Nhóm doanh nghiệp nhiệt điện than đang chịu áp lực từ giá nguyên liệu đầu vào tăng vọt và rủi ro ghi nhận lỗ tỷ giá hối đoái đối với dư nợ bằng USD.

Nhóm doanh nghiệp nhiệt điện than đang chịu áp lực từ giá nguyên liệu đầu vào tăng vọt và rủi ro ghi nhận lỗ tỷ giá hối đoái đối với dư nợ bằng USD.

Doanh nghiệp nhiệt điện nặng gánh than

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Than chiếm khoảng 90% trong cơ cấu chi phí nguyên vật liệu của các doanh nghiệp nhiệt điện than, trong khi giá nguyên liệu này tăng 171% trong 5 tháng đầu năm 2022 và doanh nghiệp không có khả năng tăng giá bán điện.

Giá than tăng làm giảm biên lợi nhuận gộp

Theo Trading Economics, trong 5 tháng đầu năm 2022, giá than thế giới tăng 171%, từ 157,5 USD/tấn lên 427 USD/tấn và đang duy trì ở vùng đỉnh lịch sử. Nguyên nhân chính dẫn tới giá than tiếp tục tăng vọt, dù trong năm 2021 đã có mức tăng hơn 2 lần, là do xung đột Nga - Ukraine khiến thế giới lo lắng về một cuộc khủng hoảng năng lượng trên diện rộng.

Trong khi đó, kinh tế hồi phục sau dịch Covid-19 thúc đẩy nhu cầu sử dụng năng lượng từ than, dù tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 tại Grasgow tháng 11/2021, ít nhất 23 quốc gia đã cam kết loại bỏ dần điện than.

Diễn biến giá than thế giới trong 1 năm qua (Đơn vị: USD/tấn). Nguồn: Trading Economics.

Diễn biến giá than thế giới trong 1 năm qua (Đơn vị: USD/tấn). Nguồn: Trading Economics.

Với diễn biến hiện tại, các chuyên gia kinh tế của Bloomberg dự báo, than có thể duy trì ở mặt bằng giá cao trong thời gian tới, nhất là khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt.

Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho biết, nhóm doanh nghiệp nhiệt điện than tại Việt Nam có đặc điểm chung là chi phí sản xuất chủ yếu đến từ chi phí nguyên liệu và chi phí khấu hao. Chi phí than chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 90% trong cơ cấu chi phí nguyên liệu, vì vậy giá nguyên liệu tăng khiến các nhà máy nhiệt điện trở nên kém cạnh tranh so với các nguồn điện khác.

Được biết, nhiều năm về trước, giá than trong nước bán cho các nhà máy điện được trợ giá, khiến giá than thấp hơn so với giá than quốc tế. Tuy nhiên, cơ chế trợ giá này đã bị cắt giảm trong những năm gần đây nên giá than trong nước có xu hướng tiệm cận với giá than quốc tế. Ngoài ra, sản lượng than trong nước không đủ cung cấp cho tất cả các nhà máy điện nên nhiều nhà máy phải sử dụng than nhập khẩu hoặc than hỗn hợp.

Ngoài giá than tăng cao, nhóm doanh nghiệp nhiệt điện than còn gặp khó khăn khi các tổ chức quốc tế không hỗ trợ vay vốn để phát triển dự án nhiệt điện than do lo ngại ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, các ngân hàng đầu tư lớn tại châu Âu, Nhật Bản… đi đầu trong xu hướng hạn chế cấp vốn tài trợ dự án nhiệt điện than để hướng tới phát triển năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. Xu hướng này ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp đang có kế hoạch đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện mới.

Kết quả kinh doanh của 4 doanh nghiệp nhiệt điện than trên sàn chứng khoán gồm HND, QTP, PPC và NBP kể từ năm 2018 tới 2021 cho thấy, trong giai đoạn 2018 - 2020, biên lợi nhuận gộp ổn định, dao động phổ biến trong khoảng 12 - 15%. Năm 2021, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh, trung bình chỉ còn 5,1%. Tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC), trong năm 2021 kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp âm 233,6 tỷ đồng, Công ty chỉ thoát lỗ nhờ có doanh thu tài chính.

Quý I/2022, biên lợi nhuận gộp của 4 doanh nghiệp trên tăng lên mức 8,8%, chủ yếu nhờ sản lượng điện hợp đồng (Qc) được giao cao hơn do nhu cầu điện gia tăng, giúp tăng hiệu quả hoạt động, qua đó bù đắp chi phí cố định.

