Doanh nghiệp nhà nước trong lằn ranh thúc thủ và bứt tốc - Bài 3: Giải phóng nguồn lực

0:00 / 0:00
0:00
Không ai có thể nghĩ, doanh nghiệp nhà nước lại có lúc rơi vào tình thế khó lớn, nói đúng ra là không thể lớn thêm. Sẽ không có quyết định hành chính nào xoay chuyển được tình thế này.
Mytel (dự án hợp tác giữa Viettel và Chính phủ Myanmar) là một trong những khoản đầu tư ra nước ngoài hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Mytel (dự án hợp tác giữa Viettel và Chính phủ Myanmar) là một trong những khoản đầu tư ra nước ngoài hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Đã đến lúc, khu vực nắm giữ nguồn lực lớn nhất của nền kinh tế phải được hoạt động đúng là doanh nghiệp, đầy đủ quyền tự chủ kinh doanh theo nguyên tắc thị trường, được quản trị theo thông lệ quốc tế tốt để thoát khỏi tâm thế thúc thủ và bứt tốc.

Bài 3: Giải phóng nguồn lực

Bứt tốc, có mặt trong nhóm doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu không chỉ là nhiệm vụ, mà phải là sứ mệnh của doanh nghiệp nhà nước. Lúc này, điều kiện cần là giải phóng mọi nguồn lực đang bị bó chặt, kìm giữ.

“Có vốn nhà nước” không thể là rào cản

Trong danh mục các doanh nghiệp có vốn nhà nước do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) làm đại diện chủ sở hữu, có một số doanh nghiệp có quy mô lớn và vị trí dẫn đầu trong ngành.

Trong số những cái tên được nhắc tới, như Vinamilk, FPT, Dược Hậu Giang, Traphaco, Domesco, Bảo Minh…, thì Vinamilk là một điển hình. Đây là doanh nghiệp được Forbes Việt Nam đánh giá là công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm thứ 7 liên tiếp. Trên quy mô khu vực và quốc tế, Vinamilk là đại diện Việt Nam duy nhất có mặt trong Top 50 Danh sách 300 công ty niêm yết xuất sắc châu Á của Tạp chí Nikkei Asia Review (Nhật Bản)...

Hai năm trước, trong 2.000 doanh nghiệp lớn nhất của Forbes (Forbes' Global 2000), Vinamilk cũng có tên, cùng với 3 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước là Vietcombank, BIDV và VietinBank.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC cho rằng, đối với các doanh nghiệp lớn có vốn của SCIC, khả năng có tên trong các bảng xếp hạng doanh nghiệp toàn cầu, khu vực là hoàn toàn có cơ sở.

“Đó cũng chính là mục tiêu mà SCIC, với tư cách cổ đông nhà nước, cùng với các cổ đông khác trong doanh nghiệp phấn đấu hướng tới”, ông Lai nói.

Nhìn vào sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trên thế giới, thì sở hữu nhà nước, có vốn nhà nước cũng chưa bao giờ ngáng cản các doanh nghiệp lớn lên...

Doanh nghiệp nhà nước trong lằn ranh thúc thủ và bứt tốc - Bài 3: Giải phóng nguồn lực ảnh 1

Trong Forbes' Global 2000, có 10% là doanh nghiệp do cơ quan nhà nước nắm quyền chi phối biểu quyết. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đây là khu vực được sinh ra để cung cấp nhiều dịch vụ thiết yếu cho kinh doanh và tiêu dùng, trực tiếp đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, giảm đói nghèo. Ở nhiều quốc gia, DNNN được sử dụng như một công cụ để phát triển các ngành chiến lược với mục tiêu cạnh tranh toàn cầu. Ước tính, có tới 40% tài sản và 43% lao động của doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các ngành “công nghiệp mạng lưới” (như đường sắt, viễn thông, năng lượng..).

Ở châu Âu, nhiều quốc gia đang có tổng giá trị tài sản của DNNN lớn hơn 20% GDP, như Ba Lan, Estonia, Bỉ, Slovenia, Phần Lan… Tỷ lệ này ở Pháp, Italy là khoảng 10% GDP và nhỏ hơn 10% GDP tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, CHLB Đức, Đan Mạch, Áo, Anh…

Với DNNN của Việt Nam, có vốn nhà nước còn là thế mạnh rất lớn của nhiều doanh nghiệp. Mặc dù tiến trình cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn đang thu hẹp số lượng, quy mô  DNNN, nhưng đây vẫn là khu vực nắm giữ tỷ trọng đa số hoặc chi phối một số ngành, lĩnh vực nền tảng của nền kinh tế, có công nghệ, có nguồn nhân lực được đào tạo tốt...

Thậm chí, so với mức doanh thu 23,5 tỷ USD của doanh nghiệp xếp thứ 500 trong Danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới của Fortune, thì doanh thu của 3 tập đoàn kinh tế nhà nước lớn nhất Việt Nam là EVN (11,9 tỷ USD), PVN (11,8 tỷ USD) và Viettel (10,8 tỷ USD) không phải quá nhỏ bé.

