Ông đánh giá thế nào về nội dung các văn bản luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư - kinh doanh đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội trong kỳ họp cuối tháng 5 tới đây? Có ý kiến cho rằng, sự thay đổi đột phá về thể chế kinh tế có thể bắt đầu từ chính các dự luật này.
Trước hết phải khẳng định, các văn bản luật đang được xem xét sửa đổi hiện nay như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước, hay đang xây dựng mới như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp… đều là những dự luật cơ bản, có thể tạo nên sự thay đổi về thể chế, cách thức hành xử với các hoạt động đầu tư - kinh doanh cũng như các đối tượng tham gia.
Nếu việc xây dựng các văn bản luật này cùng theo mục tiêu tháo gỡ các nút thắt hiện hữu để nâng cấp thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam, theo hướng thị trường hơn cả về trình độ và mức độ, thì cơ hội tạo đột phá về thể chế là rất lớn.
Nhưng tại sao lại là “nếu”, thưa ông?
Vì theo nguyên tắc đó, Nhà nước sẽ chủ động thay đổi vai trò, vị trí và chức năng của mình, qua đó, làm thay đổi vai trò, chức năng của thị trường và quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Khung khổ pháp lý mới sẽ thiết lập thị trường và hoàn thiện thị trường, làm cho các loại thị trường hoạt động đầy đủ theo nguyên tắc và quy luật của chúng, đồng thời bổ sung các khiếm khuyết cho thị trường.
Nhưng điều này cũng có nghĩa là, Nhà nước - ở đây là Chính phủ, các bộ, ngành phải chủ động thay đổi, tạo nên các cải cách một cách đồng bộ, có hệ thống, chứ không thể chỉ ở vài thay đổi đơn lẻ, ở một số thể chế, văn bản luật. Nếu không, nguy cơ xảy ra mâu thuẫn giữa các văn bản luật vẫn còn.
Phải chăng, đó là lý do những phân vân về các quy định liên quan đến đầu tư của Nhà nước hay doanh nghiệp nhà nước vẫn còn?
Để bàn vấn đề này, đầu tiên phải xác định rõ vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường tới đây - nền kinh tế thị trường đã được nâng cấp mà chúng ta đang hướng tới. Trên cơ sở đó, đánh giá thực trạng cơ sở pháp lý, quy định hiện hành liên quan đến đầu tư của Nhà nước, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước để tìm ra những tồn tại, khoảng cách cần phải khỏa lấp.
Theo tôi, phải thay đổi vai trò, chức năng của Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đã có dự thảo văn bản luật nào đề cập các vấn đề này chưa, thưa ông?
Đáng tiếc là chưa. Tôi cho rằng, Dự thảo Luật Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần phải làm rõ các vấn đề này, đưa ra được nguyên tắc, khung khổ pháp lý để áp đặt kỷ luật ngân sách cứng đối với Chính phủ và doanh nghiệp nhà nước, xác định rõ vai trò của Quốc hội với tư cách là chủ sở hữu nhà nước với doanh nghiệp nhà nước để sát sao, mạnh mẽ hơn trong việc giám sát khu vực doanh nghiệp này…
Cùng với đó, Dự thảo Luật này cũng cần quy định rõ những ngành nghề kinh doanh then chốt mà doanh nghiệp nhà nước được phép tham gia…
Đặc biệt, cần tách bạch thực thi quyền chủ sở hữu nhà nước khỏi quản lý thị trường, chức năng hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước. Vấn đề này đã nói nhiều, nhưng chưa được quy định trong các văn bản luật.
Khi Nhà nước xác định rõ phần việc của mình với nguyên tắc rút chân khỏi những phần việc của thị trường, thì cần thiết lập hệ thống luật pháp vững chắc hỗ trợ cho việc chuyển dịch này, bao gồm cả thúc đẩy và giám sát thực hiện. Hiện có tình trạng chỗ này chuyển, chỗ kia không chuyển, luật này chuyển, luật khác không chuyển. Đó là những điều tôi phân vân khi xem xét các vấn đề của doanh nghiệp nhà nước.
Thưa ông, trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang có một chương về doanh nghiệp nhà nước. Chương này có xử lý được toàn bộ vấn đề liên quan đến khu vực doanh nghiệp nhà nước không?
Không. Luật Doanh nghiệp chỉ quy định các vấn đề liên quan đến quản trị doanh nghiệp, nghĩa là quy định quyền hạn của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, mối quan hệ giữa chủ sở hữu với quá trình ra quyết định của doanh nghiệp…
Đó là những đặc thù trong quản trị doanh nghiệp nhà nước. Còn các vấn đề mang tính định hình vai trò của doanh nghiệp nhà nước thì không đề cập.
Giả sử những nội dung căn bản về doanh nghiệp nhà nước chưa kịp đặt ra thì…
Doanh nghiệp nhà nước sẽ rất khó hoạt động. Đây là điều tôi muốn cảnh báo. Vì khi đó, việc ra quyết định của doanh nghiệp nhà nước sẽ trở nên khó khăn, kéo dài, hạn chế tính năng động, tự chủ, sáng tạo của doanh nghiệp - yếu tố quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Hệ lụy lớn là quyền tự do mà chủ sở hữu nhà nước tạo ra cho các doanh nghiệp nhà nước sẽ bị ảnh hưởng.