Tấp nập trong khối công ty chứng khoán
Có thể thấy, hoạt động M&A năm nay đặc biệt sôi động ở nhóm công ty chứng khoán. Bên săn mua thì nhiều, trong khi bên bán ngày càng khan hiếm hơn, bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ngừng cấp phép thành lập công ty chứng khoán vô thời hạn. Trong khi với sự thăng hoa của thị trường chứng khoán hai năm nay, khối công ty chứng khoán đang được hưởng lợi lớn.
Trên thị trường đang xuất hiện những đồn đoán về việc VPBank sẽ mua lại Công ty Chứng khoán ASC.
Trong khi đó, Bamboo Financial - thành viên Tập đoàn Bamboo Capital đã mua 20% cổ phần Công ty Chứng khoán Thủ Đô. Hay Công ty Chứng khoán Sen Vàng đã có chủ mới là một tập đoàn bất động sản.
Trước đó, tại Công ty Chứng khoán Việt Nam Gateway (HRS), sau một loạt thương vụ chuyển nhượng, bà Trần Thị Thu Hằng đã trở thành cổ đông lớn nhất. Sau cuộc “thay máu” cổ đông, HRS đã đổi tên thành Chứng khoán KS hồi tháng 3/2021. Bà Hằng từng là Tổng giám đốc Sunshine Group, hiện là Chủ tịch Kienlongbank.
Có những đồn đoán VPBank sẽ mua lại Công ty Chứng khoán ASC.
Theo thông tin của Đầu tư Chứng khoán, nhiều cá nhân, tổ chức có nguồn lực tài chính vững mạnh, đang kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản… đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội mua lại công ty chứng khoán và cả công ty quản lý quỹ.
Khi việc mua đứt công ty chứng khoán trở nên khó khăn hơn, vừa do khan hiếm nguồn cung, vừa do giá mua tăng gấp 2 - 3 lần so với các năm trước, các thương vụ mang tính “hợp tác” cũng nhiều hơn.
Dòng tiền nhạy bén trên thị trường chứng khoán cũng tìm ra được/hoặc kỳ vọng sẽ có deal “thoái vốn”, “bán vốn” để săn đón cơ hội ở đây. Chứng khoán BSC (mã BSI) là điển hình.
Từ hơn 2 tháng trước, thông tin BSI có kế hoạch tìm đối tác chiến lược nước ngoài Hàn Quốc để hợp tác với giá bán kỳ vọng là 38.000 đồng/cổ phiếu (cao hơn nhiều so với thị giá ở thời điểm đó của BSI) được lan truyền. Mới đây, BSI đã công bố thông tin chính thức về việc đàm phán chào bán riêng lẻ tối đa 35% vốn (mới) cho Hana, Hàn Quốc.
Trên thị trường chứng khoán, thị giá BSI đã lên vùng cao mới, 47.900 đồng/cổ phiếu, tăng 79% từ đầu tháng 10 tới nay.
Điều này cũng đang được kỳ vọng tương tự ở các công ty chứng khoán có cổ đông lớn là ngân hàng, như Chứng khoán VietinBank (CTS), Chứng khoán Agribank (AGR). Cụ thể với CTS, ngay từ tháng 7/2021, báo cáo phân tích của một công ty chứng khoán khác đưa nội dung,
VietinBank đang tìm đối tác chiến lược với mong muốn giảm vốn góp tại CTS, đưa tỷ lệ sở hữu từ 75,6% về mức trên 50%. Luồng thông tin trên thị trường cho biết, đã có đối tác mua lại (khả năng cao bên mua là các nhà đầu tư trong nước).
Cả hai cổ phiếu AGR và CTS đều có đà tăng giá tốt, với CTS tăng 63% và AGR tăng 69% từ đầu tháng 10 tới nay.
Cho tới các nhóm ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản
Không riêng ở nhóm chứng khoán, ở lĩnh vực ngân hàng, việc thoái vốn và có đối tác chiến lược mới/chủ mới cũng đang tạo nên những con sóng trên thị trường. EIB đang được chờ đợi sẽ diễn ra thương vụ bán vốn cho SMBC, STB cũng được giới đầu tư dõi theo với kế hoạch đấu giá 32,5% vốn STB gửi tại VAMC. Câu chuyện mới nhất là Petrolimex có kế hoạch thoái vốn trên 40% tại PGBank.
Bên cạnh đó, sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng tỷ lệ sở hữu lên 49% vốn điều lệ tại hai ngân hàng thương mại cổ phần trong nước, không bao gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank.
Cam kết này có hiệu lực trong vòng 5 năm. Ở giai đoạn vừa qua, 1 trong 2 ngân hàng thương mại cổ phần trong nước được giới đầu tư kỳ vọng sẽ bán vốn 49% cho nhà đầu tư nước ngoài là HDBank.
