Doanh nghiệp nhà nước cần được giao nhiệm vụ đủ cao để người tài có thể làm được

Doanh nghiệp nhà nước cần được giao nhiệm vụ đủ cao để người tài có thể làm được

Để cạnh tranh được, theo TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), doanh nghiệp nhà nước cần được tự chủ, tự do kinh doanh trong phạm vi ngành nghề và mục đích mà chủ sở hữu đặt ra.

Lúng túng giữa trao quyền tự chủ và tăng cường quản lý giám sát

6 bước thực hiện, 9 nhóm cơ quan can thiệp là những gì một thủ tục đầu tư dự án xây dựng “tự vay, tự trả” của doanh nghiệp nhà nước sẽ phải đi qua để nhận được sự phê duyệt. Đây là một ví dụ về sự can thiệp của hành chính nhà nước mà ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM) chia sẻ.

CIEM thực hiện đánh giá kết quả cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước qua ba mặt: cơ cấu lại ngành nghề và sở hữu thông qua cổ phần hóa, thoái vốn; cơ cấu lại thông qua nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thông qua đổi mới thế chế kinh tế thị trường và đáp ứng năng lực quản trị doanh nghiệp nhà nước theo chuẩn mực quốc tế. Theo nhận định của Viện, hoạt động quản trị công ty thời gian qua cơ bản không có gì thay đổi, chỉ đáp ứng được một phần so với chuẩn mực quốc tế.

“Năm 2006, Ngân hàng Thế giới có đánh giá về tình hình tuân thủ nguyên tắc và chuẩn mực quản trị công ty, bao gồm doanh nghiệp nhà nước được đánh giá “căn bản chưa được tuân thủ”. Nay sau 13 năm nhìn lại 6 nguyên tắc và 30 tiêu chí theo chuẩn mực của OECD, doanh nghiệp nhà nước vẫn còn khoảng cách xa so với thông lệ quốc tế”, ông Trung cho hay.

Trong đó, việc đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho bộ máy quản lý và trách nhiệm giải trình về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tính chuyên trách, chuyên nghiệp, hiệu quả của cơ quan đại diện chủ sở hữu là hai tiêu chí còn cách khá xa.

Quyền tự chủ hiện được quy định chi tiết đối với các trường hợp doanh nghiệp nhà nước phải xin ý kiến chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan tài chính và các cơ quan có liên quan về quản lý tài chính, tài sản, chi phí, doanh thu, lợi nhuận, đầu tư ra bên ngoài, huy động vốn… và phải tuân thủ quy định đặc thù về hạn chế quyền tài sản. Các quy định này giúp tăng cường quản lý, giám sát Nhà nước nhưng lại đồng thời dãn tới sự can thiệp hành chính vào doanh nghiệp nhà nước.

Theo đại diện CIEM, dù thành lập Ủy ban quản lý vốn tại doanh nghiệp gần một năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa tách bạch hoàn toàn chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước. Sự lúng túng  giữa trao quyền tự chủ và tăng cường quản lý giám sát là một trong các nguyên nhân khiến mục tiêu hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát trong việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước chỉ hoàn thành ở mức trung bình.

Không tự chủ sẽ càng không có DNNN hoạt động theo thị trường

Mặc dù CIEM đánh giá một trong mặt tích cực của kinh tế nhà nước là thực hiện hiệu quả chính sách định giá, điều tiết giá hoặc bình ổn giá thông qua DNNN và hệ thống các cơ sở y tế, giáo dục… Nhưng theo quan điểm của TS. Nguyễn Đình Cung, doanh nghiệp nhà nước khi đã là doanh nghiệp thì điều đầu tiên phải để họ thực hiện vai trò tốt nhất của mình là chức năng kinh doanh, không phải để làm nhiệm vụ vĩ mô. Cụ thể là kinh doanh đặt hiệu quả tài chính lên hàng đầu.

EVN là một ví dụ được ông đưa ra. Giá điện bị kìm lại trong bối cảnh xu hướng giá lên, việc không vận động theo cơ chế thị trường đã làm sai lệch tín hiệu thị trường. Thị trường méo mó trong khi EVN thua lỗ không huy động được nguồn lực thị trường, cuối cùng ngân sách nhà nước bù.

“Hãy để cho họ kinh doanh. Điều đầu tiên phải thay đổi là buộc các doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện theo thị trường. Để cạnh tranh được, doanh nghiệp nhà nước cần được tự chủ, tự do kinh doanh trong phạm vi ngành nghề và mục đích mà chủ sở hữu đặt ra”, TS. Nguyễn Đình Cung nêu. Cùng đó, ông cũng cho rằng, ngày càng có xu hướng hành chính hóa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, trong khi quyền tự do kinh doanh phải được thực hiện đồng thời quyền tự chủ doanh nghiệp nhà nước.

Còn ở phía cơ quan chủ sở hữu, ông Cung chỉ ra việc cần thiết để chủ sở hữu giao cho doanh nghiệp nhà nước những nhiệm vụ cụ thể và đủ cao. Nhiệm vụ bảo toàn phát triển vốn, theo ông, rất mù mờ mà nếu cứ bám vào sẽ chỉ “loanh quanh”. Doanh nghiệp nhà nước cần được giao nhiệm vụ đủ cao để người tài có thể làm được, thay vì những nhiệm vụ thấp để bất cứ ai cũng có thể hoàn thành.

Quản trị công ty đáp ứng chuẩn mực quốc tế là một trong 4 mục tiêu đối với doanh nghiệp nhà nước được nêu trong Nghị quyết 12 (khóa XII). Dưới góc nhìn cá nhân là một chuyên gia nghiên cứu độc lập, ông Hoàng Xuân Giang, Phó Vụ trưởng Tổng hợp Ban kinh tế Trung ương, mục tiêu đối với quản trị công ty khó đạt vì không được… lượng hóa.

“Tập đoàn, Tổng công ty trong Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cần lượng hóa thành chuẩn quản trị  để định lượng rõ ràng, tương tự trong lĩnh vực ngân hàng có các chuẩn mực an toàn vốn Basel”. Ý kiến này được nhấn mạnh, bởi theo ông Giang, điều này sẽ giúp tránh trường hợp đến cuối kỳ có thể “cao hứng” nhận định gần đạt được chuẩn mực quốc tế về quản trị hay do doanh nghiệp thua lỗ nhiều lại đánh đồng tất cả bởi quản trị không hiệu quả. Do đó, dù là mục tiêu được Quốc hội nêu, cơ quan hành pháp khi triển khai cần lượng hóa cụ thể.

Tin bài liên quan