Doanh nghiệp nhà nước tỷ USD và nỗi ấm ức “sợ” làm - Kỳ 4: Không gian cho doanh nghiệp nhà nước làm khác

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp nhà nước chắc chắn phải nắm vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nhưng phải có không gian để doanh nghiệp tự tin, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ lớn lao này.
Doanh nghiệp nhà nước thường tiên phong làm những việc khó. Trong ảnh: Giàn khoan dầu khí ngoài khơi của PVN

Doanh nghiệp nhà nước thường tiên phong làm những việc khó. Trong ảnh: Giàn khoan dầu khí ngoài khơi của PVN

Kỳ 4: Không gian cho doanh nghiệp nhà nước làm khác

Doanh nghiệp nhà nước chắc chắn phải nắm vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nhưng phải có không gian để doanh nghiệp tự tin, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ lớn lao này.

Doanh nghiệp nhà nước là để làm việc khó

Trong bản kiến nghị của Viettel gửi Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 3/2022, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước, có một đề xuất khá đặc biệt.

“Viettel đề xuất Chính phủ mạnh dạn giao các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện một số dự án, nhiệm vụ quan trọng, cụ thể thuộc các lĩnh vực mới, lĩnh vực khó, mang tính chất mở đường, dẫn dắt, liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia…, nếu triển khai thành công sẽ tạo đột phá phát triển cho nền kinh tế”, báo cáo của Viettel viết.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ quan điểm này. Nhiều năm nay, khi bàn về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ông Cung luôn giữ quan điểm phải giao việc khó, mục tiêu lớn cho doanh nghiệp nhà nước, không chỉ là những việc khu vực tư nhân không muốn làm, mà phải là những việc tư nhân chưa thể làm, chưa sẵn sàng làm.

“Nhiều người lo ngại, giao việc quá khó thì có thể doanh nghiệp nhà nước không làm được, nhưng đó là lý do để doanh nghiệp nhà nước tồn tại. Tôi đã từng kỳ vọng, doanh nghiệp nhà nước phải đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hiện giờ cần phải đi đầu trong công nghệ xanh, công nghệ sạch và giảm thải khí carbon...”, ông Cung nói.

Lâu nay, việc giao nhiệm vụ khó cho doanh nghiệp nhà nước đã được thực hiện. Bản thân Viettel hay các tập đoàn kinh tế nhà nước... đã nhận được nhiều nhiệm vụ quan trọng và đã góp phần tạo nên những dấu ấn thành tựu trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành giai đoạn vừa qua. Ví dụ PVN tiên phong xây dựng các công trình dầu khí ở ngoài khơi, EVN tiên phong xây dựng các công trình thủy điện lớn, Viettel tiên phong trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng…

Nhưng thẳng thắn thì đa phần các kế hoạch, mục tiêu của doanh nghiệp nhà nước do chính doanh nghiệp tự lập kế hoạch hoặc tự đề xuất dựa trên góc nhìn, lợi ích riêng và năng lực thực thi của mình.

Hệ quả là, năng lực, nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước một mặt bị phân tán vào nhiều ngành, lĩnh vực, nhưng do mục tiêu không cao, thách thức không đủ để doanh nghiệp phát triển đúng tầm; mặt khác lại thiếu vắng trong các chiến lược phát triển quốc gia, trong các ngành, lĩnh vực mang tính dẫn dắt phát triển...

Tình trạng này cũng là nguồn cơn của những lo ngại về sự lấn át, cạnh tranh không bình đẳng của doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân trong tiếp cận cơ hội và cả nguồn lực của thị trường.

Nhưng mấu chốt là đã xác định, doanh nghiệp nhà nước để làm việc lớn, giao việc khó, thì cơ chế, chính sách và cả tư duy quản lý sẽ không thể như những gì doanh nghiệp nhà nước đang được làm.

“Nếu để doanh nghiệp suốt ngày phải đi xin được đầu tư ở đâu, thoái vốn chỗ nào, hay đội ngũ quản trị không có đất dụng võ, không có không gian cống hiến thì cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân còn khó, chứ đừng nói đến thu hút người tài, người giỏi, đừng nói đến sứ mệnh lớn lao của doanh nghiệp nhà nước”, ông Cung lý giải.

Doanh nghiệp rất mong được làm khác. Trong đề xuất của Viettel, đó là các kiến nghị về bổ sung vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại nộp ngân sách nhà nước để đảm bảo đủ vốn điều lệ 300.000 tỷ đồng như Điều lệ đã được phê duyệt, phân cấp trong quyết định đầu tư, sắp xếp các đơn vị nội bộ hay tạo điều kiện để tiếp tục đầu tư ra nước ngoài, chuẩn bị cho các nhiệm vụ khó tới đây.

Trong kế hoạch 5 năm 2021-2025 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng có tên những dự án trọng điểm nhà nước: dầu khí có Lô B, Cá Voi Xanh, nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; điện có các dự án điện cấp bách; hàng không có sân bay Long Thành, Điện Biên và các dự án cảng biển như Lạch Huyện, kho dự trữ xăng dầu..., với quyết tâm tập trung nguồn lực hoàn thành. Cùng với đó là những kế hoạch đầu tư một số dự án có tính lan tỏa, dẫn dắt đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế...