Thực tế, các doanh nghiệp nhiệp điện vẫn đang đối mặt với nguy cơ biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp do áp lực giá vốn tăng cao hơn giá bán điện. Mặc dù vậy, về biên lợi nhuận ròng, những nhà máy mới vận hành có khả năng tiết giảm chi phí tài chính, khấu hao, qua đó cải thiện lợi nhuận. Ngược lại, các nhà máy vận hành đã lâu, khấu hao xong và trả hết nợ vay sẽ không có khả năng cải thiện biên lợi nhuận ròng từ việc tiết giảm hai chi phí này.

Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (HND) và Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) là hai doanh nghiệp có nhà máy mới vận hành, những năm gần đây đẩy mạnh trả nợ vay và bước vào giai đoạn vận hành ổn định. Nếu như năm 2017, chi phí tài chính của HND và QTP lần lượt là 1.158 tỷ đồng và 804 tỷ đồng, thì tới năm 2021 giảm còn 153 tỷ đồng và 195 tỷ đồng.

QTP đang vận hành 2 tổ máy, tổ máy số 1 phát điện năm 2011 và tổ máy số 2 phát điện năm 2014, với tổng công suất 1.200 MW. Doanh nghiệp trả cổ tức 2% trong năm 2020, dự kiến năm 2021 trả 10%, sau khi trả hết nợ vay (dự kiến năm 2023) và giảm mạnh khấu hao sẽ chi trả cổ tức ở mức cao hơn.

Tương tự, HND có 4 tổ máy, tổ máy 1 và 2 phát điện năm 2011, tổ máy 3 và 4 phát điện năm 2014, với tổng công suất 1.200 MW. Tổ máy 1 và 2 bắt đầu giảm khấu hao từ cuối năm 2021, dự kiến từ năm 2024 sẽ trả hết nợ vay, kỳ vọng giúp Công ty cải thiện biên lợi nhuận ròng và tăng chi trả cổ tức.

Ngược lại, tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC), kể từ năm 2002, sau khi đưa vào vận hành tổ máy số 6 (dây chuyền II), Công ty không triển khai thêm nhà máy mới. PPC đang sở hữu tổng công suất 1.040 MW. Nhà máy đã đi vào vận hành nhiều năm, chi phí khấu hao hiện giảm xuống mức thấp, chi phí lãi vay không còn.

Nguy cơ lỗ tỷ giá hối đoái do USD mạnh lên

PPC đã trả hết nợ vay bằng ngoại tệ nên không chịu ảnh hưởng của biến động tỷ giá lên dư nợ vay. Nhưng các doanh nghiệp nhiệt điện mới vận hành nhà máy như HND và QTP có dư nợ vay lớn, đặc biệt bằng USD, nên USD mạnh lên đang là gánh nặng không nhỏ đối với doanh nghiệp.

Tính tới 31/3/2022, HND có 1.959,1 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn, chiếm 21,1% tổng nguồn vốn. Công ty không thuyết minh chi tiết gốc ngoại tệ. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính năm 2021, HND có 1.957,3 tỷ đồng nợ vay. Trong đó, 1.895,4 tỷ đồng vay Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc bằng USD, đáo hạn năm 2024; 61,99 tỷ đồng vay Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản bằng JPY.

Tại QTP, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tính đến 31/3/2022 là 2.158,3 tỷ đồng, chiếm 24,2% tổng nguồn vốn. Công ty không thuyết minh chi tiết gốc khoản vay. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính năm 2021, QTP có 2.154,5 tỷ đồng nợ vay. Trong đó, Công ty vay 1.499,4 tỷ đồng bằng USD, chiếm 69,6% tổng dư nợ, đây là khoản nhận nợ lại khoản vay giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.

Như vậy, cả HND và QTP đang có nợ vay chủ yếu bằng USD và ở giai đoạn đầu thanh toán gốc, lãi vay.

Thực tế, chỉ số USD (Dollar Index) liên tục tăng từ tháng 5/2021 đến nay. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2022, Dollar Index tăng 6,3%, từ 96 điểm lên 102,02 điểm. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có kế hoạch nâng lãi suất từ mức 0,75 - 1%/năm hiện tại lên 2,5 - 2,75%/năm vào cuối năm nay, USD có khả năng sẽ tiếp tục mạnh lên so với nhiều đồng tiền khác.

Về tỷ giá USD/VND, theo Investing, trong 5 tháng đầu năm 2022, mức tăng là 1,6%, chủ yếu diễn ra trong 2 tháng gần đây. Tỷ giá tăng đồng nghĩa với áp lực nợ vay, lãi vay ngày một lớn đối với các doanh nghiệp có dư nợ ngoại tệ mà không có thu nhập ngoại tệ đối ứng như nhóm nhiệt điện than.

Nhìn chung, nhóm doanh nghiệp nhiệt điện than đang chịu hai sức ép từ giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và rủi ro ghi nhận lỗ tỷ giá đối với dư nợ bằng USD trong thời gian tới.

Tin bài liên quan