Tăng tốc trong quý cuối năm
Quý III/2023, tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp nhiệt điện có sự chững lại so với quý trước đó. Nhưng trong quý cuối năm, nhiều doanh nghiệp đã lấy lại đà tăng trưởng tích cực.
Cụ thể, trong quý này, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (mã QTP) ghi nhận doanh thu thuần 2.847,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 210 tỷ đồng, lần lượt tăng 13,6% và hơn 1.800% so với quý trước. Lũy kế cả năm 2023, Công ty đạt 614,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm gần 20% so với năm trước.
Kết quả kinh doanh quý IV/2023 của Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) cũng tích cực hơn hẳn quý trước đó, với mức tăng trưởng 32,4% về doanh thu thuần và 79% về lợi nhuận sau thuế, lần lượt đạt 1.770 tỷ đồng và 150 tỷ đồng. Cả năm 2023, lãi ròng của PPC đạt 435,4 tỷ đồng, giảm 12,4% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa (mã BTP) có doanh thu thuần quý cuối năm đạt gần 55,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 18,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 24,5% và 56% so với quý III/2023. Lũy kế cả năm 2023, Công ty ghi nhận 72,4 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng nhẹ so với năm 2022.
Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã NT2) cho biết, doanh thu thuần quý IV/2023 đạt 1.200,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 240 tỷ đồng, tăng 47% về doanh thu và đột biến so với mức âm 123,7 tỷ đồng trong quý trước đó. Trong 2 tháng 9 và 10 năm ngoái, NT2 đã tổ chức đại tu nhà máy dẫn đến mức lỗ đậm nhất từ ngày niêm yết. Nhưng đến tháng 11, nhà máy đã hoạt động trở lại giúp tình hình quý IV tốt hơn. Nhìn chung, NT2 mang về 495,8 tỷ đồng lãi ròng trong năm 2023, giảm 44% so với 2022.
Trong số 5 doanh nghiệp nhiệt điện đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023, tính đến hết ngày 24/1/2023, chỉ có Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND) báo lỗ, với số lỗ 115 tỷ đồng, dù doanh thu thuần đạt 2.621 tỷ đồng. Nguyên nhân do kinh doanh dưới giá vốn và sửa chữa lớn tổ máy số 1 nên phải ghi nhận chi phí hoàn thành vào quý IV. Cả năm 2023, HND đạt 418 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 24% so với năm 2022.
Trong quý III, các doanh nghiệp nhiệt điện được huy động sản lượng chính lên hệ thống, nhất là tại khu vực miền Bắc nhằm đảm bảo mục tiêu tích nước cho các hồ thuỷ điện phục vụ kế hoạch vận hành trong năm 2024. Bên cạnh đó, trong 3 tháng cuối năm 2023, nhiều doanh nghiệp và ngành công nghiệp tăng cường hoạt động sản xuất - kinh doanh để đáp ứng nhu cầu tăng cao trong mùa Tết đã thúc đẩy nhu cầu điện tăng. Theo Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương, trong 3 tháng cuối năm 2023, phụ tải điện quốc gia tăng trưởng cao, riêng tuần 51 (từ ngày 11/12 – 17/12), sản lượng trung bình ngày đạt 787,8 triệu kWh.
Nhìn chung, trong cả năm 2023, ngoại trừ HND chỉ thực hiện được 78% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023, QTP, BTP, PPC, NT2 đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023 được cổ đông giao phó.
Tiếp tục hưởng lợi
Quý IV/2023, Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 báo lãi hơn 240 tỷ đồng
Quý I dự kiến không phải là mùa tiêu thụ nhiều điện năng do trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán diễn ra vào tháng 2. Trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngừng hoạt động, dẫn đến giảm nhu cầu điện. Đây cũng là mùa thấp điểm tiêu thụ điện của khu vực dân cư, do đây là giai đoạn nền nhiệt thấp trong năm. Tuy vậy, nhận định về triển vọng của các doanh nghiệp nhiệt điện trong năm 2024, nhiều công ty chứng khoán đều chung quan điểm, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục hưởng lợi, ít nhất là trong nửa đầu năm 2024, do hiện tượng thời tiết El Nino chưa kết thúc.
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu quốc tế khí hậu và xã hội (IRI), từ tháng 11/2023 - hết tháng 4/2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất từ 80 - 90%, với cường độ giảm dần trước khi chuyển sang pha trung tính vào giữa năm 2024.
Đến đầu năm nay, Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết, các hồ thủy điện khu vực miền Bắc có lưu lượng nước về thấp hơn so với trung bình nhiều năm, xấp xỉ 55 - 91%, trừ hai hồ Thác Bà và Bản Vẽ. Điều này chưa đảm bảo lượng nước về hồ cho các nhà máy thuỷ điện, khi ấy các nhà máy nhiệt điện, nhất là tại miền Bắc như HND, BTP, PPC được huy động tối đa công suất để bù đắp cho sự thiếu hụt sản lượng từ các nhà máy thuỷ điện.
Bộ Công thương cũng dự kiến nhiệt điện vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện năm 2024; trong đó, điện than dự kiến đạt 159,3 tỷ kWh, nhiệt điện khí đóng góp 23,1 tỷ kWh (riêng khí LNG là 768 triệu kWh).
Agriseco Research kỳ vọng ngành điện sẽ tăng trưởng trên mức nền thấp năm 2023. Theo tính toán, phụ tải điện có hệ số tăng trưởng thường trên 1,5 - 1,8 lần mức tăng trưởng GDP (theo năm). Với kỳ vọng GDP tăng trưởng ở mức 6 - 6,5% theo mục tiêu Chính phủ đề ra, ước tính phụ tải đạt mức tăng trưởng ít nhất trên 9% trong năm 2024,.
Các doanh nghiệp điện than còn được hỗ trợ bởi xu hướng giá than ổn định trong năm 2024. Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nguồn năng lượng tái tạo đang gia tăng nhanh chóng, giúp nhu cầu về than giảm từ năm 2024 và dần ổn định vào năm 2026. Nhìn chung, giá than năm 2024 khó tăng, tạo điều kiện cho TKV giảm giá than trộn, giúp giá bán điện than cạnh tranh hơn. Hiện tại, QTP, HND và PPC đều đã hoàn thành ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp và đảm bảo khối lượng nhiên liệu dự trữ cho vận hành, sản xuất điện trong mùa khô 2024.
Tuy nhiên, áp lực có thể đặt ra với các doanh nghiệp điện khí trong năm tới. Kế hoạch cung cấp khí cho sản xuất điện năm 2024 của Bộ Công thương về sản lượng khí cấp cho sản xuất điện năm 2024 là 4,19 - 4,47 tỷ m3, giảm khoảng 25% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực Đông Nam Bộ là 2,9 - 3,06 tỷ m3, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ; khu vực Tây Nam Bộ là 1,24 - 1,41 tỷ m3, tương đương năm 2023.
Còn giá khí tự nhiên trên thế giới cả năm 2024 dự kiến đạt 2,79 USD/MMBtu, tăng 9% so với trung bình năm 2023 là 2,56 USD/MMBtu, theo IEA, sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp và khả năng cạnh tranh của các nhà máy điện khí.
Trong bối cảnh này, NT2 cho biết, Công ty sẽ bám sát thị trường phát điện cạnh tranh, chuẩn bị các điều kiện tham gia thị trường điện bán buôn cạnh tranh và tìm kiếm các hộ tiêu thụ lớn, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.