Lãi suất trái phiếu chưa ngừng rơi
Theo báo cáo của Công ty Quản lý Quỹ Manulife, lãi suất trái phiếu chính phủ trong năm 2017 đã giảm từ 0,56-1,88%/năm tại các kỳ hạn so với cuối năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu là do thanh khoản trong hệ thống ngân hàng dồi dào nhờ hoạt động thoái vốn của Nhà nước, cũng như việc Ngân hàng Nhà nước tăng cường mua USD để tăng dự trữ ngoại hối, đẩy nguồn tiền đồng ra thị trường, khiến nhu cầu về trái phiếu của các ngân hàng tăng cao.
Thực tế, lãi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục xu hướng giảm tại nhiều kỳ hạn trong 3 tháng đầu năm 2018 khi tỷ lệ trúng thầu đều ở mức cao. Thống kê của Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho thấy, trong tháng 3, cơ quan này đã tổ chức 11 phiên đấu thầu trái phiếu, huy động được tổng cộng 11.028 tỷ đồng, tăng 10% so với tháng 2/2018, tỷ lệ trúng thầu đạt 62,5%.
Theo đó, lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 5 năm dao động từ 2,93-2,97%/năm (giảm 0,08%/năm so với tháng 2), 7 năm là 3,4%/năm (giữ nguyên), 15 năm là 4,4%/năm (giảm 0,12%/năm), 20 năm là 5,1%/năm và 30 năm là 5,39-5,42%/năm.
Trước đó, trong tháng 1 và 2, lãi suất trúng thầu trái phiếu đều giảm trên tất cả các kỳ hạn, với mức giảm từ 0,1-1,25%/năm, tỷ lệ trúng thầu tương ứng là 92,5% và 85%.
Chờ diễn biến quý II
Trong những tháng tới, lãi suất trái phiếu chính phủ được dự báo sẽ vẫn dao động ở mức thấp như hiện tại. Mặt bằng lãi suất chỉ có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào tình hình tăng trưởng tín dụng, lạm phát, cũng như tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Theo các chuyên gia trong ngành, việc lãi suất trái phiếu chính phủ giảm mạnh sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm, nhất là với doanh nghiệp đang bán các dòng sản phẩm bảo hiểm có liên quan đến lãi suất bởi sẽ phải tăng dự phòng, tăng vốn..., ảnh hưởng đến lợi tức hoạt động của doanh nghiệp.
Trước thực tế trên, nhóm chuyên gia định phí của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã có kiến nghị về việc thay đổi một số thông số tại Thông tư 50/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm với Bộ Tài chính để có giải pháp kịp thời một khi lãi suất trái phiếu vẫn giữ ở mức thấp như hiện nay.
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, các kiến nghị đã được Bộ Tài chính ghi nhận trong cuộc họp cuối tuần qua tại Hà Nội và ngay trong quý II này, các cơ quan chức năng sẽ xem xét lại các quy định liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên, đại diện một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho biết, bên cạnh các giải pháp của nhà quản lý, bản thân doanh nghiệp cũng phải có sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh năm 2018, đặc biệt là việc đưa ra thị trường các sản phẩm bảo hiểm ít phụ thuộc vào sự biến động của lãi suất, thậm chí một số sản phẩm đang bán cũng sẽ phải sửa đổi cho phù hợp hơn với sự thay đổi của thị trường.
Trên thực tế, từ đầu năm 2018 đến nay, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn duy trì chiến lược tối ưu hóa chất lượng dịch vụ, rà soát lại các điều khoản, quy định theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho khách hàng. Đặc biệt, việc đẩy mạnh áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao sự hài lòng trong trải nghiệm của khách hàng, mở rộng các hình thức thu phí tiện lợi, công cụ quản lý và thu phí, hóa đơn điện tử, nâng cấp cổng thông tin điện tử…
“Bên cạnh việc thận trọng theo dõi diễn biến thị trường tài chính, chúng tôi vẫn đang thực thi chiến lược phát triển các sản phẩm bảo hiểm về y tế, sản phẩm bảo hiểm để bán qua kênh online...
Nếu đến hết quý II/2018 tình hình lãi suất trái phiếu chưa có chuyển biến tích cực hơn, thì cùng với việc sửa đổi sản phẩm, có thể doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh lại một vài chỉ tiêu tăng trưởng cho phù hợp”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn cho biết.