PTB, DGC và CRE đang có động thái tiến sâu hơn vào lĩnh vực bất động sản trong năm 2021.

PTB, DGC và CRE đang có động thái tiến sâu hơn vào lĩnh vực bất động sản trong năm 2021.

Doanh nghiệp niêm yết kỳ vọng vào ngành mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh hoạt động kinh doanh chính, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách gia tăng lợi nhuận từ các lĩnh vực mới.

Bất động sản được quan tâm

Năm 2021, nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần Phú Tài (PTB), Công ty cổ phần Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (DGC), Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (CRE)… lên kế hoạch ghi nhận thêm mảng lợi nhuận mới so với thực hiện trong năm 2020.

Cụ thể, năm nay, PTB đặt kế hoạch đạt doanh thu 7.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 650 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 40% so với năm ngoái. Trong đó, doanh nghiệp lên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận mảng bất động sản lần lượt là 628 tỷ đồng và 103 tỷ đồng, trong khi năm ngoái không ghi nhận kết quả kinh doanh mảng này.

Tính tới 31/12/2020, PTB ghi nhận chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang bất động sản 492,4 tỷ đồng, chiếm 32,8% tổng tồn kho của doanh nghiệp. Đối ứng với khoản mục này, doanh nghiệp có ghi nhận 246,3 tỷ đồng người mua trả tiền trước mua nhà dự án bất động sản.

PTB không thuyết minh cụ thể trong báo cáo tài chính quý IV/2020, tuy nhiên, trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang bất động sản 284,1 tỷ đồng, đây là chi phí đầu tư xây dựng tại dự án Chung cư cao tầng hồ sinh thái đầm Đống Đa do Công ty TNHH MTV Bất động sản Phú Tài (PTB sở hữu 100% vốn điều lệ) làm chủ đầu tư, quy mô dự án 5.830 m2, với 33 tầng. Tổng vốn đầu tư dự án là 876,4 tỷ đồng, thời gian triển khai từ quý II/2019 đến quý I/2022.

Như vậy, với việc đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận từ mảng bất động sản, nhiều khả năng PTB sẽ bắt đầu ghi nhận một phần lợi nhuận của dự án Chung cư cao tầng hồ sinh thái đầm Đống Đa trong năm 2021 và phần còn lại trong năm 2022.

Đây là cơ sở để nhà đầu tư kỳ vọng vào hoạt động kinh doanh của PTB tăng trưởng trong thời gian tới, giúp giá cổ phiếu duy trì đà tăng. Hiện giá cổ phiếu PTB đạt trên 70.000 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong hơn 1 năm qua.

Với DGC, doanh nghiệp này lên kế hoạch thành lập Công ty TNHH MTV Bất động sản Đức Giang với vốn điều lệ 500 tỷ đồng (DGC sẽ sở hữu 100% vốn điều lệ tại pháp nhân mới), hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Trước đó, tại Hội nghị nhà đầu tư diễn ra trong tháng 11/2020, ông Đào Hữu Duy Anh, Tổng giám đốc DGC chia sẻ, Công ty dự kiến sẽ ghi nhận lợi nhuận từ dự án bất động sản trong năm 2021. Đối với dự án bất động sản tại phố Đức Giang - Hà Nội, Công ty sẽ cố gắng khởi công khu liền kề vào quý III/2021 và có thể ghi nhận lợi nhuận ngay. Trong đó, toàn bộ 62 căn liền kề tại dự án đã được đặt mua, doanh nghiệp sẽ hợp tác với đơn vị phân phối để bán các sản phẩm.

DGC đặt kế hoạch kinh doanh trong quý I/2021 đạt tổng doanh thu 1.941 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch lợi nhuận quý đầu năm 2021 tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu DGC trong 1 năm qua gần như liên tục tăng, từ dưới 20.000 đồng/cổ phiếu lên sát ngưỡng 60.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tuần qua.

