Các doanh nghiệp niêm yết, với sự chắp cánh của thị trường về nguồn vốn, đang lấn sân mạnh sang lĩnh vực này. Tất nhiên, sức ép triển khai thành công là không hề nhỏ.
Thực phẩm, đồ uống lên ngôi
Vingroup (VIC) là điển hình cho xu hướng này. Điển hình không nằm ở câu chuyện Vingroup đầu tư bao nhiêu cho lĩnh vực hàng thực phẩm, mà chính là ở cách bước sang một lĩnh vực mới đầy mạnh mẽ của một doanh nghiệp được biết đến như là tập đoàn số 1 Việt Nam về bất động sản. Với lượng khách hàng hiện hữu rất lớn, mặt hàng thực phẩm sạch của Vingroup được trồng theo công nghệ của Israel được dự báo sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường.
Ngoài Vingroup, nhiều doanh nghiệp khác cũng đẩy mạnh sang lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm như Hoàng Anh Gia Lai (HAG) với dự án chăn nuôi bò sữa và bò lấy thịt, hiện đang đóng góp phần lớn lợi nhuận cho công ty này, CTCP Tập đoàn PAN (PAN) với việc chuyển hẳn trọng tâm sang lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm thông qua việc thành lập PAN Food và đầu tư lớn vào một số doanh nghiệp nhóm này.
Ngay cả các “ông lớn” trong ngành thực phẩm thời gian vừa qua cũng dành nhiều công sức cho mua thâu tóm các doanh nghiệp nhóm ngành đồ uống, trong đó, năm 2015, Masan mua Nước khoáng Quảng Ninh sau khi đã có Nước khoáng Vĩnh Hảo, Bia và nước giải khát Phú Yên, Vinacafe Biên Hòa. Tập đoàn KIDO (KDC) sau thương vụ chuyển nhượng lại mảng bánh kẹo cũng chuyển mình sang lĩnh vực sản xuất dầu thực vật và mì ăn liền.
Hai doanh nghiệp khác có chuyển động mạnh sang nhóm ngành này gần đây là CTCP Đầu tư F.I.T (FIT) và CTCP Đầu tư và sản xuất Thống Nhất (GTN) . F.I.T. từ chỗ hoạt động trọng tâm trong lĩnh vực đầu tư, 2 năm vừa qua đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, nông nghiệp. Trong diễn biến gần nhất, một công ty thuộc hệ thống của F.I.T là FIT Consumer đã được chấp thuận mua 65% vốn điều lệ của CTCP Nước khoáng Khánh Hòa (Vikoda). Vikoda sở hữu thương hiệu nước khoáng Đảnh Thạnh nổi tiếng và nguồn suối khoáng duy nhất có độ kiềm cao. Thương vụ này cho thấy sự tham gia sâu của hệ thống F.I.T vào nhóm ngành này.
Trong khi đó, GTN từ chỗ là hình thành trên cơ sở góp vốn sở hữu của các nhóm cổ đông từ nhiều nhóm ngành khác nhau, bao gồm cả vật liệu xây dựng, khai khoáng, đồ uống… đã lên kế hoạch thoái vốn tại các ngành nghề khác để tập trung hẳn sang lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, đồ uống, với động thái gần nhất là trở thành cổ đông lớn tại Tổng công ty Chăn nuôi Vilico, mua thâu tóm Tổng công ty Chè Việt Nam. Chủ tịch HĐQT Công ty cũng cho biết, trong giai đoạn tới đây, GTN sẽ thâu tóm thêm một số doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống khác…
Kỳ vọng lợi nhuận lớn, sức ép cũng nhiều
Không tính những doanh nghiệp vốn hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng, PAN, FIT được coi là những điển hình tương đối thành công (và tới đây có thể là GTN), khi lựa chọn đi vào lĩnh vực này thông qua thâu tóm những doanh nghiệp có thương hiệu, thị trường sẵn.
Thế nhưng, vấn đề đặt ra với các doanh nghiệp này vẫn là câu chuyện con người. Mỗi ngành nghề kinh doanh khác nhau lại đòi hỏi những kỹ năng đặc thù từ vận hành sản xuất đến marketing, bán hàng… và cạnh tranh thu hút nhân sự cấp cao luôn là cuộc chiến cam go của các ông lớn trong ngành này.
Trong khi đó, đối với những doanh nghiệp mở rộng đầu tư theo hình thức phát triển mới mảng kinh doanh, sức ép còn lớn hơn nữa, khi đòi hỏi không chỉ là nhân sự có kỹ năng và trình độ, kinh nghiệm phù hợp, mà còn cả phương án kinh doanh được đầu tư kỹ lưỡng.
Giám đốc phụ trách mảng tín dụng một ngân hàng thương mại từng kể bài học đau thương mà các khách hàng của ông gặp phải, liên quan đến đầu tư vào lĩnh vực nuôi rong biển tại Nha Trang.
Theo đó, một khách hàng tại khu vực miền Trung sau 2 năm nghiên cứu trồng thử nghiệm rong biển với kết quả thu được là tỷ suất sinh lời rất lớn đã quyết định đầu tư lớn để nhân rộng quy mô. Nhưng ngay khi mô hình được mở rộng, doanh nghiệp lập tức bị thất bại, bởi việc trồng với mật độ cao, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hay có bão… đã dẫn tới tình trạng tỷ lệ rong chết lớn. Đây là điều mà ở quy mô nhỏ, doanh nghiệp không phát hiện ra.