Petrolimex đang chiếm phần lớn thị trường bán lẻ xăng đầu Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh
Bản ghi nhớ hợp tác đã được hai bên ký cuối tuần trước tại Hà Nội. Trước lễ ký, JX Nippon Oil & Energy cũng đã có cuộc gặp với các quan chức Chính phủ và Bộ Công thương.
Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, các lĩnh vực mà JX Nippon Oil & Energy quan tâm là Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong mà Petrolimex được giao đầu tư và thị trường bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam.
Một tháng trước, ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng ban Lọc hóa dầu của Petrolimex khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư đã cho biết, hai bên đang thảo luận về việc nhà đầu tư Nhật Bản này sẽ trở thành đối tác chính tại Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong và cố gắng kết thúc đàm phán trong năm 2014.
Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong có quy mô xấp xỉ 5 triệu tấn dầu thô đầu vào/năm, tổng mức đầu tư ước tính 8 tỷ USD, đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương và giao Petrolimex lập dự án, lựa chọn đối tác nước ngoài có đủ năng lực, kinh nghiệm, có cam kết cung cấp nguyên liệu dầu thô dài hạn để cùng đầu tư.
Ông Khánh cũng nhắc tới việc, trước mắt, các đối tác Việt Nam, trong đó có Petrolimex, sẽ tham gia dự án với tỷ lệ không quá 30% vốn đầu tư. Tỷ lệ này có thể tăng lên theo một lộ trình phù hợp được thống nhất bởi các bên tham gia dự án.
Tuy vậy, mối quan tâm lớn hơn của JX Nippon Oil & Energy có vẻ là thị trường bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam. Các thông tin cho hay, tiềm năng tiêu thụ lớn và việc mở cửa đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và Indonesia đã thu hút sự quan tâm của JX Nippon Oil & Energy.
Hiện thị trường bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam chưa mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, ngoại trừ các nhà đầu tư có tham gia xây dựng nhà máy lọc dầu tại Việt Nam. Tới nay, ngoài Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư 100% vốn, cũng mới chỉ có Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm đang được triển khai xây dựng có sự tham gia của đối tác nước ngoài là Idemitsu Kosan, Mitsui Chemicals (Nhật Bản) và KPI (Kuwait). Các đối tác tham gia dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng được Chính phủ chấp thuận cho thành lập liên doanh phân phối sản phẩm khi nhà máy đi vào hoạt động với điều kiện vốn góp của bên Việt Nam tại đây chiếm tối thiểu là 51%.
Với thực tế này, một chuyên gia trong ngành dầu khí cũng cho rằng, JX Nippon Oil & Energy muốn tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu thì việc hợp tác với Petrolimex là bước đi khôn ngoan.
Có vốn điều lệ 10.700 tỷ đồng, Petrolimex đã tiến hành IPO lần đầu vào tháng 7/2011 và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và Nhà nước nắm giữ 94,99% vốn tại Petrolimex. Với 5,01% cổ phần được bán ra, Petrolimex cũng đã thu về cho nhà nước gần 649 tỷ đồng. Theo đánh giá của các doanh nghiệp xăng dầu, hiện Petrolimex chiếm từ 48-55% thị phần xăng dầu của cả nước, tùy theo từng thời điểm.
Các tuyên bố trước đó của lãnh đạo Petrolimex cũng cho hay, Petrolimex ưu tiên đối tác chiến lược phải là “tổ chức có thế mạnh về kỹ thuật liên quan đến thượng nguồn, chuyển giao công nghệ” và đặt hy vọng tìm được đối tác nước ngoài và có thể giảm phần vốn mà nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp xuống còn 75%.
Nguồn tin của Báo Đầu tư cũng cho hay, rất có thể, Petrolimex sẽ chọn phương án phát hành thêm cổ phiếu cho đối tác chiến lược nước ngoài để giảm phần vốn nhà nước đang nắm giữ.
Tuy vậy, có khá nhiều ý kiến từ các chuyên gia đã cho rằng, để tham gia được vào thị trường bán lẻ xăng dầu của Việt Nam thông qua việc mua cổ phần tại Petrolimex, có lẽ JX Nippon Oil & Energy sẽ phải đầu tư vào Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong thì mới công bằng với các nhà đầu tư khác. Với hướng này, rất có thể tỷ lệ cổ phần mà JX Nippon Oil & Energy được mua tại Petrolimex sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ góp vốn của họ tại Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong.