Doanh nghiệp ngoại xây nhà máy chế biến cà phê

Doanh nghiệp ngoại xây nhà máy chế biến cà phê

0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu cà phê sang EU tận dụng khá hiệu quả Hiệp định EVFTA, với sản lượng và trị giá liên tục tăng. Không chỉ doanh nghiệp Việt, các doanh nghiệp ngoại cũng nhanh chóng đầu tư nhà máy để tận dụng cơ hội này.

Xuất khẩu cà phê tăng tốc

Từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (1/8/2020), ngành cà phê Việt Nam liên tục tăng tốc xuất khẩu sang EU. Để đón cơ hội này, một số doanh nghiệp ngoại đã đến Việt Nam đầu tư mở các nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu. Đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt khi phải cạnh tranh trực diện trong cùng một mặt hàng.

Mới đây nhất (hôm 29/9), 2 doanh nghiệp châu Âu là Louis Dreyfus Company (LDC) và Instanta Sp. z o.o. (Instanta) đưa vào hoạt động liên doanh ILD Coffee Việt Nam, với nhà máy chế biến cà phê có công suất 5.600 tấn/năm tại Bình Dương. Nhà máy ILD Coffee Việt Nam được trang bị công nghệ chiết xuất và sấy lạnh hiện đại nhất, đồng thời được chứng nhận an toàn thực phẩm FSSC 22000.

Đây là nhà máy đầu tiên được LDC và Instanta xây dựng tại Việt Nam phục vụ xuất khẩu, cung cấp các sản phẩm cà phê hòa tan đặc biệt, với công thức được điều chỉnh để phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng tại các thị trường châu Âu, cũng như các thị trường mới nổi ở châu Á.

Giám đốc ngành hàng cà phê toàn cầu của LDC, ông Ben Clarkson cho biết: "Liên doanh với Instanta sẽ hỗ trợ chiến lược đa dạng hóa toàn cầu của LDC qua việc cung cấp nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng hơn”.

Năm 2022 được xem là một năm thành công của ngành cà phê Việt Nam, khi sản lượng và giá bán đều đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, qua đó tiếp tục giữ vị thế số hai thế giới về xuất khẩu cà phê.

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, xuất khẩu cà phê đang tận dụng lợi thế từ hệ thống 15 FTA của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 4 tỷ USD. Với việc bắt tay các nhà cung cấp thiết bị châu Âu để đầu tư nhà máy chế biến sâu, dự kiến mặt hàng này sẽ có bước tăng tốc mạnh mẽ trong những năm tới.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 đạt 1,78 triệu tấn, trị giá 4 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 32% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu trung bình cả năm 2022 đạt 2.282 USD/tấn, tăng 16% so với năm 2021.

Xuất khẩu cà phê sang thị trường EU chiếm tỷ trọng lớn nhất, với gần 40% tổng lượng xuất khẩu trong năm 2022, đạt 1,49 tỷ USD, tăng khoảng 45% về trị giá so với năm 2021.

Từ kinh nghiệm đầu tư trong ngành cà phê và tận dụng các FTA để xuất khẩu, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group cho biết, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, tham gia nhiều FTA, buộc doanh nghiệp phải thay đổi nhiều, từ tư duy đầu tư, sản xuất, đến quản lý để cạnh tranh với các doanh nghiệp toàn cầu vào Việt Nam lập nhà máy sản xuất.

Chiến lược của Phúc Sinh đầu tư mạnh vào chế biến sâu nông sản, nhất là với cà phê, hồ tiêu. Hiện, doanh nghiệp này đang đầu tư một dây chuyền chế biến sâu gia vị để có thể làm các sản phẩm nghiền, các sản phẩm rang xay cũng như hòa tan, tận dụng thuế 0% theo EVFTA.

Với cách đi này, doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi khi đàm phán với nhà nhập khẩu, tỷ lệ mà Phúc Sinh bán hàng thành phẩm, bán hàng chế biến sâu sang thị trường châu Âu đã tăng từ 8% lên 22% trong vòng 3 năm gần đây.

Tăng kết nối với doanh nghiệp EU

Lĩnh vực chế biến cà phê đang nhập khẩu và sử dụng nhiều máy móc, thiết bị từ EU. Đây được xem là “chìa khóa” để sản phẩm thuận đường chinh phục thị trường 500 triệu dân với mức tiêu thụ cao này.

Ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán kinh tế thương mại Chính phủ gia nhập WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cho hay: “Hợp tác trong ngành cà phê giữa doanh nghiệp EU và Việt Nam đã có từ lâu, nhưng doanh nghiệp EU chủ yếu là mua cà phê nhân chưa qua chế biến và bảo hộ phần chế biến”.

Khi EVFTA thực thi, thuế đối với cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các sản phẩm khác của cà phê xuống đến 0%, tạo điều kiện nâng cao giá trị của cà phê Việt Nam.

“Trước kia, hầu như chúng ta bán cà phê nhân là chủ yếu. Nhưng khi Việt Nam có tới 15 FTA thực thi, thuế của cả cà phê rang xay và cà phê hòa tan tại nhiều nước chỉ còn 0 - 5%, riêng EVFTA cam kết bỏ thuế cho tất cả các sản phẩm cà phê xuống 0%, là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam”, ông Tự nói.

Điều đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư nhà máy chế biến để nâng giá trị gia tăng của cà phê.

“Chúng tôi nhập khẩu các máy móc của EU để chế biến, sản xuất và xuất khẩu ngược lại sản phẩm sang EU. Khi sử dụng máy móc, thương hiệu từ EU, thì dường như các công ty của Đức, Thụy Sỹ, Hà Lan, Italia, Pháp, Áo… dễ chấp nhận mình hơn”, ông Phan Minh Thông chia sẻ.

Tập đoàn Intimex cũng bắt tay các doanh nghiệp EU để liên kết chế biến, sản xuất và xuất khẩu sản phẩm sang EU. Điều này giúp mang lại những lợi ích hai chiều cho doanh nghiệp.

Bên cạnh 13 nhà máy chế biến cà phê nhân ở những vùng nguyên liệu cà phê trọng điểm, Intimex hiện sở hữu nhà máy chế biến cà phê hòa tan Intimex Bình Dương, được đầu tư xây dựng trên dây chuyền công nghệ tiên tiến của Tập đoàn GEA Niro (Đan Mạch), với công suất 550 kg/giờ, ước đạt 4.000 tấn cà phê hòa tan/năm. Intimex sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, kết hợp với các nhà cung cấp thiết bị tiên tiến của EU để lắp đặt cho mỗi dự án, mục tiêu đến năm 2025, đạt công suất 20.000 tấn/năm.

Trong khi đó, “ông lớn” ngành cà phê là Nestlé cũng cam kết tiếp tục bơm vốn mở rộng sản xuất, nhất là với dự án nâng gấp đôi công suất của nhà máy cà phê hòa tan phục vụ xuất khẩu.

Tin bài liên quan