Năm 2019 là năm thứ hai Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết được thực hiện trên toàn TTCK Việt Nam, tiếp nối nền tảng 10 năm Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (BCTN) trước đó.
Đây cũng là năm thứ hai, quản trị công ty được đưa lên thành một nội dung đánh giá quan trọng, cho thấy quản trị công ty là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Cuộc bình chọn năm 2019 tiếp tục phân bảng các doanh nghiệp niêm yết thuộc rổ chỉ số VNX All share theo quy mô vốn (lớn, trung bình và nhỏ).
Với đặc thù của các doanh nghiệp niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp thuộc nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, số công ty tham gia chấm sơ khảo thuộc nhóm này chiếm 89% trong tổng số công ty niêm yết trên HNX tham gia chấm vòng sơ khảo.
Mặc dù kết quả chấm cho thấy mặt bằng chất lượng BCTN của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ có phần khá hơn so với năm trước, nhưng vẫn còn rất nhiều nội dung cần phải cải thiện.
Chẳng hạn, những nội dung mang tính cốt lõi, bắt buộc của một BCTN là báo cáo tình hình tài chính thì thực tế cho thấy, khá nhiều công ty trình bày sơ sài, thiếu các phân tích đánh giá về kết quả, hiệu quả kinh doanh, các thuyết minh mang tính định lượng của tình hình cũng như nguyên nhân ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.
Tương tự, một số nội dung về quản trị công ty như vấn đề đào tạo và thực thi các quy định về quản trị công ty, báo cáo tác động liên quan đến môi trường xã hội…, chỉ có số ít doanh nghiệp trình bày trong BCTN, còn lại gần như bỏ trống.
Chỉ có trên 50% số doanh nghiệp của nhóm này đạt điểm trung bình, còn lại chỉ đạt mức điểm dưới trung bình. Thống kê một vài chỉ tiêu liên quan đến hoạt động và tình hình quản trị của công ty mà khối doanh nghiệp làm chưa tốt trong BCTN được trình bày trong bảng đính kèm.
Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân vì sao khối doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa chú trọng trình bày các nội dung nêu trên trong BCTN? Theo quan sát từ phía cơ quan quản lý, chúng tôi có một vài lý giải.
Chẳng hạn, đối với nhóm vấn đề về thực trạng tài chính của doanh nghiệp, nguyên nhân chính là do tâm lý ngại chia sẻ thông tin tài chính hoặc hiểu rằng, phần này đã được thể hiện trên bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ nên không cần phải phân tích, đánh giá về tình trạng tài chính hoặc né tránh trình bày về thực trạng khó khăn của doanh nghiệp.
Mong rằng khối doanh nghiệp nhỏ và vừa có sự nhìn nhận một cách nghiêm túc trong công tác lập và trình bày BCTN để đem lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp
- Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội, Thành viên Hội đồng bình chọn Doanh nghiệp niêm yết
Đối với nhóm vấn đề liên quan đến quản trị doanh nghiệp, thực hành quản trị công ty dường như còn khá mờ nhạt. Cụ thể, rất ít doanh nghiệp đề cập đến các thông tin về việc hội đồng quản trị tham gia các khóa đào tạo về quản trị công ty để được cập nhật kiến thức và giúp phát triển các kỹ năng về quản trị công ty nhằm nâng cao phát huy vai trò và trách nhiệm của mình trong công ty, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động, giảm thiểu rủi ro và nâng cao khả năng huy động vốn của các công ty, nâng cao tính minh bạch của thị trường…
Các giao dịch với các bên liên quan như các công ty con, các công ty mà công ty nắm quyền kiểm soát của thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát, giám đốc (tổng giám đốc), các cán bộ quản lý và những người có liên quan tới các đối tượng nói trên ít được chia sẻ đầy đủ trong BCTN.
Đối với nhóm vấn đề liên quan đến việc trình bày báo cáo tác động liên quan đến môi trường và xã hội trong BCTN, trong bối cảnh phát triển bền vững trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của các quốc gia, các doanh nghiệp không chỉ hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận mà còn phải có trách nhiệm hơn với môi trường, cộng đồng và xã hội.
Mặc dù đã có quy định pháp lý yêu cầu các doanh nghiệp công bố thông tin về phát triển bền vững, song báo cáo phát triển bền vững dường như vẫn còn khá mới mẻ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dẫn đến việc trình bày nội dung này còn rất rất sơ sài.
Trên UPCoM, HNX thực hiện chấm điểm công bố thông tin và minh bạch cho các doanh nghiệp đại chúng, cùng hướng đến mục tiêu thúc đẩy các doanh nghiệp minh bạch và quản trị hiệu quả.
Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp chưa có chính sách và thực tiễn bảo vệ môi trường gắn liền với các hoạt động, quá trình sản xuất - kinh doanh.
Từ các nguyên nhân nêu trên, chúng tôi đưa ra một vài khuyến nghị với mong muốn khối doanh nghiệp nhỏ và vừa có sự nhìn nhận một cách nghiêm túc trong công tác lập và trình bày BCTN để đem lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.
Một là, doanh nghiệp cần minh bạch các thông tin tài chính.
Lập BCTN với tâm thế như mình đang kể chuyện về doanh nghiệp, cần đầy đủ và minh bạch về tình hình tài chính của mình ngay cả khi tình hình tài chính không thực sự tốt, thậm chí hiệu quả kinh doanh kém.
Các thông tin về ngành, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp trong năm vừa qua và tương lai gần; về tình trạng nợ của công ty hay nhận định và dự báo về nguồn hàng, thị trường; các khoản lợi nhuận được giữ lại nhằm mục tiêu gì, tái đầu tư vào đâu, khả năng sinh lời và mức độ rủi ro ra sao, kết quả kinh doanh cũng cần chỉ rõ nó đến từ các bộ phận kinh doanh nào trong doanh nghiệp, đâu là thế mạnh, điểm yếu...
Yêu cầu số một đặt ra với BCTN là tính minh bạch và đó là cách mà doanh nghiệp xây dựng niềm tin và nhận được sự chia sẻ từ phía cổ đông của mình cũng như với công chúng đầu tư.
Hai là, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về quản trị công ty. Các thành viên hội đồng quản trị nên nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc cải thiện tình hình thực hành quản trị công ty tại doanh nghiệp bằng cách tham gia các khóa đào tạo về quản trị công ty, giúp phát triển kỹ năng và kiến thức của thành viên, đẩy mạnh hơn nữa tính chuyên nghiệp, nhờ đó hội đồng quản trị sẽ thực hành tốt hơn về vai trò của mình và sẵn sàng nâng cao, cải tiến quản trị tốt tại doanh nghiệp.
Minh bạch các thông tin giao dịch hoặc ký kết hợp đồng với các bên liên quan như công ty con, công ty mà công ty nắm quyền kiểm soát, nên được trình bày một cách đầy đủ trong BCTN.
Ba là, lập báo cáo phát triển bền vững thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường và xã hội.
Bên cạnh thông tin tài chính, thông tin về hoạt động của doanh nghiệp trên khía cạnh môi trường, xã hội nên được các doanh nghiệp chú trọng hơn. Để làm tốt, doanh nghiệp cần nhận thức được vai trò quan trọng của quá trình phát triển bền vững và báo cáo bền vững.
Cụ thể, chỉ có thông qua việc báo cáo công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và nỗ lực của doanh nghiệp trong từng hoạt động cụ thể mới giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, khi đó mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp mới ổn định và phát triển.