Doanh nghiệp nhà nước phải được làm những việc khác thường - Bài 1: Kỳ vọng trở lại đường ray phát triển

0:00 / 0:00
0:00
Khu vực doanh nghiệp nhà nước đang được nhắc tên khi hàng loạt dự án quy mô lớn, quan trọng của đất nước tiếp tục được đặt lên đường ray, chuẩn bị thế và lực cho kỷ nguyên vươn mình.
Nền kinh tế cần có một tập đoàn công nghiệp - dịch vụ đường sắt Việt Nam với năng lực hoàn toàn mới để đảm nhận vai trò đầu tư phát triển

Nền kinh tế cần có một tập đoàn công nghiệp - dịch vụ đường sắt Việt Nam với năng lực hoàn toàn mới để đảm nhận vai trò đầu tư phát triển

Mục tiêu tăng trưởng đầy quyết tâm của đất nước năm 2025 và giai đoạn tiếp theo thêm một lần nữa đặt khu vực doanh nghiệp nhà nước, với vài triệu tỷ đồng tài sản và hàng chục năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, vào điểm “khai hỏa”.

Nhưng cũng thêm một lần nữa, đòi hỏi gỡ điểm nghẽn thể chế cho doanh nghiệp nhà nước trở nên cấp bách khi sứ mệnh của khu vực doanh nghiệp này là đầu tư kiến tạo phát triển, chứ không đơn thuần là đầu tư kinh doanh.

Bài 1: Kỳ vọng trở lại đường ray phát triển

Khu vực doanh nghiệp nhà nước đang được nhắc tên khi hàng loạt dự án quy mô lớn, quan trọng của đất nước tiếp tục được đặt lên đường ray, chuẩn bị thế và lực cho kỷ nguyên vươn mình.

Thời điểm vàng

Trong đợt làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được trình Quốc hội. Cũng trong thời gian đó, các đại biểu Quốc hội sẽ có cuộc thảo luận tại tổ về dự luật này.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhắc đến lịch trình làm việc của Quốc hội với nhiều kỳ vọng. “Phải gỡ bằng được điểm nghẽn thể chế cho doanh nghiệp nhà nước. Đã đến lúc khu vực này phải là đầu tàu, góp mặt vào các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, chứ không thể ôm mãi nỗi ấm ức của ‘người khổng lồ, chân đất sét’”, TS. Cung đặt vấn đề.

Tuần trước, khi chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được các đại biểu Quốc hội thảo luận, ông Cung và một số chuyên gia kinh tế đã có cuộc trao đổi gay cấn. Nhiều ý kiến cho rằng, với tổng vốn đầu tư lên tới khoảng 150 tỷ USD trong giai đoạn 2025-2030 (bao gồm cả đường sắt đô thị), lên tới 312 tỷ USD đến năm 2050, kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp đường sắt chính thức bắt đầu.

Cùng với không gian phát triển rộng mở của nhiều ngành kinh tế, nhiều cực tăng trưởng mới được kích hoạt, cơ chế mới đang được thiết kế với tư duy huy động mọi nguồn nội lực, cộng đồng doanh nghiệp Việt đứng trước cơ hội được thử sức trong sân chơi mới, đẳng cấp mới…

Nhưng điều mà vị chuyên gia về doanh nghiệp Việt đặt kỳ vọng hơn cả trong trang mới của lịch sử hơn 150 năm đường sắt Việt Nam, tính từ khi khởi công xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên nối Sài Gòn với Mỹ Tho vào năm 1881, đó là thời điểm vàng để Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đứng lên đường hoàng trong vị thế là doanh nghiệp đi đầu về nhân lực, nguồn lực, công nghệ trong hệ sinh thái công nghiệp - dịch vụ đường sắt.

Lý do không chỉ là dự kiến VNR tiếp nhận quản lý, vận hành và khai thác kết cấu hạ tầng toàn tuyến; nhận giao toàn bộ phương tiện, thiết bị để khai thác và chịu trách nhiệm trả nợ chi phí đầu tư. Quan trọng là, nền kinh tế cần có một tập đoàn công nghiệp - dịch vụ đường sắt Việt Nam với năng lực hoàn toàn mới để đảm nhận vai trò đầu tư phát triển, tham gia giai đoạn đầu tư có rủi ro cao cho đến việc chuẩn bị năng lực để làm chủ công nghệ bảo trì, bảo dưỡng…

“Đây là nhiệm vụ trước tiên của VNR, phải làm những công việc khó, việc lớn nhất, chứ không chỉ là các hoạt động kinh doanh thuần túy”, ông Cung làm rõ quan điểm.

Cơ hội lớn

Không chỉ VNR, cơ hội lớn đang gọi tên nhiều doanh nghiệp nhà nước.

Giữa tháng 10/2024, Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam cung cấp mạng 5G, phủ sóng tại 63 tỉnh, thành phố. Với động thái này, sau khi đi chậm với 2G, 3G và cả 4G, lần đầu tiên Việt Nam đi cùng thế giới trong việc ứng dụng công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng 4.0, trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất… Đây cũng là cơ sở để Viettel được nhắc tên trong danh sách các doanh nghiệp tham gia dự án đường sắt cao tốc, với vị trí tiên phong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ...

