Doanh nghiệp hỗ trợ khách hàng để cứu mình
Theo thông tin mới nhất từ HQC, trong thời gian chờ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ người dân vay vốn mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ, từ ngày 1/11/2016, Công ty đã áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất nhằm tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng khi tham gia mua nhà ở xã hội tại các dự án do Công ty làm chủ đầu tư hoặc liên kết đầu tư.
Theo đó, khi khách hàng tham gia mua nhà ở xã hội tại các dự án do HQC đầu tư có nhu cầu vay vốn ngân hàng, sẽ được Công ty hỗ trợ phần lãi suất vượt quá tỷ lệ 6%/năm, với thời hạn tối đa không quá 15 năm. Ví dụ, nếu khách vay ngân hàng lãi suất 10%/năm, thì HQC hỗ trợ 4%/năm.
Chính sách hỗ trợ lãi suất được áp dụng cho tất cả các dự án nhà ở xã hội do công ty này triển khai, gồm HQC Plaza, HQC Hóc Môn, HOF-HQC Hồ Học Lãm, HQC Bình Trưng Đông, HQC An Phú Tây, HQC Bình Tân, HQC Bình Minh, HQC Cần Thơ, HQC Tân Hương, HQC Tây Ninh, HQC Phú Tài và các dự án nhà ở xã hội khác.
Theo ước tính, sẽ có trên 5.000 khách hàng của HQC được áp dụng hỗ trợ lãi suất với số tiền giải ngân hơn 2.000 tỷ đồng.
Theo ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT HQC, nếu Bộ Tài chính không cho hạch toán chi phí bù lãi suất này vào giá vốn, thì HQC chấp nhận giảm lãi, thay vì lãi 10% theo quy định, thì chỉ lãi 6%. Nhưng ông Tuấn hy vọng, sẽ có tin tốt về triển khai chính sách cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 trong tháng cuối năm nay và chính sách sẽ đi vào thực tế trong năm 2017. Khi đó, khách hàng sẽ tất toán hợp đồng vay thương mại, để chuyển qua vay theo cơ chế ưu đãi. HQC sẽ không phải kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất. Trước mắt, việc hỗ trợ lãi suất này sẽ giúp Công ty bổ sung nguồn vốn ổn định để đầu tư dự án đúng tiến độ, đồng thời, tạo điều kiện cho khách hàng giảm bớt nỗi lo tài chính khi sở hữu một căn hộ nhà ở xã hội với giá thành phù hợp.
Khó nhân rộng
Việc Hoàng Quân triển khai hỗ trợ lãi suất cho khách hàng trong thời gian chờ đợi ra mắt gói tín dụng hỗ trợ tiếp theo, trên thực tế, ở một góc độ nào đó, có thể coi là bắt buộc với đơn vị này, bởi nếu không, doanh nghiệp cũng không có đủ nguồn vốn để hoàn thành đồng loạt các dự án đúng tiến độ.
Bên cạnh đó, Hoàng Quân được biết đến là doanh nghiệp chuyên phát triển các dự án nhà ở xã hội quy mô lớn với danh mục 20 dự án đang được triển khai ở các tỉnh thành phía Nam, với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, cung ứng cho thị trường khoảng 20.000 căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2018.
Tại TP. HCM, HQC đã bàn giao và chuẩn bị khánh thành HQC Plaza (1.735 căn) trong quý IV/2016. Dự án nhà ở xã hội HQC Hóc Môn (562 căn) cũng đang được hoàn thiện và bàn giao đưa vào sử dụng. Dự án nhà ở xã hội HOF-HQC Hồ Học Lãm (718 căn) do Quỹ Phát triển Nhà ở TP.HCM hợp tác đầu tư cùng HQC thi công đúng kế hoạch, chuẩn bị cất nóc và dự kiến bàn giao từ quý II/2017.
Ở các tỉnh thành khác, nhà ở xã hội HQC Nha Trang (1.002 căn) đã hoàn thành cất nóc và đang được thi công hoàn thiện. Các dự án HQC Phú Tài, HQC Hàm Kiệm I, HQC Bình Minh, HQC Cần Thơ, HQC Tân Hương vẫn đang được thi công xây dựng theo tiến độ đề ra.
Thời điểm khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chưa bị dừng giải ngân, gói này chính là nguồn động lực và đóng góp không nhỏ vào doanh thu của Hoàng Quân. Tuy nhiên, khi gói tín dụng này tạm dừng giải ngân, ngay lập tức đã ảnh hưởng mạnh tới doanh nghiệp này, khi hầu hết khách hàng dừng lại quyết định mua nhà để nghe ngóng và chờ đợi quyết định sắp tới của các cơ quan quản lý liên quan đến gói tín dụng chuyển tiếp.
