Bất động sản khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ là mảng sôi động trong năm 2021.

Bất động sản khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ là mảng sôi động trong năm 2021.

Doanh nghiệp niêm yết đón gió tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở trong nước và thế giới, nhưng nhiều cơ hội đang mở ra với nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp.

Tín hiệu tích cực

Những chính sách vĩ mô cùng triển vọng ngành tích cực được dự báo sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng của nhiều nhóm ngành, nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, 2021 là năm các doanh nghiệp sẽ tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và có hiệu lực để đẩy mạnh xuất khẩu.

Ngay từ đầu năm, doanh nghiệp ngành thép đã đón nhận những tín hiệu tích cực trong xuất khẩu. Tháng 1, Công ty TNHH Tôn Hòa Phát, thành viên của Tập đoàn Hòa Phát đã xuất khẩu khoảng 10.000 tấn tôn mạ kẽm đi châu Âu cho các đối tác đến từ Bỉ và Tây Ban Nha. Trong tháng 2, Công ty xuất một lô hàng hơn 12.000 tấn, chủ yếu là các sản phẩm tôn mạ lạnh xuất khẩu sang châu Mỹ.

Tôn Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép lá mạ duy nhất của Việt Nam chủ động được nguồn nguyên liệu thép cuộn cán nóng (HRC), sản xuất tại Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất, Quảng Ngãi.

Đây là lợi thế lớn, giúp Hòa Phát đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường với giá thành cạnh tranh, kiểm soát chất lượng từ đầu vào đến đầu ra, đặc biệt đáp ứng được tiêu chí về yêu cầu xuất xứ của sản phẩm vào các thị trường lớn trên thế giới.

Ngoài thị trường châu Âu, sản phẩm tôn mạ Hòa Phát hiện đã xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Úc… Từ năm 2021, Tôn Hòa Phát đặt mục tiêu sản xuất hàng năm 300.000 - 400.000 tấn, trong đó duy trì tỷ trọng xuất khẩu 30 - 40%.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings (APH) đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2021 lần lượt đạt 11.500 tỷ đồng và 590 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức thực hiện trong năm 2020 (320 tỷ đồng lợi nhuận).

Mảng bao bì và bất động sản công nghiệp được Tập đoàn kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đem lại sức bật lớn cho APH trong năm nay. Triển vọng từ xuất khẩu các sản phẩm bao bì và làn sóng dịch chuyển các doanh nghiệp đến Việt Nam giúp APH có cơ hội bứt phá trong năm nay.

Cụ thể, APH cho biết, mảng bao bì công nghiệp dự kiến đem lại 10% tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận cho mảng bao bì trong năm 2021. Trước đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, mảng bao bì vẫn duy trì tăng trưởng so với năm trước.

Tổng sản lượng tiêu thụ năm 2020 đạt 102.708 tấn, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2019, trong đó bao bì màng mỏng tăng trưởng gần 4% so với cùng kỳ. Năm nay, APH cũng đặt kế hoạch tăng tỷ trọng sản lượng bao bì tự hủy, cải thiện lợi nhuận gộp mảng bao bì.

Mảng bất động sản khu công nghiệp được APH kỳ vọng sẽ có đóng góp đột phá về doanh thu trong năm nay. Cụ thể, ghi nhận doanh thu tăng trưởng nhờ đóng góp từ chuyển nhượng phần còn lại của Khu công nghiệp An Phát Complex và Khu công nghiệp Quốc Tuấn - An Bình giai đoạn 1 với diện tích 180 ha sẽ đi vào khai thác thương mại trong quý II năm nay.

APH đang tập trung vào bốn mảng mũi nhọn: bao bì công nghiệp, bất động sản khu công nghiệp, nhựa kỹ thuật và nhà máy PBAT.

Hai công ty thành viên là Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh (AAA) và Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội (NHH) cũng được APH kỳ vọng sẽ có tăng trưởng trong năm 2021. Tại AAA, chỉ tiêu kinh doanh năm nay được đặt ra là 9.500 tỷ đồng doanh thu và 550 tỷ đồng lợi nhuận. Còn NHH đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 2.000 tỷ đồng và 150 tỷ đồng.

APH đang tập trung vào bốn mảng mũi nhọn: bao bì công nghiệp, bất động sản khu công nghiệp, nhựa kỹ thuật và nhà máy PBAT. Cả bốn mũi nhọn này đều có những lợi thế tăng trưởng vượt trội trong năm nay.

Chủ động kế hoạch kinh doanh

Năm 2021, Tổng công ty Xây dựng xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex) đặt kế hoạch doanh thu đạt 5.400 tỷ đồng, tăng tới 88% so với năm 2020; lợi nhuận tăng 4%, đạt 836 tỷ đồng. Mảng xây lắp và bất động sản tiếp tục đóng góp doanh thu chính cho Tổng công ty.

Mục tiêu của Vinaconex là đến năm 2025, doanh thu đạt 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận 2.000 tỷ đồng, sở hữu quỹ đất 5.000 ha, cổ tức 12 - 20%. Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng giám đốc Vinaconex cho biết, kế hoạch mở rộng quỹ đất lên 5.000 ha không khó.

Đại dịch Covid-19 đã tác động đến định hướng phát triển mảng bất động sản của Vinaconex. Cụ thể, Tổng công ty sẽ tạm dừng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, tập trung phát triển bất động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp tại Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Với mảng xây lắp, Vinaconex tiếp tục theo đuổi, nhưng thay vì bỏ vốn đầu tư, Công ty sẽ tiếp tục đấu thầu thực hiện xây lắp, tập trung vào những công trình lớn và công trình có yếu tố nước ngoài.

Dịch bệnh cũng như nền kinh tế diễn biến khó lường, do vậy, lãnh đạo Vinaconex xác định "đặt tính hiệu quả lên hàng đầu”.

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô mới nhất, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam.

Trong đó, VEPR nghiêng về kịch bản cơ sở - bệnh dịch không lan rộng trong phần lớn thời gian của năm và kinh tế nội địa tiếp tục hoạt động bình thường với sự dần trở lại trạng thái bình thường của kinh tế toàn cầu.

Bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới có thể tái xuất hiện cục bộ trên quy mô nhỏ ở một số quốc gia. Theo đó, mức độ tác động của Covid–19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ không nghiêm trọng hơn so với năm 2020. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,6 - 5,8%.

Kịch bản thứ hai là kịch bản bất lợi, bệnh dịch trong nước bùng phát với biến thể mới của Covid-19 trong năm 2020 khiến hoạt động kinh tế bị gián đoạn.

Đồng thời, dịch bệnh ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới không cải thiện nhiều do hiệu quả của vắc-xin tới người dân chưa đạt quy mô lớn. Theo kịch bản này, tăng trưởng kinh tế cả năm ở mức 1,8 - 2%.

Theo VEPR, những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng bao gồm Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh từ giai đoạn sớm giúp duy trì hoạt động kinh tế trong nước, kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh hơn; làn sóng dịch chuyển đầu tư và thương mại nhằm phân tán rủi ro từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức chấp nhận được, tạo môi trường cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

Cùng với kỳ vọng kinh tế tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp hy vọng năm 2021 sẽ có kết quả tươi sáng hơn.

Tin bài liên quan