Việc áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN đã đạt được một số kết quả quan trọng

Việc áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN đã đạt được một số kết quả quan trọng

Doanh nghiệp, nhà băng “ngóng” sửa quy định cơ cấu lại nợ

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp lo sẽ bị liệt vào “danh sách đen” nợ quá hạn, không thể tiếp tục vay vốn, khi Thông tư sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ chưa được ban hành.

Lo nợ xấu

Chủ tịch HĐQT Saigonbank, ông Vũ Quang Lãm cho hay, dù đã có sự tính toán kỹ, song ngân hàng này vẫn không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nợ xấu tăng. Thời gian qua, Saigonbank luôn chủ động nhận diện sớm rủi ro và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thực tế cho thấy, nếu nợ xấu của các ngân hàng thương mại tại thời điểm cuối quý II/2020 chỉ nhích nhẹ so với đầu năm, thì đến cuối quý III/2020 đã vọt tăng trở lại. Theo nhận định của một chuyên gia tài chính, xu hướng nợ xấu có khả năng sẽ còn tăng mạnh khi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 hết hiệu lực.

Nhìn nhận về tác động lớn của Covid-19 đến hoạt động của ngành ngân hàng, nhất là công tác xử lý nợ xấu, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nợ xấu nội bảng có thể tăng lên 3% và trong năm 2021 sẽ lên đến 4%.

Thậm chí, theo ước tính của SII Research, nợ xấu sẽ tăng 17% vào cuối năm 2020 và 14% vào năm 2021. Với mỗi 1% nợ xấu tăng thêm, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) sẽ giảm từ 40- 80 điểm cơ bản.

Ở góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Cảnh Vinh, quyền Tổng giám đốc Eximbank cho rằng, ngân hàng phải nỗ lực kiểm soát chất lượng tín dụng và đẩy mạnh tái cơ cấu nợ cho khách hàng. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động lên hoạt động sản xuất của khách hàng, nhất là với doanh nghiệp thì khó tránh nợ xấu tăng.

Các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, năm 2021 là thời điểm đại dịch Covid-19 được kiểm soát sau khi nhiều nước có thể sản xuất đại trà vắc-xin. Với dấu hiệu phục hồi tốt của dư nợ tái cơ cấu, nợ xấu gia tăng đến từ nhóm khách hàng dự kiến ở mức 0,5-1% tổng dư nợ và sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các ngân hàng tùy thuộc vào chất lượng tài sản.

Sửa Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng nào?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho hay, đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố tăng khoảng 2,25%. Nếu loại trừ nợ xấu của nhóm ngân hàng CBBank, GPBank, OceanBank, thì tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn khoảng 1,99%.

Tín hiệu của sự phục hồi

Điều đáng mừng được NHNN chia sẻ là, gần đây, các khoản nợ phải cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN có dấu hiệu giảm, đặc biệt các khoản vay ngắn hạn. Đây chính là tín hiệu tích cực cho sự phục hồi của hệ thống.

Theo đánh giá của một số tổ chức tín dụng, việc áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn đã đạt được một số kết quả quan trọng, các khách hàng dần ổn định và phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn còn phức tạp, tác động đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng trong mối quan hệ ngân hàng - khách hàng.

Vì vậy, NHNN Chi nhánh TP.HCM kiến nghị Ngân hàng Trung ương xem xét, sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua, cũng như xem xét về thời gian áp dụng trong thời gian tới.

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, việc chỉnh sửa Thông tư 01/2020/TT-NHNN hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp, chú trọng sự an toàn của các tổ chức tín dụng. Tinh thần vẫn là chia sẻ, hỗ trợ trên nguồn lực hỗ trợ của các ngân hàng thương mại. Sẽ xác định một cách hợp lý vấn đề cơ cấu lại các khoản nợ, thời điểm, thời gian, đối tượng.

Ông Tú cho biết, Thông tư sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN sẽ sớm ra đời. Theo đó, sẽ có quy định trích lập dự phòng trong một thời điểm nào đó, có thể trong 3 năm, để có thể có thời gian xử lý trích lập cho khoản vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và ngân hàng. Đây là quan điểm của NHNN và Bộ Tài chính.

Tuy đã hết hạn lấy ý kiến đã lâu, nhưng Thông tư sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN chưa được ban hành. Trong khi đó, doanh nghiệp lo sẽ bị liệt vào “danh sách đen” nợ quá hạn, không thể tiếp tục vay vốn.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, nếu kéo dài thời gian cơ cấu lại nhóm nợ quá hạn, thì hoạt động của hệ thống ngân hàng sẽ thiếu tính bền vững, khó đảm bảo lâu dài. Nhưng nếu để thời gian ngắn quá cũng sẽ gây cú sốc cho hệ thống khi nợ xấu tăng vọt. Do đó, quy định này nên kéo dài đến cuối năm 2021 khi Covid-19 có thể kết thúc, tiềm lực doanh nghiệp, ngân hàng vững hơn.

Tin bài liên quan