Doanh nghiệp nhà nước tỷ USD và nỗi ấm ức “sợ” làm - Kỳ 3: Giải mã nỗi sợ

0:00 / 0:00
0:00
Nguồn cơn nỗi sợ của doanh nghiệp nhà nước có thể bắt nguồn từ thực tế thiếu tường minh kéo dài trong hoạt động của khu vực này.

Kỳ 3: Giải mã nỗi sợ

Nguồn cơn nỗi sợ của doanh nghiệp nhà nước có thể bắt nguồn từ thực tế thiếu tường minh kéo dài trong hoạt động của khu vực này.

Sợ vì... không nhìn thấy

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng có 29 năm là người doanh nghiệp nhà nước, đứng ở vị trí thuyền trưởng Viettel, nên ông thấu hiểu sự lựa chọn an toàn của những người đồng nhiệm trong giai đoạn hiện tại.

“Nỗi sợ chính của doanh nghiệp nhà nước, các nhà quản trị doanh nghiệp là dù có đánh 10 trận, 7 thắng, 3 thua, thì vẫn bị đánh giá là thua, dù tổng thể là thắng. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra của chủ sở hữu, của cơ quan quản lý nhà nước đều tập trung vào phần rủi ro đó”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải mã tư duy không dám làm, sợ rủi ro, luôn chọn cách an toàn nhất của doanh nghiệp nhà nước.

Trong kinh doanh, rủi ro bằng không thì lợi nhuận có thể bằng không và khi doanh nghiệp đã chọn an toàn thì không thể chọn phát triển. Thực tế này lý giải tốc độ tăng trưởng và sức sáng tạo được nhận định là cầm chừng của khu vực doanh nghiệp này so với các khu vực khác của nền kinh tế.

Nhưng câu hỏi là, tại sao các cơ quan quản lý nhà nước và cả chủ sở hữu lại chặt chẽ, cứng nhắc đến vậy trong quản lý doanh nghiệp nhà nước?

Khi giải trình về những chậm trễ, mất nhiều thời gian trong việc thẩm định, phê duyệt triển khai dự án, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp từng báo cáo là cần thiết, dù thừa nhận là một trong những tồn tại. Vì theo cơ quan đang làm đại diện chủ sở hữu cho 19 tập đoàn, tổng công ty lớn nhất khu vực doanh nghiệp nhà nước, quy trình thực hiện các thủ tục đầu tư còn vướng mắc giữa các văn bản, thiếu rõ ràng, cụ thể, thậm chí chưa rõ căn cứ xác định việc tuân thủ nguyên tắc bảo toàn vốn..., nên Ủy ban và các cơ quan chức năng tăng cường việc thực hiện theo pháp luật đối với các dự án đầu tư, nhằm bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, tránh những sơ suất hoặc sai phạm làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước đã từng xảy ở một số doanh nghiệp, dự án trong giai đoạn trước đây.

Tất nhiên, ngoài lý do trên, còn có các vấn đề về năng lực của cả doanh nghiệp và cơ quan thẩm định...

Nhưng Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đặt câu hỏi rằng, tư duy quản lý nhà nước có khác đi không, nếu mọi thông tin của doanh nghiệp nhà nước được cập nhật, kết nối với chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan thanh tra, kiểm tra... để có cơ sở giám sát, kịp thời cảnh báo sớm.

“Nhà nước giám sát chặt, can thiệp sâu doanh nghiệp nhà nước vì không đủ thông tin, nghĩa là không nhìn thấy doanh nghiệp đang làm gì, nên sợ. Nếu nhìn thấy, nghĩa là có hệ thống thông tin đầy đủ, cập nhật về doanh nghiệp nhà nước, thì Nhà nước có thể sẽ yên tâm hơn, trao nhiều quyền hơn cho doanh nghiệp nhà nước...”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.

Khi thông tin được thông suốt, việc đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp một cách tổng thể, thay vì theo từng dự án có cơ sở thực hiện, cùng với đó, tai nạn, sai sót hay cơ hội trục lợi trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp cũng được kiểm soát nhờ hệ thống quản trị rủi ro, đội ngũ cán bộ vì vậy cũng có cơ chế cảnh báo, sàng lọc sớm, bảo vệ được người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Với góc nhìn này, chuyển đổi số là chìa khóa giải nỗi sợ cho cả doanh nghiệp nhà nước, cả chủ sở hữu Nhà nước và cơ quan quản lý với khu vực này.

Còn nguyên bài toán quyền của doanh nghiệp nhà nước

Trở lại sự khác biệt trong cơ chế quản lý nhà nước với doanh nghiệp sau tàn dư của Vinashin, Vinalines và những thất bại trong kinh doanh của một số doanh nghiệp nhà nước thời gian qua, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thực sự cảm thấy sốt ruột.

“Không nên vì thất bại của một vài doanh nghiệp mà buộc cả nền kinh tế phải uống thuốc, chấp nhận bó buộc phi thị trường, lãng phí rất lớn nguồn lực”, ông Cung lo ngại.

10 năm qua, câu hỏi quan hệ Nhà nước - doanh nghiệp nhà nước được đặt ra rất nhiều lần. Nguyên tắc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp vốn nhà nước với chức năng quản lý của các bộ, ngành, địa phương, chưa hoàn toàn hoàn thành, dù việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một dấu mốc quan trọng.

Đến giờ phút này, trong các đề xuất, kiến nghị gửi tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước vẫn xin được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quyết định tiền lương, thưởng, tuyển dụng cán bộ; xin được phân cấp quyết định dự án tùy theo quy mô, lĩnh vực hoạt động.

