Từ tái cấu trúc tài chính tại nhóm DN bất động sản…
Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên diễn ra ngày 12/4/2014 của CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR), vấn đề được NĐT quan tâm nhất vẫn là tái cấu trúc nguồn vốn như thế nào, làm sao để PDR giải phóng lượng hàng tồn kho hiện tại và tạo doanh thu cho Công ty?
Tái cấu trúc tài chính, giảm hàng tồn kho là vấn đề không mới với PDR, nhưng lại là vấn đề đang được cổ đông rất quan tâm, bởi đã 3 năm liền, tình hình tài chính Công ty lâm vào tình trạng khó khăn. Hàng tồn kho chồng chất, nhưng mới chỉ ở dạng quyền sử dụng đất và thiếu tiền để triển khai tiếp tục dự án, thị trường khó khăn để bán sản phẩm; trong khi có thời gian trả nợ lại đang ngày một đến gần. Số dư hàng tồn kho của PDR qua mỗi năm vẫn tăng, nhưng điều đáng buồn, lại đến chủ yếu từ vốn hóa lãi vay, với dòng tiền hoạt động vô cùng hạn hẹp.
Trong kế hoạch hoạt động năm nay, tái cấu trúc tài chính được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, theo hướng cơ cấu khoản vay từ ngắn hạn sang dài hạn. Việc tìm đối tác để hợp tác đầu tư trên cơ sở PDR có quỹ đất và kinh nghiệm phát triển dự án, đối tác hỗ trợ tài chính cũng được nêu ra.
Đặt mục tiêu là vậy, nhưng với PDR, làm thế nào để thực hiện giải bài toán trên vẫn là một câu hỏi khó. Tất nhiên, phía Công ty đã hé mở một phần thông tin về việc đàm phán với đối tác Trung Quốc để kinh doanh bất động sản, nhưng khi chưa có thông tin chính thức về một hợp đồng được ký kết thì NĐT vẫn chỉ biết chờ đợi trong hoài nghi.
Khả quan hơn PDR, với CTCP Quốc Cường Gia Lai (mã QCG), nỗ lực tái cấu trúc khi Công ty đã có sản phẩm hoàn thiện để bán. Năm 2013, QCG đã bán sản phẩm để thu về xấp xỉ 1.000 tỷ đồng phục vụ cho mục tiêu trả nợ và phát triển tiếp Dự án Phước Kiển. Trả lời ĐTCK, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cho hay, dù áp lực tài chính đã giảm mạnh, khó khăn đã được đẩy lùi, nhưng năm 2014 vẫn được coi là năm của tái cấu trúc toàn diện hoạt động. Trong tờ trình ĐHCĐ thường niên năm nay, QCG cho biết, trọng tâm hoạt động của Công ty là tái cấu trúc tài sản (bán các sản phẩm dự án đang có để tập trung cho Phước Kiển) và tái cấu trúc nguồn vốn (bao gồm tiếp tục tập trung nguồn vốn thu được từ bán các dự án khác cho cho dự án Phước Kiển, tái cấu trúc các khoản nợ và tìm kiếm thêm nguồn vốn dài hạn quy mô lớn.
Tại CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB), khó khăn về thanh khoản là điều mà thị trường đã nhìn thấy giai đoạn trước, khi Công ty liên tục khất nợ trái chủ. Tuy nhiên, từ năm 2013, khi NBB phát hành thành công tăng vốn theo tỷ lệ 1:1 cho cổ đông hiện hữu và hoàn thành thu tiền từ bán sản phẩm Dự án Carina, bức tranh tài chính Công ty đã chuyển sang gam màu tươi sáng hơn. Tuy nhiên, nhu cầu tài chính của NBB trên thực tế vẫn rất lớn. BCTC quý I/2014 cho thấy, lượng hàng tồn kho của Công ty vẫn rất lớn, dù giá vốn rẻ, nhưng chủ yếu mới ở dạng hoàn thành giải phóng mặt bằng. Có lẽ, đây là lý do NBB tiếp tục đẩy mạnh các đợt tăng vốn (bao gồm chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài), nhằm tăng dòng tiền để phục vụ hoạt động kinh doanh.
… đến tái cấu trúc hoạt động, nhân sự các DN khác
Không chỉ nhóm DN bất động sản, áp lực tái cấu trúc tại nhiều DN niêm yết khá lớn. Tái cấu trúc để mở rộng kinh doanh, để giải phóng sức ép tài chính hay tái cấu trúc để tạo ra một diện mạo mới phù hợp hơn với định hướng phát triển… là điều nhiều DN đang làm.
Tại CTCP Đầu tư F.I.T, năm 2014 chứng kiến bước chuyển mình mạnh mẽ, bao gồm cả việc thay đổi định hướng phân bổ tài sản, nguồn vốn (chuyển dịch từ đầu tư ngắn hạn sang đầu tư dài hạn vào công ty liên doanh - liên kết, công ty con), tập trung nhiều vào mảng nông nghiệp - thực phẩm và hóa mỹ phẩm, coi đây là 2 động lực tăng trưởng, bên cạnh việc tăng vốn mạnh mẽ.
Năm nay, thị trường cũng chứng kiến sự tham gia sâu hơn vào lĩnh vực nông nghiệp của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG). Với HAG, đó là kế hoạch mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực trồng ngô và nuôi bò, bên cạnh mảng trồng cao su, mía đường hiện nay. Trong khi đó, DLG tăng vốn điều lệ để tập trung nguồn lực cho các mảng hoạt động trọng tâm là hạ tầng, khai khoáng, năng lượng, thương mại và đặc biệt là đầu tư mới vào mảng trồng – chế biến sản phẩm nông nghiệp, tập trung vào cây nông nghiệp ngắn ngày như ngô, đậu nành, đậu tương.
Ngoài tái cấu trúc tài sản, nguồn vốn, hoạt động kinh doanh, năm 2014 cũng là năm “tái cấu trúc” nhân sự chủ chốt tại một số DN niêm yết như thay đổi Chủ tịch HĐQT tại CTCP Dược Hậu Giang, Ngân hàng Sài Gòn-Thương Tín (Sacombank), dàn lãnh đạo chủ chốt tại CTCP Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ; thay đổi thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát tại CTCP Giao nhận vận tải và thương mại…
Kết quả của những nỗ lực tái cấu trúc này vẫn là câu chuyện mở.