí lãi vay cao là các yếu tố góp phần kéo lùi lợi nhuận của TAR.

Hoạt động kinh doanh của Công ty bắt đầu lao dốc từ quý IV/2023, khiến kết quả kinh doanh từ chỗ lãi trong ba quý đầu năm thành thua lỗ 15,7 tỷ đồng trong năm qua. Trong năm 2024, chỉ riêng quý I, TAR báo lãi 2,7 tỷ đồng, hai quý tiếp theo lần lượt báo lỗ 3,48 tỷ đồng và 22,2 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) vừa bổ nhiệm nhân sự cấp cao. Ông Phạm Thanh Thọ và Trần Thanh Hiền cùng được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Lộc Trời vào ngày 29/11/2024.

Tập đoàn có kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 20/12 tới để bầu nhân sự thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban Kiểm soát. Thời gian qua, nhân sự cấp cao của Lộc Trời có sự xáo trộn sau khủng hoảng tài chính, ông Nguyễn Duy Thuận bị miễn nhiệm vị trí Tổng giám đốc.

Hiện Lộc Trời chưa công bố báo cáo tài chính quý II và quý III/2024, với lý do Công ty gặp phải sự kiện bất khả kháng. Đây cũng là lý do 100 triệu cổ phiếu LTG bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện bị hạn chế giao dịch. Trước đó, trong quý I/2024, Công ty báo lỗ 95 triệu đồng.

Đại hội cổ đông bất thường của Lộc Trời diễn ra vào những ngày cuối cùng của năm 2024 với kỳ vọng sớm tìm ra được giải pháp đưa tên tuổi lớn trong ngành lúa gạo Việt Nam trở lại.

Tái cấu trúc, đi đúng hướng, doanh nghiệp sẽ sớm trở lại đường đua. Bài học thành công này đã được Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG) chứng minh trong năm qua, khi mạnh tay đóng các cửa hàng kém hiệu quả để tối ưu hoạt động.

Chiến lược “giảm lượng, tăng chất” đã giúp Thế giới di động bứt phá mạnh mẽ trong năm 2024, khi vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng (lãi 2.881 tỷ đồng trong 9 tháng, vượt 20% kế hoạch năm).

Còn tại HBC, ông Lê Viết Hải cho biết, Công ty vẫn đang nỗ lực thu hồi công nợ. Với những dự án mà Tập đoàn đã đầu tư, có thể xem xét bán khi thị trường thuận lợi và tiếp tục thanh lý máy móc, thiết bị đã khấu hao xong để có dòng tiền. Ngoài ra, Công ty có thể nhận chuyển nhượng dự án của một số đối tác mong muốn đưa tài sản vào Công ty để thành vốn góp.

Doanh nghiệp không thể “ngồi im” chờ con tàu đắm, mà bằng nhiều cách khác nhau để khôi phục hoạt động kinh doanh. Nhờ những nỗ lực ấy, ở nhiều doanh nghiệp, đã xuất hiện tín hiệu tích cực, như lời Chủ tịch HBC, thì “đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm”.

Tin bài liên quan