Đơn cử, Viettel đề xuất phân cấp cho Hội đồng Thành viên (HĐTV), Chủ tịch các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được quyền quyết định các dự án đầu tư xây dựng, mua bán tài sản cố định với giá trị 10.000 tỷ đồng và không quá 50% vốn chủ sở hữu để doanh nghiệp chủ động trong công tác đầu tư phát triển.

Hay như Vinatex đề nghị cơ chế ủy quyền cho người đại diện phần vốn nhà nước biểu quyết trong HĐQT, HĐTV những quyết định đầu tư có tổng mức dưới 10% tổng tài sản trong báo cáo tài chính gần nhất, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu sau.

Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch HĐTV VNPT còn nhắc tới cơ chế thí điểm tiền lương tại 3 doanh nghiệp nhà nước đang được kéo dài chưa có hạn định mới, với mong muốn nhân rộng, thay vì mãi thí điểm.

Theo Nghị định 87/2021/NĐ-CP về việc kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, 3 doanh nghiệp là VNPT, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Tổng công ty Quản lý bay (VATM) tiếp tục được hưởng cơ chế thí điểm tiền lương đã được thực hiện từ tháng 1/2020. Cơ chế thí điểm này ban đầu dự kiến kết thúc vào ngày 31/12/2020, sau đó đã được gia hạn đến tháng 7/2022. Trước đó, vào năm 2011, Viettel đã bắt đầu được hưởng cơ chế thí điểm khoán lương và cũng tiếp tục được kéo dài.

Đây cũng là nhiều nội dung mà ông Cung và các chuyên gia về doanh nghiệp nhà nước nhắc tới các đề xuất liên quan đến việc kiện toàn nâng cao năng lực quản lý và năng lực quản trị theo chuẩn mực quốc tế cho doanh nghiệp nhà nước.

Nhưng ông Cung vẫn mong, giá như các doanh nghiệp không phải đi xin, mà được giao đúng mục tiêu, đúng việc, thậm chí là những mục tiêu lớn, khát vọng cao, đúng tầm của những doanh nghiệp quy mô tỷ đô và có cơ chế để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đó.

“Doanh nghiệp nhà nước đang xin được làm những việc đương nhiên của doanh nghiệp, không phải của cơ quan quản lý nhà nước. Chính sự nhập nhằng này khiến Nhà nước dù muốn doanh nghiệp nhà nước nâng cao quản trị, muốn đề cao vai trò của HĐTV, muốn thi tuyển giám đốc... hay muốn EVN tiên phong đầu tư năng lượng tái tạo đều không thể làm được. Tương tự, muốn để doanh nghiệp nhà nước nhận sự đào thảo, trừng phạt của thị trường cũng rất khó”, ông Cung nói.

Cũng phải nói thêm, sự nhập nhằng này còn làm khó cho các kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, nhất là cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Petrolimex từng kể khổ là không thể giải thích nổi với các thành viên HĐQT là đối tác chiến lược nước ngoài của Công ty về nhiều quy trình, thủ tục mà đại diện phần vốn nhà nước phải tuân thủ theo quy định, nhưng lại không phù hợp với tiêu chuẩn hiện đại về quản trị doanh nghiệp, không tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp…

Vì trong sân chơi chung, doanh nghiệp nhà nước không thể liên kết, hợp tác hay cạnh tranh hiệu quả nếu không được tuân thủ luật chơi chung. Sự lớn lên của khu vực này vì thế rất bấp bênh.

Bài học từ sự hồi sinh của thương hiệu nhiều tì vết

Cho tới thời điểm này, Vinalines đã thực sự đi vào dĩ vãng, cùng với những tỳ vết đáng quên, có lúc ôm khoản lỗ tới 25.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu. Thay vào đó, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC - tên mới của Vinalines) đã có thể chia sẻ nhiều những kế hoạch lớn lao của VIMC.

Năm 2021, Tổng công ty đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh doanh. Doanh thu hợp nhất hơn 14.300 tỷ đồng, trong đó, Công ty mẹ đạt doanh thu 1.825 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hơn 3.640 tỷ đồng. Năm 2022, VIMC sẽ tập trung thực hiện cơ cấu lại đội tàu, nghiên cứu phát triển đội tàu container và mạng lưới feeder vận chuyển container kết nối các cảng biển của Việt Nam, hợp tác tham gia trên các tuyến vận tải trong khu vực châu Á và liên châu lục nhằm phát huy tối đa công năng và lợi thế cạnh tranh từ các dự án...

Không dừng lại ở những hoạt động kinh doanh trong kế hoạch, ông Sơn nói đến các bước thực hiện tham vọng lớn hơn mà Thủ tướng Chính phủ đang giao, đó là cùng với các đối tác 10 năm tới huy động nguồn vốn khoảng 10 tỷ USD, thu hút hàng từ các nước khác về Việt Nam, biến Việt Nam trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế...

Khó khăn trước mắt không hề nhỏ, nhất là những vướng mắc về thể chế, chính sách, nhưng VIMC và đối tác đã nghiên cứu, đề xuất và có được sự ủng hộ về việc phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại khu vực Cần Giờ, TP.HCM. Nhiều đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách và cả cơ chế đặc biệt cũng đã được đề xuất...

“Với chúng tôi, điều quan trọng là làm sao để người đại diện vốn, Chủ tịch HĐQT tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tự tin nghĩ đến những nhiệm vụ lớn lao, như cá có môi trường nước, không khí phù hợp mới hóa rồng”, ông Sơn nói.

Nghĩa là, các doanh nghiệp đang rất muốn phát huy được tiềm lực, nguồn lực đang nắm giữ, nếu gỡ được tâm lý sợ làm, doanh nghiệp nhà nước sẽ bung ra rất mạnh, rất nhanh.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan