Như vậy, có thể nói, mối quan hệ giữa DNNN và kỷ luật thị trường, cũng như cách thức để thực hiện đang được đặt cao về tính cấp bách và cần thiết sẽ chính thức được luật hóa. Tuy nhiên, với tính đặc thù của mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, đặc biệt là trong vai trò, sứ mệnh của khu vực DNNN và mục tiêu hoạt động của từng doanh nghiệp, thì khung khổ pháp lý dành cho khu vực này sẽ phải chặt chẽ và chi tiết hơn so với các doanh nghiệp tư nhân có cùng hình thức pháp lý.
Trên thực tế, với vai trò, mục tiêu kinh doanh do chủ sở hữu là Nhà nước đặt ra cho khu vực doanh nghiệp này, DNNN chỉ được kinh doanh trong phạm vi ngành nghề giới hạn, chứ không thể áp dụng quyền kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm như mục tiêu chung của Luật Doanh nghiệp 2005.
Cũng bởi chủ sở hữu nhà nước thực hiện quyền sở hữu với doanh nghiệp này khác với các doanh nghiệp tư nhân, mô hình tổ chức, cơ chế quản lý, kiểm soát, giám sát DNNN cũng đòi hỏi phải có những khác biệt nhất định.
Như vậy, những quy định về yêu cầu công khai hóa thông tin đối với doanh nghiệp có sở hữu nhà nước sẽ không chỉ dừng lại như với các công ty TNHH một thành viên chung chung, mà phải được áp dụng ở mức cao nhất, như một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, nghĩa là có quy định về thông tin công khai định kỳ và thông tin bất thường.
Tương tự, tính chất đặc thù của khu vực doanh nghiệp này đòi hỏi các quy định cụ thể và chi tiết tiêu chuẩn của người quản lý doanh nghiệp, thành viên ban kiểm soát…
Đây là những vấn đề đang được Ban soạn thảo Dự thảo Luật Doanh nghiệp thay thế luật hiện hành ghi nhận là yếu tố phát sinh khi đánh giá quá trình thực thi Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Kể từ khi Luật DNNN năm 2003 hết hiệu lực vào năm 2010, hàng loạt vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cơ chế giám sát, phân công, phân cấp thực hiện các quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với DNNN... không được quy định rõ trong luật, kể cả Luật Doanh nghiệp năm 2005. Trong khi đó, để đảm bảo hoạt động cho khu vực này, các nội dung trên đã được quy định ở nhiều văn bản dưới luật, trong các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ…
Tình trạng thiếu cơ sở pháp lý ở mức cao đã ảnh hưởng đến việc thống nhất trong thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước, cũng như của chính các DNNN. Ngay cả những quy định về công khai thông tin với DNNN đang được cho là phức tạp, chồng chéo, không thể hiện rõ trách nhiệm giải trình của DNNN trong khi tạo ra gánh nặng hành chính đáng kể về nghĩa vụ tuân thủ các doanh nghiệp.
Đề xuất có một chương riêng về DNNN cũng đã được nhắc tới khi xây dựng Luật Doanh nghiệp năm 2005 để chuẩn bị cho việc hết hiệu lực của Luật DNNN vào năm 2010. Vào thời điểm đó, đề xuất này bị bác bỏ với quan điểm DNNN phải tự mình cải cách để có thể cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác trong cùng một sân chơi và việc điều chỉnh khu vực doanh nghiệp này cần có nhiều văn bản luật khác.
Hiện tại, yêu cầu trên vẫn cần được tiếp tục đặt ra với DNNN. Việc xây dựng các văn bản luật điều chỉnh hoạt động của khu vực doanh nghiệp này cũng cần được hoàn tất trên nguyên tắc thống nhất, phối hợp nhịp nhàng giữa các văn bản luật liên quan. Điểm mấu chốt là tiếp tục tư duy đột phá mạnh mẽ trong quản trị và quản lý DNNN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của một khu vực doanh nghiệp đầy tính đặc thù trong nền kinh tế.