Nhà máy Hyundai Thành Công Việt Nam số 2 có quy mô 100.000 xe/năm
Với thực tế thuế, phí đang chiếm tới 50% giá trị của ô tô nên việc người dân háo hức chờ lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước giảm 50% hay các doanh nghiệp muốn giữ nguyên thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cho xe pick up và ưu đãi giảm thuế với xe thân thiện môi trường như xe xăng lai điện sạc ngoài (PHEV), xe lai điện (HEV) nhằm giảm chi phí mua xe, giữ nhịp sản xuất, bán hàng đang rất được chờ trông.
Chính phủ quan tâm nhưng lệ phí trước bạ cho ô tô vẫn chưa giảm
Người tiêu dùng đang háo hức mua ô tô sản xuất trong nước lại tiếp tục chưa được thoả lòng mong đợi về việc giảm lệ phí trước bạ 50% khi vẫn chưa có chính sách nào về vấn đề này được ban hành để áp dụng từ ngày 1/8/2024, dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo.
Trước đó, niềm mong chờ của người tiêu dùng đã được khơi dậy khi Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 05/04/2024 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương "khẩntrương nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2024 xem xét ban hành quy định gia hạn thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước...), giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; kịp thời xem xét, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách giảm thuế, phí, lệ phí như đã thực hiện trong năm 2023 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Tiếp đó tại Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 05/6/2024 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024, Chính phủ cũng lại yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương "đề xuất Chính phủ xem xét, ban hành quy định về việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ".
Sau đó tại văn bản số 264/TB-VPCP ngày 19/06/2024 Thông báo Kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cho thấy, hầu hết các ý kiến tại cuộc họp thống nhất trình Chính phủ quy định việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thực hiện đúng theo Nghị quyết số 44/NQ-CP Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và thực hiện xây dựng Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn để bảo đảm tiến độ và hiệu quả chính sách".
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng tại cuộc họp, hoàn thiện hồ sơ Nghị định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước,trong đó lưu ý bổ sung nội dung phân tích, đánh giá tác động bảo đảm đầy đủ, toàn diện, nhất quán (tác động số thu ngân sách nhà nước, tác động đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, mức độ vi phạm cam kết, khả năng khiếu nại, khiếu kiện); báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2024.
Cũng tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ lại tiếp tục yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương "khẩn trương trình Chính phủ trước ngày 15/7/2024 xem xét, ban hành Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2024của Chính phủ, không để chậm trễ hơn nữa".
Tiếp đó, Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 21/7/2024, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính, triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất,giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, giảm phí, lệ phí đã được ban hành. Khẩn trương nghiên cứu tác động, hoàn thiện, đề xuất Chính phủ Nghị định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong tháng 7/2024".
Dù Chính phủ đã rất cấp tập trong việc thúc đẩy tiêu dùng, tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp khi mua xe trong điều kiện kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, từ đó tiếp sức cho sản xuất trong nước, góp phần ổn định công ăn việc làm cho người lao động nhưng tới nay mục tiêu này vẫn chưa được diễn ra.
Ưu đãi cho xe hybrid để giảm phát thải
Cũng trong sáng nay, 1/8, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) và Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) tổ chức Hội thảo về “Dự thảo Quy định sửa đổi về thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô: Tác động và kiến nghị”.
Bối cảnh được VAMA và Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG (KPMG) nghiên cứu và đề xuất thuế TTĐB liên quan tới ô tô hybrid và xe pickup chở hàng cabin kép là ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam đang ở trong giai đoạn chuyển giao quan trọng. Trên toàn thế giới, xu hướng điện khí hóa ngành ô tô đang ngày càng rõ rệt và Việt Nam không nằm ngoài xu thế này.
Các dòng xe hybrid xuất hiện ở Việt Nam ngày càng nhiều vì phù hợp với điều kiện hạ tầng hơn xe thuần điện |
Mặc dù tiềm năng tăng trưởng cho các dòng xe thân thiện với môi trường tại Việt Nam được củng cố bởi cam kết trong các thỏa thuận quốc tế về bảo vệ môi trường và phòng chống biến đổi khí hậu, song quá trình chuyển giao trong ngành ô tô vẫn đang gặp nhiều khó khăn, bao gồm sự suy giảm kinh tế sau đại dịch Covid-19, sự thiếu đồng bộ của cơ sở hạ tầng cũng như nguồn phát tải điện và sự cạnh tranh tiềm tàng từ các nhà sản xuất xe điện giá rẻ nước ngoài.
Trong bối cảnh thị trường ô tô đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các động thái điều chỉnh chính sách thuế phí đều có ý nghĩa rất quan trọng, tác động trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân và sự ổn định của kinh tế xã hội hướng tới sự phát triển bền vững.
Bởi vậy, Dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) cũng được VAMA e ngại có nhiều tác động nghiêm trọng tới hoạt động của ngành ô tô trong nước.
Theo PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, xe PHEV/HEV được đánh giá đem lại những tác động tích cực bảo vệ môi trường, giảm phát thải CO2, giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; khuyến khích, tăng đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ Hybrid, hạ tầng trạm sạc, đưa ra các thiết kế xe sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực một cách tương ứng; tạo ra các cơ hội để phát triển chuỗi giá trị của ngành.
Đối với xe pickup chở hàng cabin kép còn được gọi là xe tải nhẹ chở hàng cabin kép, các chuyên gia cũng cho rằng với tính năng cơ động, chủ yếu được sử dụng ngoài khu vực đô thị, tới những khu vực có địa hình hiểm trở, khó tiếp cận bởi ô tô con và ô tô tải lớn, với công dụng chính là vận tải hàng hóa, phục vụ các hoạt động chuyên chở cho kinh doanh vừa và nhỏ; và hoạt động công vụ của các cơ quan chức năng cũng cần được hỗ trợ.
Nghiên cứu của KPMG cũng cho thấy, những nền kinh tế có đặc điểm tương đồng và trình độ phát triển như Việt Nam (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Phillippines…), thị trường và nhu cầu ô tô như Việt Nam đều có những chính sách ưu đãi cho xe thân thiện môi trường và xe pickup chở hàng cabin kép trong giai đoạn chuyển đổi xanh, tạo ra lợi thế cạnh tranh khác biệt.
Trong khi đó, thuế suất thuế TTĐB hiện nay tại Việt Nam đối với xe pickup chở hàng cabin kép còn tương đối cao so với các nước trong khu vực; và cũng chưa có nhiều ưu đãi với xe PHEV và HEV
Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực trạng và tác động, VAMA và KPMG đã đưa ra kiến nghị đóng góp vào dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi. Cụ thể, kiến nghị áp dụng thuế TTĐB cho xe điện Hybrid tự sạc (HEV) bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe chạy bằng xăng, dầu cùng loại (hiện tại là 100%) và xe điện Hybrid sạc điện riêng (PHEV) là 50% mức thuế suất áp dụng cho xe chạy bằng xăng, dầu cùng loại (hiện tại là 70%).
Đồng thời kiến nghị giữ nguyên mức thuế suất thuế TTĐB như hiện nay đối với dòng xe pick-up chở hàng cabin kép (15%, 20% và 25% tùy dung tích xi lanh) thay vì 24%, 30% và 36% như trong Dự thảo thuế TTĐB hiện nay.