Một thương vụ cũng đáng chú ý trong lĩnh vực bảo hiểm là cuối tháng 9/2021, Bamboo Capital công bố kế hoạch chi hơn 797 tỷ đồng thâu tóm 71% vốn Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA. Sau thương vụ này, tài chính sẽ là mảng kinh doanh chiến lược thứ 5 của Bamboo Capital, bên cạnh sản xuất, xây dựng, bất động sản và năng lượng tái tạo.
Với lĩnh vực bất động sản, việc mở rộng quỹ đất thông qua hình thức M&A diễn ra thường xuyên, xu hướng này không thay đổi trong giai đoạn 2 năm đại dịch vừa qua.
Mới đây, Công ty Đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC, mã VCR) - chủ sở hữu dự án Cát Bà Amatina vừa thông báo lấy ý kiến cổ đông về việc Tổng công ty Vinaconex (mã VCG) có thể nắm giữ trên 51% vốn mà không phải chào mua công khai.
Tính đến thời điểm cuối quý III/2021, tỷ lệ sở hữu của Vinaconex tại Vinaconex-ITC là 23,47%. Vinaconex-ITC có chức năng chính là quản lý Dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá, Cát Bà - Cát Bà Amatina có quy mô 172 ha, tổng mức đầu tư 600 triệu USD. Đây là dự án bị đình trệ cả thập kỷ, đến tháng 11/2020 được khởi động lại.
NovaGroup với 3 trụ cột chính là Novaland, Nova Services, Nova Consumer, hệ sinh thái NovaGroup đang dần hoàn thiện, trong đó M&A là công cụ hữu hiệu để hoàn thiện chuỗi giá trị.
Có thể kể đến các thương vụ của tập đoàn này như Nova Consumer đã hoàn tất mua thương hiệu PhinDeli. Bên cạnh phát triển các cửa hàng cà phê trong khuôn viên các showroom dự án bất động sản của Novaland, sản phẩm cà phê hoà tan của PhinDeli còn được bày bán dày đặc tại các cửa hàng tiện lợi.
Trong khi đó, Novaland đang đàm phán chuyển nhượng một dự án bất động sản quy mô lớn tại TP.HCM với giá trị lên đến 40.000 tỷ đồng (1,7 tỷ USD). Thương vụ này dự kiến mang về cho Novaland khoảng 8.000 tỷ đồng lợi nhuận, sẽ hoàn tất trong năm nay và thanh toán toàn bộ trong giai đoạn 2021 - 2022.
Một số doanh nghiệp bất động sản cũng có những thương vụ thâu tóm quỹ đất, như Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) mua 99% vốn tại Công ty Đầu tư Bắc Cường sở hữu quỹ đất vàng tại Đà Nẵng. Trước đó, PDR hoàn tất mua 99,5% cổ phần Công ty Bất động sản đầu tư và phát triển cao ốc Bình Dương để sở hữu dự án chung cư quy mô hơn 4,5 ha tại TP. Thuận An.
Trước đó, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Saigonres, mã SGR) đã thông qua chủ trương chuyển nhượng từ 50 - 60% cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Nhơn Trạch cho đối tác. Hiện Saigonres đang nắm giữ 89,27% tỷ lệ vốn góp trong Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Nhơn Trạch - chủ đầu tư hai dự án lớn tại huyện Nhơn Trạch.
Với Nam Long (NLG), đơn vị này đã chi 1.950 tỷ đồng để mua 30% cổ phần của Công ty Portsville Pte. Ltd (thuộc Keppel Corporation Limited của Singapore) trong Công ty TNHH Thành phố Waterfont Đồng Nai, qua đó tăng vốn góp vào doanh nghiệp dự án lên 65,1%. Trước đó, đầu năm 2019, Nam Long đã chi hơn 2.300 tỷ đồng để mua lại 70% cổ phần từ doanh nghiệp trên.
Một số thương vụ đang được chờ đón khác như Đường Quảng Ngãi (mã QNS) hội tụ đủ các yếu tố lý tưởng để trở thành “mục tiêu” M&A trong ngành sữa; hay với DGT là câu chuyện thay đổi cổ đông lớn; với VLB là chờ đợi ngày về một nhà cùng KSB…
Trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư nhạy bén còn săn đón các game thoái vốn Nhà nước và có “làn gió mới” tham gia vào công ty.
Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (mã ANT), sau khi SCIC thoái vốn thì sự xuất hiện của ông Đặng Ngọc Cẩn, Tổng giám đốc Lavifood về làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và các biến động nhân sự khác gần đây đã cho thấy những tín hiệu chuyển giao rõ ràng.
Hoặc với Licogi, cổ phiếu có mức tăng giá ấn tượng từ 5.500 đồng/cổ phiếu lên 10x trong năm nay, nhưng Licogi sở hữu quỹ đất có giá trị lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, gấp nhiều lần vốn hóa Công ty tại thời điểm đầu năm nay.