Nút thắt bên trong

Câu hỏi bao giờ DNNN của Việt Nam đĩnh đạc sánh vai với các tập đoàn hàng đầu thế giới không phải bây giờ mới được đặt ra. Năm 2017, Nghị quyết 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN đã ghi mục tiêu, đến năm 2030, củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Nhưng ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, lại không nhìn thấy rõ thời điểm đạt được.

“Tôi đang không nhìn thấy cơ hội để DNNN của chúng ta lớn lên, vì bị bó tay, bó chân về quyền tự chủ, chịu trách nhiệm trong sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp, lẫn quyền tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, quyết định lương, thưởng... Hệ quả là cách ứng xử phi thị trường của không ít DNNN và cơ quan đại diện chủ sở hữu”, ông Cung thẳng thắn khi nhắc lại câu chuyện của Bộ Xây dựng xin việc cho Sông Đà hay khó khăn của SCIC khi muốn đầu tư vào Vietnam Airlines…

Nhưng, lý do chính khiến ông Cung cho là DNNN không thể lớn nằm ở cơ chế tài chính.  “Chủ đầu tư nhà nước không bao giờ bỏ thêm vốn, lợi nhuận thì thu hết; muốn đầu tư phải xin xỏ. Công cụ phát triển duy nhất là vốn vay. Kiểu doanh nghiệp đóng như vậy  không lớn được”, ông Cung lý giải.

Phân tích tình hình sử dụng vốn và tài sản nhà nước của riêng tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2018 (bao gồm cả nhóm công ty mẹ - con), tình thế này khá rõ. Tổng vốn chủ sở hữu khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2017. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu tăng chủ yếu từ nguồn quỹ đầu tư phát triển được trích lập từ lợi nhuận sau thuế, chênh lệch đánh giá lại tài sản và thặng dư vốn thu được trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên, đơn vị phụ thuộc.

Cũng phải nói thêm, theo quy định hiện hành, toàn bộ nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, doanh nghiệp do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập và nguồn thu từ thoái vốn nhà nước được thu tập trung về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, để chi phục vụ quá trình sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và chi chuyển vào ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển theo Nghị quyết của Quốc hội.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giai đoạn 2016 - 2019, nguồn thu này chuyển vào ngân sách nhà nước là 205.000 tỷ đồng. Trong năm 2020, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp phải chuyển về ngân sách 45.000 tỷ đồng.

Nhưng khoản thu này được phân bổ ra sao cũng đang là mối quan tâm lớn. Nhiều câu hỏi từng được đặt ra, như khoản tiền 5 tỷ USD thu từ thoái vốn nhà nước tại Sabeco đã về đâu, đã tạo ra giá trị gia tăng gì từ tài sản tốt đã thoái là một phần vốn trong Sabeco?..., nhưng câu trả lời có lẽ rất khó.

“Nhà nước, với tư cách là nhà đầu tư, nếu thoái chỗ này phải đầu tư chỗ khác để cơ cấu lại danh mục tài sản, để phát triển vốn nhà nước, chứ không nên thoái để bỏ vào ngân sách hay hòa vào vốn đầu tư chung chung. Hãy để doanh nghiệp sử dụng tiền đó đầu tư để tạo ra tài sản mới hoặc Nhà nước thu để đầu tư các dự án quan trọng của nền kinh tế”, ông Cung đề xuất.

Trong bối cảnh các kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn tiếp tục được đẩy mạnh, nếu không thay đổi cơ chế, khu vực DNNN sẽ chỉ bé đi, yếu đi.

Điều đáng nói, cơ chế quản lý này sẽ không tạo ra đất dụng võ cho các CEO tầm cỡ, những người có thể đưa DNNN bứt tốc, bước vào cuộc đua tranh với các tập đoàn toàn cầu…

Trạng thái mới

Covid-19 đang xoay vần toàn thế giới, nhưng kế hoạch cơ cấu lại DNNN vẫn phải được thực hiện.

Quyết định 908/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 29/6 như một thông điệp nhắc nhở. Phần lớn kế hoạch được giao trong Quyết định 1232/2017/QĐ-TTg về danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước phải thoái trong giai đoạn 2017 - 2020 được nhắc lại, ngoại trừ việc tạm dừng thoái vốn các doanh nghiệp trong lĩnh vực cấp nước để rà soát.

Trước đó, tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 với 93 doanh nghiệp, sau những chậm trễ thực hiện những năm trước.

Tất nhiên, tình hình thị trường, khó khăn do dịch bệnh… khiến tiến độ được giao trở nên thách thức. Song, cho dù thế nào, năm 2020 vẫn là năm cuối cùng thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 - 2020 và mục tiêu thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước để DNNN có cơ cấu hợp lý, đáp ứng chuẩn mực quốc tế về quản trị sẽ phải cơ bản hoàn tất.

Quan trọng là, nguồn lực mà khu vực này đang nắm giữ, nếu được kích hoạt, sẽ là động lực lớn cho sự phục hồi nhanh của nền kinh tế.

Lúc này, DNNN cần được giải phóng mọi nguồn lực đang bị bó chặt, kìm giữ bên trong.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan