Doanh nghiệp nhọc nhằn tìm lao động

(ĐTCK-online) “Chưa tỉnh nào, địa phương nào dám nói với các nhà đầu tư rằng, các ông cứ vào đi, cần bao nhiêu lao động, kể cả có trình độ thì chúng tôi cũng đáp ứng được”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã lên tiếng với các địa phương về tình trạng thiếu trầm trọng nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội tại cuộc họp về dạy nghề được tổ chức mới đây.

Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đang đặt công tác dạy nghề trước yêu cầu phát triển đột phá về cả chất lượng và số lượng, nếu không, sẽ có không ít doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư phải tính toán lại kế hoạch đầu tư của mình.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, có nhà đầu tư khi làm việc với Chính phủ về việc đầu tư vào một khu công nghệ cao tại nước ta đã đề nghị Chính phủ cho nhập khẩu 1.000 lao động kỹ thuật cao vào làm việc. Theo Phó Thủ tướng, thực tế này đang làm mất dần lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư của nước ta, bởi nếu lao động rẻ, nhưng không có chất lượng cũng giống như mua một món hàng rẻ, kém chất lượng. Bên cạnh đó, lao động có chất lượng mà đắt cũng sẽ không được nhà đầu tư để ý.

Sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực cũng khiến ông Bùi Mạnh Lân, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Khu công nghiệp Đồng An (Bình Dương) vô cùng bức xúc tại Đại hội lần thứ nhất của Hiệp hội Dạy nghề. Ông Lân cho rằng, đã qua thời kỳ DN cứ tuyển là có lao động. “Tại Khu liên hợp công nghiệp Bình Dương, hơn 4.000 ha với hơn 100 nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong nay mai, cần tới hàng vạn công nhân, nhưng vẫn chưa có một công nhân nào. Nếu công nhân từ các tỉnh khác không lấp đầy khoảng trống này, thì liệu DN có tiếp tục được kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình?”, ông Lân đặt câu hỏi.

Không chỉ Bình Dương mà các địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao cũng đang không biết xoay xở thế nào khi chưa nhìn đâu ra nguồn lao động. Tại tỉnh Đồng Nai, việc tuyển dụng lao động phổ thông vào làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) cũng không sáng sủa hơn. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, trong năm nay, nhu cầu về lao động chủ yếu làm việc trong các KCX-KCN của tỉnh là khoảng 50.000 người, nhưng nguồn lao động địa phương không đáp ứng đủ. Lao động từ các địa phương khác không dồn về Đồng Nai như những năm trước đây mà ngày càng thưa thớt. Theo dự tính tới năm 2010, với sự ra đời và phát triển của hơn 20 KCN hoạt động trên địa bàn tỉnh, số lao động cần sử dụng là khoảng 225.000, nhưng vẫn chưa biết tìm ở đâu.

Thực trạng này theo ông Lân là do tới nay, nhiều địa phương vẫn chỉ chú trọng việc mở KCN, mà chưa tính đến việc lao động được tìm từ đâu, có đáp ứng được yêu cầu hay không. Đến khi KCN được xây dựng, các DN tìm hiểu đầu tư mới “vỡ lẽ”: nguồn nhân lực quá thiếu. “Tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM gần nhau, nên thời gian trước có sự dịch chuyển lao động giữa các địa phương này. Nhưng tới nay, cả 3 nơi đều rất thiếu lao động, nên sự dịch chuyển sẽ ít đi”, ông Lân cho biết. Chính điều này đang khiến cho tình trạng khan hiếm lao động thêm trầm trọng.

Từ thực tế trên, ông Lân kiến nghị, trong khi chờ đợi tỷ lệ lao động đã qua đào tạo được cải thiện dần dần, khi xét quy hoạch các KCN, nhà đầu tư cần đi trước một bước, bằng việc đầu tư xây dựng thêm trường dạy nghề hoặc phối hợp với các trường đào tạo nghề của tỉnh, khu vực để chuẩn bị trước nguồn nhân lực. Sau này, khi các DN đã vào đầu tư, chính chủ đầu tư KCN cũng là nhà cung cấp và quản lý nhân lực. Theo ông Lân, mô hình này đã được một số chủ đầu tư KCN thực hiện rất có hiệu quả, vừa đảm bảo cung cấp đủ lao động cho DN, vừa hạn chế được tình trạng đình công, lãn công không chính đáng của người lao động.