Mong ước của Agrimeco cũng là tâm tư của hàng triệu doanh nghiệp trên cả nước.
Trên thực tế, giảm lãi suất cũng là xu hướng chung của thế giới những năm gần đây. Đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều quốc gia thậm chí còn áp dụng lãi suất 0% để kích thích doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Với riêng Việt Nam, từ tháng 9/2019 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành. Hiện trần lãi suất cho vay với lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 5%/năm, lãi vay dài hạn khoảng 9 - 10%/năm.
Mức giảm lãi suất này, nếu so với cách đây 10 năm, thì đã giảm hơn một nửa, song so với kỳ vọng của doanh nghiệp, thì mức giảm lãi suất cho vay vẫn chưa nhiều. Dễ hiểu, bởi sức chống chịu cũng như khả năng sinh lời của doanh nghiệp đã yếu đi nhiều sau dịch.
Câu hỏi đặt ra là, giảm lãi vay có nằm trong tay ngân hàng? Tại sao không hạ thêm lãi suất huy động để hạ thêm lãi suất cho vay?
Câu hỏi tưởng dễ nhưng không đơn giản khi trả lời. Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú từng giãi bày, trong điều hành kinh tế kinh tế vĩ mô, điều hành lãi suất là khó nhất. Nói khó, bởi lãi suất phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như lạm phát, giá trị đồng tiền, tỷ giá hối đoái, mặt bằng giá cả hàng hóa…
Lạm phát 2 tháng gần đây hạ nhiệt, tỷ giá ổn định, giá cả hàng hóa, nhất là giá dầu- giảm rất mạnh… Chính vì vậy, NHNN đã tận dụng cơ hội để liên tiếp hai lần hạ lãi suất điều hành. Song, giảm lãi suất cũng chỉ đến mức độ nào đó. Khi lãi suất tiền gửi quá thấp, người dân sẽ không gửi tiền vào ngân hàng, thanh khoản của hệ thống sẽ rơi vào tình trạng báo động.
Trên thực tế, theo số liệu của Ngân hàng nhà nước, huy động vốn đầu vào của các ngân hàng trung bình đang ở mức 6-6,5%/năm. Ngân hàng chỉ là trung gian đứng giữa trung hòa lợi ích của cả người gửi lẫn người vay. Với giá vốn cao như vậy, việc đưa lãi suất cho vay về mức dưới 6,5- 7%/năm là rất khó.
Thiết lập mặt bằng lãi vay thấp là đòi hỏi chính đáng của doanh nghiệp. Bản thân các ngân hàng cũng mong muốn có một mặt bằng lãi suất thấp, ổn định. Lãi suất rẻ thì ngân hàng có điều kiện thúc đẩy tín dụng, tăng doanh thu. Trên thực tế, ngân hàng đã thực hiện hầu hết các giải pháp có thể tiến hành để hỗ trợ doanh nghiệp như giãn, hoãn nợ, giảm lãi vay, giảm phí…. Song thiết lập mặt bằng lãi vay mới như kỳ vọng của doanh nghiệp, thì không phải muốn là được.
Hơn nữa, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế, NHNN cũng không thể lơ là việc theo dõi sức khỏe, khả năng chịu đựng của các ngân hàng. Bởi nếu hy sinh lợi nhuận, cho vay vô tội vạ, thì nợ xấu sẽ tăng lên, bản thân các ngân hàng sẽ không còn đủ sức hỗ trợ nền kinh tế, thậm chí đẩy nền kinh tế vào bất ổn.
Chính vì vậy, mong mỏi nguồn vốn rẻ từ ngân hàng là đúng, nhưng doanh nghiệp cũng phải nhìn thẳng vào thực tế để tìm giải pháp cho chính mình. Mấu chốt với doanh nghiệp hiện nay là tìm phương án phục hồi khả thi. Nếu có dự án hiệu quả, thì chắc chắn, việc tiếp cận vốn ngân hàng sẽ không quá khó, lãi vay cũng sẽ không còn đắt đỏ như trước.
Nói như vậy không có nghĩa, dư địa giảm lãi vay đã hết. Nếu ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí, lạm phát thấp được duy trì, nền tảng vĩ mô ổn định… thì lãi suất có thể giảm thêm. NHNN cũng vẫn có thể tiếp sức cho ngân hàng thương mại giảm lãi vay bằng cách “bơm” thanh khoản, cho vay tái cấp vốn, tái chiết khấu với lãi suất thấp hoặc hạ mức dự trữ bắt buộc.
Thiết lập mặt bằng lãi vay mới đòi hỏi “thiên thời, địa lợi” cả trong nước cũng như quốc tế. Quả bóng lãi suất không hoàn toàn nằm trong chân ngân hàng.