Tại CRE, doanh nghiệp đặt kế hoạch năm 2021 đạt doanh thu 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 355 tỷ đồng, lần lượt tăng 89% và 18% so với năm 2020. Trong đó, doanh nghiệp lên kế hoạch ghi nhận doanh thu thông qua chuyển nhượng bất động sản là 2.372 tỷ đồng, tăng 129%.

CRE chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực phân phối bất động sản, việc lên kế hoạch tham gia thứ cấp vào các dự án bất động sản chuẩn bị bàn giao kỳ vọng sẽ bổ sung doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Được biết, ngày 23/1/2021, CRE đã thông qua việc đầu tư, mua bán, chuyển nhượng bất động sản thuộc dự án Chung cư Chánh Nghĩa Quốc Cường tại phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương với tổng giá trị 485,3 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp có thuyết minh danh sách 211 sản phẩm bất động sản đầu tư trong dự án.

Ngày 26/1/2021, CRE thông qua việc đầu tư, mua bán, chuyển nhượng bất động sản thuộc dự án Đầu tư Xây dựng Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội với tổng giá trị 446,2 tỷ đồng, doanh nghiệp có công bố danh sách 20 bất động sản đầu tư trong dự án.

Trong lĩnh vực thuỷ sản, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) vừa có Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc góp vốn thành lập Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Thành Ngọc. VHC sẽ góp 70 tỷ đồng, tương ứng 70% vốn điều lệ công ty mới, ngành nghề là chiến biến và bảo quản rau củ.

Giá cổ phiếu VHC gần đây có diễn biến tăng, được nhìn nhận là sự phục hồi kỹ thuật sau đợt sụt giảm trước đó. Giới đầu tư không đánh giá cao động thái thành lập pháp nhân mới cũng như ngành nghề mới vì quy mô nhỏ. VHC có vốn điều lệ 1.833,8 tỷ đồng, doanh thu năm 2020 đạt 7.037,2 tỷ đồng, lợi nhuận 704,8 tỷ đồng.

Lấn sân không dễ

Việc mở rộng sang lĩnh vực mới không phải dễ dàng, thậm chí có những doanh nghiệp quy mô lớn sau đó đã phải rút lui, tập trung vào ngành cốt lõi ban đầu.

Chẳng hạn, từ năm 2016, Công ty cổ phần FPT mở rộng đầu tư vào nhiều lĩnh vực, với kỳ vọng sẽ bổ sung đà tăng trưởng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm 2017, chiến lược phát triển thay đổi khi Công ty cấu trúc lại hệ thống, trong đó thoái vốn mảng bán lẻ để tập trung vào lĩnh vực công nghệ. Theo đó, FPT giảm sở hữu tại Công ty Thương mại FPT từ 100% xuống 48%, giảm sở hữu tại Công ty Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) từ 85% về 55%.

Nhà đầu tư cần theo dõi sát hiệu quả kinh doanh trong các kỳ báo cáo để đánh giá tính khả thi của lĩnh vực mới.

Tương tự, tại Công ty cổ phần Gemadept, năm 2017, doanh nghiệp định hướng tập trung nguồn lực vào ngành cốt lõi là khai thác cảng và logistics, tiếp tục thực hiện thoái vốn lĩnh vực trồng cây cao su, thoái vốn tại công ty vận tải biển…

Đó là các bước đi tái cấu trúc, quay trở lại ngành kinh doanh cốt lõi ban đầu của FPT và Gemadept sau giai đoạn đa ngành.

Trong ngắn hạn, với việc mới thâm nhập vào ngành mới, giới đầu tư kỳ vọng PTB, DGC và CRE sẽ có thêm nguồn bổ sung doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, điều này không đảm bảo các doanh nghiệp sẽ thành công, nhà đầu tư cần theo dõi sát hiệu quả kinh doanh trong các kỳ báo cáo để đánh giá tính khả thi.

Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản có tính chu kỳ cao, có giai đoạn thăng hoa giúp nhiều doanh nghiệp thắng lớn, nhưng cũng có giai đoạn đóng băng và tình hình sẽ tồi tệ hơn nếu doanh nghiệp sử dụng nợ nay để tài trợ cho quá trình phát triển dự án bất động sản.

Tin bài liên quan