Đã đến lúc, khu vực nắm giữ nguồn lực lớn nhất của nền kinh tế phải được hoạt động đúng là doanh nghiệp, đầy đủ quyền tự chủ kinh doanh theo nguyên tắc thị trường, được quản trị theo thông lệ quốc tế tốt để thoát khỏi tâm thế thúc thủ và bứt tốc.
Bài 1: Mơ được là doanh nghiệp đúng nghĩa
Là những doanh nghiệp có thâm niên nhất, nhưng tới thời điểm này, doanh nghiệp nhà nước vẫn đang mơ được là doanh nghiệp đúng nghĩa.
Ngổn ngang điều tiếng
Đáng ra, kế hoạch đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vào Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) không bị mổ xẻ theo nhiều hướng như vậy. TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nói điều này khi xem đi, xem lại những bình luận liên quan đến khoản 12.000 tỷ đồng mà SCIC đang muốn đầu tư vào Vietnam Airlines.
Có khá nhiều quan ngại. Nào là, có phải bắt đầu một cuộc giải cứu doanh nghiệp nhà nước với những ưu ái dành riêng? Nào là, có hay không tình trạng sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp nhà nước?… Ám ảnh từ những vết xe đổ mang tên doanh nghiệp nhà nước một thời với nhiều hệ lụy lớn chưa giải quyết xong được khơi lại, làm tấy đau vết thương chưa lành, với nhiều hàm ý cảnh báo.
Theo ông Cung, ở góc độ thị trường, mọi câu hỏi đều giải được. “SCIC có quyền đề xuất và thực hiện phương án này. Chúng ta phải nhìn nhận rõ, SCIC là nhà đầu tư vốn chuyên nghiệp, có đầy đủ quyền và trách nhiệm với đồng vốn của mình”, ông Cung phân tích.
Theo Điều lệ được ban hành kèm theo Nghị định 148/2017/NĐ-CP, SCIC được quyền lựa chọn và quyết định lĩnh vực, hình thức đầu tư và kinh doanh vốn theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm hiệu quả, có khả năng sinh lời và phù hợp với quy định của pháp luật. Mục tiêu kinh doanh cũng được xác định rõ, đó là có lãi, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại SCIC và vốn của SCIC đầu tư tại doanh nghiệp khác.
Với kế hoạch đầu tư 12.000 tỷ đồng vào Vietnam Airlines, nguồn tiền được xác định là vốn của SCIC, đang dồi dào và đủ khả năng thực hiện ngay. Đây là điểm tối quan trọng trong tình thế ngành hàng không thế giới đang khởi động lại sau nhiều tháng bị dịch bệnh đẩy về số 0, nhà đầu tư chiến lược khác của Vietnam Airlines là ANA đến từ Nhật Bản cũng đang lúc khó khăn, phải tìm kiếm phao cứu trợ.
Tất nhiên, các phương án cụ thể sẽ còn phải bàn nhiều trong nội bộ nhà đầu tư nhà nước trước khi đưa ra Đại hội đồng cổ đông 2020 của Vietnam Airlines, nhưng khả năng SCIC có thể tham gia Vietnam Airlines với vai nhà đầu tư chiến lược rất cao, từ đó cùng Vietnam Airlines tái cơ cấu, nhanh chóng phục hồi. Đương nhiên, lợi ích từ khoản đầu tư vào một hãng hàng không tiềm lực như Vietnam Airlines hoàn toàn có thể tính được.
“Lúc này, vai trò của SCIC trong Vietnam Airlines tương tự như từng làm với Vinaconex cách đây 8 năm, khi quyết định đầu tư thêm 1.000 tỷ đồng để tái cơ cấu Vinaconex năm 2012, để sau đó thu lại khoản lợi nhuận lên tới 4.800 tỷ đồng vào năm 2018”, ông Cung nói.
Thực tế, mọi việc không hẳn bình thường theo thị trường như vậy. Mặc dù cả SCIC và Vietnam Airlines đều đã bàn bạc, thậm chí ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC tiết lộ, phương án đã được thống nhất, nhưng họ đang cần tín hiệu từ cơ quan có thẩm quyền.
Đang có những viện dẫn rằng, SCIC không được đầu tư vào Vietnam Airlines vì vướng quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Theo đó, Nhà nước chỉ đầu tư vào doanh nghiệp trong 4 lĩnh vực gồm: cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; lĩnh vực độc quyền tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.
Hướng dẫn cụ thể nội dung này, Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp đã có một danh mục gồm 7 nhóm ngành, lĩnh vực, trong đó không có vận tải hàng không thương mại.
Đó là chưa kể, SCIC và Vietnam Airlines đang được cho là cùng “dưới trướng” Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), nên nếu SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines sẽ vi phạm quy định các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.
Có lực mà không được làm
Gần một năm trước, tại Hội nghị sơ kết Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương (tháng 7/2019), ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã kể về ước mơ của doanh nghiệp nhà nước: “Nhiều người nói, khi hỏi mấy doanh nghiệp tư nhân, họ bảo mơ ước được có cơ chế như doanh nghiệp nhà nước. Hỏi doanh nghiệp nhà nước, lại bảo mơ được cơ chế như doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp nhà nước biết mình được giao nguồn lực, nhưng cơ chế không cho phép làm”.
