Doanh nghiệp ngoại mạnh tay đổ vốn vào Việt Nam

Doanh nghiệp ngoại mạnh tay đổ vốn vào Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Niềm tin kinh doanh được cải thiện vẫn là điểm sáng lớn nhất trong bức tranh thu hút đầu tư của Việt Nam.

Lạc quan về triển vọng dài hạn

“Chỉ số niềm tin được cải thiện khẳng định sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam. Những nỗ lực liên tục nhằm nâng cao sự ổn định và khả năng dự đoán sẽ tăng cường hơn nữa khả năng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam và phát huy hết tiềm năng của mình”. Nhận xét trên được Chủ tịch EuroCham, ông Dominik Meichle nêu ra tại báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh quý I/2024, do EuroCham phát hành ngày 8/4 vừa qua.

Theo đó, Chỉ số niềm tin trong quý I/2024 theo khảo sát đạt 52,8% - mức cao nhất kể từ năm 2022. Một điểm quan trọng được EuroCham nhấn mạnh là sự lạc quan đang gia tăng. Cụ thể, hơn một nửa số người được hỏi dự đoán số lượng đơn đặt hàng và doanh thu sẽ cao hơn trong quý II/2024; 40% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng lực lượng lao động trong quý II. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm chi tiêu trong quý tới, hiện chỉ còn 15% so với 23% trước đó, cho thấy niềm tin đầu tư đã tăng lên.

“Nhìn về lâu dài, sự lạc quan này càng được củng cố, với 71% doanh nghiệp cảm thấy tích cực về triển vọng dài hạn của họ tại Việt Nam trong 5 năm tới”, ông Dominik Meichle nhấn mạnh.

Những năm gần đây, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam. Kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho đến nay, tổng vốn đầu tư FDI từ nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh từ 20,3 tỷ USD lên trên 473 tỷ USD, với hơn 39.000 dự án đầu tư đang triển khai trên cả nước. Trong tổng số nguồn vốn FDI đến từ 144 quốc gia, vùng lãnh thổ, Hàn Quốc là quốc gia đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 85 tỷ USD. Tiếp theo là Nhật Bản, với tổng số vốn đầu tư hơn 75 tỷ USD và Trung Quốc, với khoảng 27 tỷ USD vốn đầu tư.

Việt Nam tham gia và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã và đang mở ra các cơ hội tiếp cận với hầu hết các thị trường lớn trên thế giới cho các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam. Tính đến nay, tỷ trọng xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 75% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, sự chuyển dịch đầu tư, sản xuất cùng với công nghệ tiên tiến và quản lý hiện đại của các tập đoàn đa quốc đến Việt Nam trong thời gian qua đã và đang góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam; góp phần giúp Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới hiệu quả và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

Dòng vốn ngoại sẽ còn tìm đến

Tại Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ xúc tiến đầu tư cho các địa phương và khu công nghiệp Việt Nam, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết, trong 7 năm liên tiếp (2017 – 2023), các doanh nghiệp Nhật Bản xếp Việt Nam vào vị trí thứ 2 trong danh sách các khu vực ưu tiên mở rộng đầu tư.

Trong 2 năm tới, Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản (với 56,7% số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng đầu tư), vượt xa mức trung bình tại thị trường ASEAN (47,5%), châu Á - Thái Bình Dương (45,5%).

Đáng lưu ý, tỷ lệ mở rộng đầu tư trong nhóm doanh nghiệp ngành sản xuất - chế tạo chiếm 47,1%; ngành phi sản xuất - chế tạo là 65,5%. Không chỉ cam kết đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, nhà đầu tư Nhật Bản còn tích cực trong việc tham gia vào công tác phát triển bền vững, góp phần vào việc thực thi cam kết Net Zero của Việt Nam, hiện có tới hơn 70% doanh nghiệp đang triển khai/lên kế hoạch cho các sáng kiến khử các-bon.