Lịch sử đã chỉ ra một quy luật bất biến, đó là mỗi khi có sự đột phá về công nghệ hay có cuộc cách mạng công nghiệp, thì bước ngoặt phát triển cho các quốc gia, dân tộc và các doanh nghiệp xuất hiện. Lần này, “con tàu” cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với các xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… dành nhiều ghế ưu tiên cho các quốc gia và doanh nghiệp có khả năng sáng tạo, đi đầu trong phát triển, ứng dụng công nghệ mới...

Ở Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước đang hội tụ nhiều điều kiện cần để có chỗ trên con tàu này. Nhất là sau giai đoạn dịch bệnh, sức khỏe, năng lực của khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam bị bào mòn đáng kể. Tỷ lệ đầu tư của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, cần thời gian để hồi phục.

Không phải lần đầu ông Cung nhắc đến thời cơ lớn để doanh nghiệp nhà nước trở lại đường ray phát triển. Năm 2018, khi các cuộc tọa đàm về cơ hội của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu được dấy lên, ông Cung gần như là người “đi ngược dòng” gọi tên khu vực doanh nghiệp nhà nước. Thời điểm đó, sự “khuấy đảo” của Viettel ở nhiều thị trường viễn thông di động trên thế giới đã trở thành hình mẫu đảm bảo. Đến giờ, TS. Nguyễn Đình Cung vẫn nhìn thấy rõ các điều kiện đó.

Theo số liệu mới nhất, tổng tài sản của khu vực doanh nghiệp nhà nước đến hết năm 2023 đạt trên 3,89 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm 2023. Riêng các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con có tổng tài sản là 3,57 triệu tỷ đồng, trong đó tổng vốn chủ sở hữu là 1,64 triệu tỷ đồng, chiếm 90% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước.

Giai đoạn 2021-2023, các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước duy trì nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp. Khu vực này đóng góp khoảng 28% thu ngân sách nhà nước; thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp...

“Với nguồn lực, vốn và nhân lực chuyên môn, doanh nghiệp nhà nước có điều kiện hơn cả trong cộng đồng doanh nghiệp Việt, để trở thành nhà đầu tư lớn, dẫn dắt, hỗ trợ quá trình đổi mới, sáng tạo, tăng năng suất của các ngành kinh tế trọng điểm”, ông Cung nhấn mạnh.

Cách đây 6 năm, khi nói về cơ hội của doanh nghiệp nhà nước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đây cũng là những điều được vị chuyên gia này nhắc đến. Nhưng lần này, các điều kiện mạnh mẽ hơn nhiều.

Bức tranh hoàn toàn mới

Không còn bất cứ lấn cấn nào về vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, nhất là sau khi có Nghị quyết 12-NQ/TW năm 2017 của Bộ Chính trị về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Các chuyên gia kinh tế đều nhắc tới điều kiện mấu chốt này khi bàn về cơ hội của doanh nghiệp nhà nước. Hơn thế, vị trí, vai trò này có thể hình dung rất rõ thông qua các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể được quyết nghị trong Nghị quyết 68/2022/NQ-CP (về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ).

Cụ thể, doanh nghiệp nhà nước sẽ là khu vực có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao qua đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ; sẽ có một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn, có năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo để đầu tư phát triển trong một số ngành, lĩnh vực mới hoặc có tính chất quan trọng của nền kinh tế như năng lượng (trong đó ưu tiên năng lượng tái tạo, năng lượng sạch), kết cấu hạ tầng quốc gia, tài chính, công nghiệp viễn thông, công nghiệp bán dẫn, công nghệ lõi...

Đặc biệt, 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước ứng dụng quản trị trên nền tảng số, thực hiện quản trị doanh nghiệp tiệm cận các nguyên tắc quản trị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD); 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty có dự án triển khai mới, trong đó có một số dự án đầu tư tiêu biểu, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, mang thương hiệu của doanh nghiệp nhà nước.

Tham vọng hơn, có ít nhất 25 doanh nghiệp nhà nước có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức trên 5 USD. 100% doanh nghiệp nhà nước có định hướng và thực hiện chuyển dịch đầu tư, hướng đến các dự án đầu tư, sử dụng công nghệ xanh, sạch và giảm thải khí carbon...

Phải nhấn mạnh, các mục tiêu trên đều sẽ phải hoàn thành vào năm 2025, nghĩa là chỉ còn một năm nữa, theo phân giao của Nghị quyết 68/2022/NQ-CP.

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặc biệt quan tâm đến bối cảnh và thời hạn hoàn thành các mục tiêu, tiêu chí này. Theo ông, không có thời điểm nào tốt hơn để nói về thời của doanh nghiệp nhà nước với chiếc áo thực sự phù hợp.

“Áp lực phải hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu rất tham vọng của khu vực này cũng như các mục tiêu tăng trưởng rất cao của năm 2025 đang được hậu thuẫn bởi tư duy đột phá mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, đó là gỡ điểm nghẽn thế chế. Việc sửa Luật Quản lý và Sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (Luật 69) sẽ là bước tiên phong”, ông Phúc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Phúc nói, VNR và các doanh nghiệp nhà nước khác đang có cơ hội để trở thành “một Viettel”, nhưng rất có thể lỡ chuyến tàu lịch sử, như đã từng...

Thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn

- Tổng Bí thư Tô Lâm

Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực ở trong dân.

(Trích bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV)

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan