Phó Chủ tịch UBCK Phạm Hồng Sơn trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán tại cuộc họp báo chuyên đề do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức cuối tuần qua.
Nghị định 71/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/8/2017 quy định, cơ cấu thành viên HĐQT của công ty niêm yết phải đảm bảo tối thiểu 1/3 tổng số thành viên HĐQT là thành viên độc lập. Thực tế việc áp dụng quy định này tại Thông tư 121/2012/TT-BTC là không khả thi, nhiều ý kiến đã đề nghị điều chỉnh hoặc bỏ, nhưng nay lại được quy định ở văn bản cấp nghị định, thưa ông?
Không riêng nội dung cơ cấu thành viên HĐQT của công ty niêm yết phải đảm bảo tối thiểu 1/3 tổng số thành viên HĐQT là thành viên độc lập, mà nhiều nội dung khác tại Nghị định 71/2017 kế thừa từ Thông tư 121/2012, bởi những quy định này vẫn đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Bên cạnh đó, Nghị định 71/2017 có nhiều quy định mới, nhằm thúc đẩy nâng cao chất lượng quản trị công ty.
Hiện với trên 2.000 công ty đại chúng và niêm yết, vấn đề cốt lõi để doanh nghiệp phát triển bền vững là phải coi trọng nâng cao chất lượng quản trị công ty. 10 năm gần đây, chất lượng quản trị công ty ở Việt Nam có bước tiến tương đối tốt, cơ bản áp dụng theo thông lệ quốc tế.
Phó Chủ tịch UBCK Phạm Hồng Sơn
Qua công tác giám sát, thanh tra các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, mức độ tuân thủ các quy định về quản trị công ty ngày càng tốt hơn.
Ý thức tuân thủ của các doanh nghiệp dần được nâng cao, nhiều chủ doanh nghiệp nhận thức rõ được tầm quan trọng của quản trị công ty.
Với quy mô vốn hoạt động ban đầu nhỏ, chẳng hạn là 10 tỷ đồng, việc quản trị là đơn giản hơn nhiều khi quy mô tăng lên 100 tỷ đồng, rồi 1.000 tỷ đồng và hơn nữa. Nếu chất lượng quản trị công ty không được cải thiện tương ứng, sẽ ảnh hưởng không chỉ đến doanh nghiệp, mà đến cả nghìn nhà đầu tư.
Nhiều ý kiến quan ngại ngay ở những doanh nghiệp đã có thành viên HĐQT độc lập thì các thành viên này hoạt động mờ nhạt, nặng tính hình thức. Ông nhìn nhận gì về hiện trạng này?
Thực tế hoạt động của thành viên HĐQT độc lập ở nhiều doanh nghiệp chưa hiệu quả, trong khi họ có vai trò là người gác cửa, phản biện tại doanh nghiệp.
Ở những doanh nghiệp mà Chủ tịch HĐQT thường có xu hướng thích quyết tất các việc, thì rất cần tiếng nói khách quan, phản biện từ bên ngoài, nhất là tiếng nói của những thành viên HĐQT với tư cách là chuyên gia trong những lĩnh đầu tư, kinh doanh mà doanh nghiệp muốn đầu tư. Từ đó giúp cho bài toán đầu tư của doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Bởi vậy, khi doanh nghiệp thực sự phát huy vai trò, tiếng nói khách quan của thành viên HĐQT độc lập chính là khích lệ những tiếng nói phản biện trong công ty, qua đó bảo vệ cho chính doanh nghiệp và ông chủ của doanh nghiệp
. Nếu chỉ dựng lên thành viên HĐQT độc lập theo kiểu để đối phó với quy định pháp lý, thì tự thân doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu những hệ lụy không tốt, nhất là khi DN xác định đi trên con đường phát triển bền vững.
Khi Nghị định 71/2017 có hiệu lực (từ 1/8/2017), nếu doanh nghiệp niêm yết không tuân thủ quy định phải đảm bảo tối thiểu 1/3 tổng số thành viên HĐQT là thành viên độc lập, UBCK sẽ xử lý như thế nào?
Mục tiêu của UBCK không phải là xử phạt doanh nghiệp vi phạm, mà trên cơ sở quy định pháp lý bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8/2017, cơ quan quản lý mong muốn và khích lệ doanh nghiệp tự giác áp dụng cho tốt, thực chất.
Như đã phân tích, nếu doanh nghiệp tuân thủ theo kiểu đối phó thì tính hiệu quả của thành viên HĐQT độc lập là không có, nên không thể góp phần nâng cao chất lượng quản trị công ty.
Với những doanh nghiệp cố tình không tuân thủ quy định đảm bảo 1/3 thành viên HĐQT phải là thành viên độc lập, thì sẽ bị xử phạt theo chế tài đã được bổ sung tại Nghị định 145/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán (phạt từ 70- 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định pháp luật quản trị công ty về cơ cấu thành viên HĐQT- PV).
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chánh thanh tra UBCK cho biết, do quy định cơ cấu thành viên HĐQT của công ty niêm yết phải đảm bảo tối thiểu 1/3 tổng số thành viên HĐQT là thành viên độc lập tại Nghị định 71/2017/NĐ-CP không phải là nội dung chuyển tiếp, nên ngay sau khi văn bản này có hiệu lực, về nguyên tắc, nhà quản lý có quyền áp dụng chế tài tại Nghị định 145/2016 .