Tham dự Hội nghị là lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty đang nắm giữ hàng trăm ngàn tỷ đồng trong tổng số gần 1,5 triệu tỷ đồng vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp (đến năm 2019). Đây cũng là lãnh đạo các doanh nghiệp nắm trong tay nguồn lực về tài nguyên, vị trí thương mại, thương hiệu…, đang tham gia phần lớn vào tỷ trọng 30% tăng trưởng kinh tế, 35% đầu tư toàn xã hội mà khu vực doanh nghiệp nhà nước đóng góp.
Nhưng những điều họ nói đến không phải là chiến lược “go global” (vươn ra toàn cầu) như các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, về kế hoạch sẽ có mặt trong những doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu như mục tiêu của Đề án Đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2020 đặt ra. Thay vào đó là tâm thế thúc thủ với những khó khăn kéo dài khi cơ chế chưa phù hợp, các quy định bó chân, bó tay, đến nỗi nhìn doanh nghiệp tư nhân làm ăn kinh doanh mà không hiểu là doanh nghiệp nhà nước làm doanh nghiệp kiểu gì, sẽ cạnh tranh thế nào.
Điểm mặt các quy định pháp luật, thực tế doanh nghiệp nhà nước đang phải xin xỏ rất nhiều. Các quy định yêu cầu xin ý kiến từ việc chấp thuận hoặc phê duyệt của cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan tài chính và các cơ quan có liên quan về quản lý tài chính, tài sản, chi phí, doanh thu, lợi nhuận, đầu tư ra bên ngoài... đến việc tuân thủ nguyên tắc bảo toàn vốn trong chuyển nhượng cổ phần, vốn góp.
Các doanh nghiệp cũng phải xin ý kiến góp ý, ý kiến thẩm định của nhiều cơ quan nhà nước trong đầu tư các dự án quy mô lớn, kể cả dự án do doanh nghiệp tự vay - tự trả. Đặc biệt, doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về quy hoạch cán bộ trong tuyển dụng, bổ nhiệm người quản lý, bị khống chế mức tiền lương tối đa…
“Cơ hội đầu tư đi qua nhanh, mà trình tự, thủ tục phải xin rất nhiều cơ quan, nên mọi sự bị chậm trễ. Xã hội nhìn doanh nghiệp nhà nước không thiện cảm, nhiều điều tiếng”, lãnh đạo một tổng công ty nhà nước đã nói khi nhắc đến các kế hoạch đầu tư, chuyển đổi số, kế hoạch mua bán- sáp nhập các doanh nghiệp công nghệ…
Lỗi tại quy trình?
Đáng nói là, những quy định trên tác động đến tư duy, ứng xử của cả cơ quan quản lý nhà nước, đại diện chủ sở hữu lẫn doanh nghiệp trước những vấn đề của doanh nghiệp nhà nước.
Trở lại kế hoạch đầu tư của SCIC vào Vietnam Airlines, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu đổi mới doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), một chuyên gia đã tham gia chắp bút cho nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp nhà nước suốt 20 năm qua đồng tình với ông Cung khi cho rằng, không có gì phức tạp trong quyết định này.
“CMSC là cơ quan quản lý vốn, không phải là công ty mẹ của SCIC và Vietnam Airlines, nên không thể coi khoản đầu tư này, nếu có, là đầu tư giữa các công ty con trong cùng tập đoàn. Hơn thế, nguồn vốn mà SCIC dự kiến đầu tư vào Vietnam Airlines không phải là vốn từ ngân sách nhà nước, không thuộc phạm vi giới hạn của Nghị định 32”, ông Trung phân tích.
Hơn nữa, mục tiêu, sứ mệnh của doanh nghiệp nhà nước là sinh ra để kinh doanh một việc được giao, khác với doanh nghiệp tư nhân, là có thể mai làm, nay bỏ. CMSC với vai trò đại diện phần vốn nhà nước trong Vietnam Airlines sẽ quyết các giải pháp hỗ trợ, trong đó có cả phương án của SCIC để phần vốn nhà nước trong Vietnam Airlines thực hiện mục tiêu.
Vấn đề là, không phải các cơ quan có thẩm quyền đều hiểu như vậy. Tháng 4/2020, CMSC đã đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền làm rõ việc SCIC không bị giới hạn về ngành nghề kinh doanh và đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, nghĩa là khác với quy định tại Nghị định 32. Trong trường hợp không bị giới hạn, CMSC đề nghị quy định cụ thể thẩm quyền quyết định đầu tư của SCIC đối với những ngành, lĩnh vực không được nêu trong Luật Đầu tư công để dẫn chiếu, xác định thẩm quyền quyết định đầu tư theo quy định tại Điều lệ của SCIC.
Song đến nay, câu trả lời chưa rõ và đương nhiên CMSC chưa thể làm tròn vai trò cơ quan đại chủ sở hữu nhà nước.
Rõ ràng, bóng dáng của chức năng chủ sở hữu nhà nước vẫn đan xen với thực hiện chức năng quản lý nhà nước; đầu tư nhà nước đan xen với đầu tư vốn chủ sở hữu nhà nước cho doanh nghiệp nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp...
Trong bối cảnh này, việc SCIC không được tự chủ với các quyết định kinh doanh như một doanh nghiệp, một nhà đầu tư thực sự mới là sự bất thường cần phải phân tích, chứ không phải câu chuyện SCIC có được đầu tư vào VNA hay không.
Như vậy, câu hỏi doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp gì cũng không phải dễ trả lời.
(Còn tiếp)