Do đó, việc triển khai chính sách hỗ trợ cho khách hàng phần nào sẽ giúp cho các dự án của doanh nghiệp tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng sẽ làm được như Hoàng Quân, đặc biệt là những dự án “trót lỡ” đổi sang nhà ở xã hội.
Tính đến hết năm 2016, Hà Nội có đến hơn 20 dự án nhà ở thương mại chuyển sang nhà xã hội. Một số dự án sau khi chuyển đổi đã đổi vận nhờ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, như Dự án 143 Trần Phú (quận Hà Đông) của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà, hay dự án số 30 Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Bắc Hà…
Trong giai đoạn khó khăn, việc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để hưởng các chính sách ưu đãi được coi là phao cứu sinh cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, thành công chỉ đến với các dự án mà chủ đầu tư tận dụng được chính sách hỗ trợ ưu đãi để đẩy nhanh triển khai dự án khi chính sách hỗ trợ còn hiệu lực, còn với các dự án mà chủ đầu tư triển khai ỳ ạch, đến khi gói 30.000 tỷ đồng không tiếp nhận khách mới và giải ngân sắp hết, cả chủ đầu tư và khách hàng đều bị mắc kẹt.
Chẳng hạn, tại Dự án nhà xã hội Bright City, huyện Hoài Đức của AZ Land. Dự án này nằm trong nhóm dự án đầu tiên được chuyển đổi, nhưng doanh nghiệp lại bị khách hàng khiếu nại và quá chậm trong khâu triển khai, khiến kế hoạch bán hàng bị trì hoãn. Đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, sau khi thông tin gói 30.000 tỷ đồng sắp hết hạn lan rộng, Dự án Bright City đã không thể tiếp tục bán căn hộ. Việc không bán được sản phẩm nên tiến độ Dự án Bright City hiện nay chững lại, khiến những khách hàng đã mua trước đó lo lắng.
Ông Đinh Thế Quỳnh, Phó giám đốc điều hành Sàn giao dịch Bất động sản Hải Phát cho biết, một trong những mối quan tâm hàng đầu của người mua nhà hiện nay là việc gói tín dụng chuyển tiếp sau gói 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thông tin hiện tại cho thấy, vẫn chưa có chính sách nào được ban hành. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai bán hàng đối với các sản phẩm thuộc phân khúc nhà ở xã hội.
"Bản thân quỹ nhà ở xã hội của chúng tôi hiện tại cũng còn khá nhiều căn sau khi gói 30.000 tỷ đồng giải ngân hết, bởi lẽ, trong các kế hoạch bán hàng của Công ty và kế hoạch mua nhà của người dân đều phụ thuộc vào gói tín dụng hỗ trợ này rất lớn. Thời gian qua, để hỗ trợ biện pháp bán hàng, Hải Phát đã phối hợp với một số ngân hàng để triển khai gói vay tín dụng hỗ trợ. Tuy nhiên, mức hỗ trợ lãi suất này chủ yếu mang tính ngắn hạn và hướng tới cho nhà thương mại giá bình dân hơn là nhà ở xã hội. Việc một số doanh nghiệp hỗ trợ lãi suất để đưa về tương đương lãi suất của gói 30.000 tỷ đồng đòi hỏi phải có tiềm lực tài chính rất lớn và không phải ai cũng làm được", ông Quỳnh đánh giá và cho biết thêm, mặc dù từ hồi tháng 8/2016, chương trình vay mua nhà ở xã hội lãi suất 4,8%/năm đã được Ngân hàng Chính sách triển khai, thế nhưng, tính tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa xây dựng được nguồn vốn giải ngân, nên việc bán nhà ở xã hội hiện nay vẫn bị “đóng băng”.
Trong một thông tin mới nhất, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển, quản lý nhà ở xã hội của Chính phủ đã quy định, 2 nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ là nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại và nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo đó, các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm cổ phần chi phối phải dành 3% tổng dư nợ của mình để cho vay mua bán nhà ở xã hội với các điều kiện ưu đãi. Nguồn vay thứ 2 được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện. Theo đó, ngân hàng này sử dụng nguồn vốn 50% từ ngân sách và 50% từ nguồn huy động để cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất tối đa 5%.
Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý rằng, ý kiến này đã được ông Nam đưa ra từ cách đây rất lâu, nhưng cho tới thời điểm này, theo nguồn tin của Đầu tư Bất động sản, gói thứ nhất hiện vẫn chưa được hình thành. Trong khi gói tín dụng thứ hai hiện nay vẫn đang ngập ngừng.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com