Tuy vậy, ông Takeo Nakajima cũng cho biết, hiện tại, dù đánh giá cao môi trường đầu tư Việt Nam nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản cũng gặp phải nhiều thách thức, ví dụ cơ sở hạ tầng kém phát triển và chi phí gia tăng đối với linh kiện, vật liệu, vận chuyển, năng lượng và điện. Một vấn đề khác cũng đã được đề cập đến nhiều là thủ tục và quy định hành chính, như thủ tục giấy phép phức tạp (xây dựng, đầu tư, VISA), thuế và thủ tục hải quan (xuất nhập khẩu). Ngoài ra, nhiều tồn tại như chất lượng nguồn nhân lực, biến động về năng lượng/điện và mức độ mua sắm nội địa thấp.

Đánh giá cao cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam, ông Tim Koo, người sáng lập, CEO Tập đoàn Normsun cho biết, thời gian tới, tập đoàn của ông sẽ thiết lập quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn, thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông vào thị trường Việt Nam.

CEO Tập đoàn Normsun kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với nhà đầu tư Trung Quốc. Tương tự, với Hồng Kông (Trung Quốc), Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 7, thương mại song phương đạt khoảng 11,24 tỷ USD (năm 2023). Tỷ lệ tăng trưởng thương mại song phương đạt khoảng 10%/năm, tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực.

Ông Tim Koo khuyến nghị, để có thể thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Việt Nam cần tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận thị trường dễ dàng hơn, cùng với đó là giảm rào cản thương mại, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư từ cả hai phía.

Còn theo đại diện Bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc (Ban KOREA DESK), tính lũy kế, Hàn Quốc là nhà đầu tư FDI số 1 tại Việt Nam (chiếm 25,2% tổng số dự án FDI vào Việt Nam và chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư đăng ký). Trong các dự án FDI từ Hàn Quốc, lĩnh vực đầu tư lớn nhất là sản xuất (60,3%); kinh doanh bất động sản (14,5%); sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa (8,6%) và các lĩnh vực khác (16,6%).

Để thu hút tốt hơn dòng vốn FDI từ Hàn Quốc, đại diện KOREA DESK cho rằng, Việt Nam cần triển khai đồng thời nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào “chiến lược xây dựng mạng lưới”, “tăng cường quan hệ công chúng”. Trong đó, “chiến lược xây dựng mạng lưới” tập trung vào các nội dung chính như tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, giới thiệu sản phẩm, lĩnh vực kêu gọi đầu tư, tổ chức các hội nghị, hội thảo gặp gỡ nhà đầu tư, cung cấp các thông tin về pháp lý, ưu đãi đầu tư…

Còn với “chiến lược tăng cường quan hệ công chúng”, đại diện KOREA DESK nhấn mạnh đến một số điểm “tưởng nhẹ, mà nặng”, đó là tìm hiểu văn hoá và kinh doanh Hàn Quốc (những điểm tương đồng/khác biệt; phong tục/nghi thức kinh doanh), nắm bắt để hiểu được vì sao doanh nghiệp Hàn Quốc muốn kinh doanh tại Việt Nam, tuyển dụng các nhân sự thành thạo tiếng Hàn để phục vụ công việc…

Quay trở lại với góc nhìn từ phía cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, Chủ tịch EuroCham Dominik Meichle cho rằng, vẫn còn đó một số điểm vướng mắc, cản trở bước chân đầu tư của doanh nghiệp châu Âu, ví dụ các quy định không rõ ràng, các khó khăn trong việc xin giấy phép đầu tư – kinh doanh, thị thực làm việc…

Theo ông Dominik Meichle, có tới 37% nhà đầu tư kêu gọi các thủ tục hợp lý để dễ dàng gia nhập thị trường và giảm bớt quan liêu; 34% nhà đầu tư muốn minh bạch hơn về pháp lý, nhấn mạnh luật pháp cần rõ ràng và nhất quán để tạo ra môi trường đầu tư có thể dự đoán được; 25% nhà đầu tư muốn cải thiện cơ sở hạ tầng; 28% nhà đầu tư ủng hộ việc cải thiện đường sá, bến cảng và cầu để hỗ trợ thương mại và hậu cần.

Tin bài liên quan