Nhìn rộng hơn, với tư duy trên, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng phải thay đổi. Có thể tiếp tục cách làm “bỏ nhỏ, nắm lớn” trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, nhưng phải rõ để không làm khó doanh nghiệp, bó doanh nghiệp trong chiếc áo nhà nước, nhưng cũng không để vỏ nhà nước là nơi trú chân cho những người chọn nơi an toàn, êm ấm.

Đồng thời, cũng làm rõ mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không phải là rút vốn nhà nước ra khỏi doanh nghiệp nhà nước, thu hẹp phạm vi, quy mô của khu vực này, mà phải là hình thức tái cơ cấu lại danh mục đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp nói chung và của từng doanh nghiệp nói riêng.

Khi đó, theo ông Cung, sẽ không còn sự phân vân, ngần ngại trong thực hiện cổ phần hóa do lo doanh nghiệp nhà nước nhỏ đi, mờ đi, giảm vai trò dẫn dắt, mở đường.

Ngược lại, Nhà nước sẽ phải nhìn vào nhiệm vụ khó giao cho doanh nghiệp nhà nước để thấy chỗ nào khó, vướng, chỗ nào cần hỗ trợ để bổ sung, khuyến khích... Sẽ có cả cơ chế khuyến khích phối hợp, hợp tác giữa doanh nghiệp nhà nước với nhau và với các doanh nghiệp tư nhân để thực hiện các việc khó, việc lớn mà nền kinh tế đang cần...

Hình ảnh doanh nghiệp nhà nước, cả hình thức và nội lực sẽ rất khác hiện tại.

Điểm xoay chuyển

Hai tháng sau khi Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp nhà nước, Nghị quyết 68/2022/NQ-CP về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội mới được ký ban hành.

So với bản dự thảo đưa ra lấy ý kiến, có một điểm khác lớn, đó là thời hạn của nhiều nhiệm vụ được giao cho các bộ, ngành được xác định rõ. Những trăn trở rất lớn của các vị thuyền trưởng, các vị tư lệnh ngành và của chính người đứng đầu Chính phủ đã được thể hiện vào văn bản.

Còn nhớ, ngay hôm đó, sau khi nghe các doanh nghiệp chia sẻ tâm tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết, Nhà nước sẽ tạo hệ sinh thái để doanh nghiệp phát triển phải bám sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đặt trong sự vận động, phát triển của thực tiễn, cần có sự linh hoạt.

“Cơ chế, chính sách cho phát triển doanh nghiệp nhà nước phải được hoàn thiện theo tư duy đó”, Thủ tướng nói.

Có thể thấy, sẽ có nhiều thay đổi về cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, trước mắt là trong quyền hạn của Chính phủ ngay trong năm nay.

Theo nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 68/2022/NQ-CP, quý II/2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phải trình Chính phủ sửa đổi các quy định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người quản lý, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường, gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiệm vụ cụ thể được giao là sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các Nghị định 51/2016/NĐ-CP, 52/2016/NĐ-CP, 53/2016/NĐ-CP.

Đây cũng là hạn định cho Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2014/NĐ-CP về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học - công nghệ...

Dài hơi hơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trình Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật hiện hành, cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước mạnh dạn đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh, theo kịp tốc độ phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ; thay đổi mô hình kinh doanh của nền kinh tế toàn cầu, xu thế phát triển trên thế giới; xây dựng cơ chế lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện quản lý, vận hành doanh nghiệp nhà nước hoặc một phần tài sản, dự án của doanh nghiệp nhà nước trong một khoảng thời gian nhất định.

Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách quản lý và phát triển riêng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn, hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng của đất nước.

Việc nghiên cứu, sửa Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) đang giao Bộ Tài chính thực hiện để trình Quốc hội, bảo đảm đúng tiến độ...

Trước đó, Quyết định 360/2022/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025, ban hành hồi tháng 3/2022, cũng phân giao hàng loạt nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Trong đó có nhiều yêu cầu nghiên cứu tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn liên quan đến quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các quy định về đất đai, cơ chế giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước...

Còn nhiều phần việc khác liên quan đến thúc đẩy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước được lên kế hoạch.

Cho dù vẫn còn khá lấn cấn về tiến độ và cả chất lượng những dự thảo mà các bộ, ngành đang hoàn thiện, nhưng các doanh nghiệp đang đặt kỳ vọng nhiều vào những thay đổi này. Nhiều doanh nghiệp nói đã chờ đợi điều này 5 năm nay, từ khi Nghị quyết 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được ban hành vào tháng 6/2017.

Không gian để doanh nghiệp nhà nước làm khác, làm lớn thực sự đang được mở ra bằng sự trở lại đúng vị trí của Nhà nước, đại diện chủ sở hữu Nhà nước trong mối quan hệ với doanh nghiệp nhà nước, trả lại cho doanh nghiệp nhà nước những quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp.

Đã đến lúc, những con sếu đầu đàn của nền kinh tế Việt Nam tự tin cất cao cánh.

Tin bài liên quan