Mở rộng hợp tác, đầu tư
Ông Nishitohge Yasuo, Tổng giám đốc AEON Việt Nam cho biết, đầu tháng 11 này đã diễn ra chuỗi hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp Nhật Bản Việt Nam.
Theo đó, 35 doanh nghiệp trong nước đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, được chọn tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng với các mặt hàng như thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn, nông sản… tại Trung tâm mua sắm AEON Tân Phú (TP.HCM).
Cũng dịp này, hơn 150 nhà cung cấp được mời tham gia hội nghị kết nối đưa hàng vào hệ thống siêu thị AEON toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội giúp doanh nghiệp tìm kiếm thêm nhà phân phối, mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Nishitohge Yasuo, trong 5 năm qua, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam được AEON xuất khẩu sang Nhật Bản đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng bình quân hơn 120%/năm.
Hiện nay, nhóm sản phẩm của Việt Nam được xuất khẩu thông qua hệ thống AEON rất đa dạng, như hàng may mặc, giày dép, thủy sản, thực phẩm, trái cây...
Gần đây nhất, 5 tấn vải thiều tươi Việt Nam đầu tiên được xuất khẩu sang Nhật Bản và được giới thiệu tới khách hàng qua hệ thống bán lẻ AEON.
“Chúng tôi mong muốn thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài. Do đó, cần có sự hợp tác và hỗ trợ từ các nhà cung cấp trong nước”, đại diện của AEON Việt Nam cho biết.
Trong khi đó, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp Nhật Bản chiếm ưu thế trong việc rót vốn đầu tư vào các dự án sản xuất.
Cụ thể, trong tổng số 11 dự án FDI cấp mới, có tới 5 dự án của doanh nghiệp Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 9 triệu USD.
Số doanh nghiệp Nhật Bản điều chỉnh tăng vốn đầu tư cũng chiếm tỷ lệ lớn, với nhiều dự án có vốn đầu tư cao hơn mức bình quân. Chẳng hạn, Công ty TNHH Nikkiso Việt Nam tại Khu chế xuất Tân Thuận tăng vốn đầu tư thêm 3 triệu USD để mở rộng sản xuất, tăng quy mô sản xuất bộ ống dây dùng cho máy lọc thận nhân tạo, lắp đặt thêm máy móc thiết bị để sản xuất…
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đang có nhà máy sản xuất tại TP.HCM cho biết, họ đang tìm hiểu cơ hội mở rộng đầu tư, triển khai các dự án sản xuất mới tại các địa phương phía Nam.
Gia tăng M&A
Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ M&A xuyên quốc gia của RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam cho biết, theo các báo cáo mới nhất, số lượng thương vụ mua lại ở nước ngoài của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản vẫn chưa phục hồi. Trong 9 tháng đầu năm, số lượng giao dịch trên toàn cầu được công bố là 417 vụ, chỉ bằng 70% so cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, qua khảo sát, phần lớn các doanh nghiệp được hỏi cho biết, họ sẽ tiếp tục xem xét M&A xuyên quốc gia.
Đại diện của RECOF nhìn nhận, nhiều năm gần đây, Việt Nam là một trong những nơi hấp dẫn nhất cho các hoạt động M&A của doanh nghiệp Nhật Bản. Theo tổng hợp, trong 9 tháng đầu năm nay, giữa Nhật Bản và Việt Nam có 19 giao dịch M&A được công bố công khai.
Mới nhất, Công ty cổ phần Vật liệu công nghệ cao Masan (MHC) thông báo sẽ thành lập liên minh chiến lược trong ngành vonfram với Tập đoàn Vật liệu Mitsubishi (MMC) để phát triển một nền tảng vật liệu vonfram công nghệ cao hàng đầu.
“Việc Thủ tướng Nhật Bản, ông Suga Yoshihide chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên đến thăm đã có tác động tích cực đến các công ty Nhật Bản. Nếu các hạn chế về di chuyển được dỡ bỏ, thì các giao dịch M&A giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ phục hồi nhanh chóng”, đại diện của RECOF nhìn nhận.
Ở phía doanh nghiệp tại Việt Nam, ông Đinh Nam Hải, Giám đốc điều hành VIVA Business Consulting cho biết, Công ty đã có nhiều thương vụ được thực hiện kể từ tháng 10 vừa qua. Nhờ chính sách mở cửa thị trường, Việt Nam đã trở thành điểm đến rất hứa hẹn để đầu tư, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp năng nổ và chuyên nghiệp.
“Các nhà đầu tư có khả năng nhắm đến các công ty lành mạnh để thực hiện M&A. Bất chấp sự gián đoạn do Covid-19 gây ra, M&A vẫn là điểm vào cuộc ưa thích của các nhà đầu tư, vì đây là con đường nhanh nhất để thâm nhập thị trường và kiếm lợi nhuận”, ông Hải nói.