Doanh nghiệp ngành xây dựng sẽ có triển vọng tốt

Doanh nghiệp ngành xây dựng sẽ có triển vọng tốt

(ĐTCK) Tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng có sự tương quan cao với tình hình thị trường bất động sản (BĐS). Ngành xây dựng được dự báo vẫn tăng trưởng khá, với mức tăng khoảng 6,5% trong năm nay.

Triển vọng ngành xây dựng

Giai đoạn 2008 - 2012, sự sụt giảm của ngành BĐS đã tác động mạnh đến ngành xây dựng. Đến năm 2013, ngành xây dựng đã có những dấu hiệu hồi phục với tốc độ vừa phải nhờ những hỗ trợ từ lãi suất, các gói tín dụng cho thị trường BĐS và dòng vốn FDI tăng mạnh. Năm 2014 được xem là năm khởi đầu chu kỳ tăng trưởng mới đối với ngành xây dựng. Theo báo cáo của BMI, giá trị xây dựng toàn ngành đạt 211.200 tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2013. Ba nguyên nhân chính giải thích cho sự tăng trưởng của ngành xây dựng là: (1) sự tập trung đầu từ hạ tầng của Chính phủ; (2) BĐS phục hồi; (3) dòng vốn FDI tiếp tục tăng ở mức tích cực.

Doanh nghiệp ngành xây dựng sẽ có triển vọng tốt ảnh 1

Trong năm 2015, động lực cho sự tăng trưởng của thị trường xây dựng cũng sẽ không nằm ngoài những yếu tố trên. Tuy nhiên, có những nhân tố mới được kỳ vọng có tác động tích cực đến ngành xây dựng và ngành này được dự báo tăng trưởng 6,5% trong năm nay.

Doanh nghiệp ngành xây dựng sẽ có triển vọng tốt ảnh 2

Cụ thể, một số cải tiến trong chính sách của Nhà nước có tác động tích cực đến ngành xây dựng. Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định, nhà thầu ngoại phải liên doanh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam không thấp hơn 30% giá trị gói thầu về tư vấn, xây dựng và hỗn hợp. Điều này hứa hẹn cải thiện khả năng cạnh tranh của nhà thầu trong nước cũng như tăng tính minh bạch trong đấu thầu dự án. Các công ty xây dựng trong nước có nhiều cơ hội tham gia vào các dự án do Nhà nước đầu tư.


Doanh nghiệp ngành xây dựng sẽ có triển vọng tốt ảnh 3

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 sẽ nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, khắc phục tình trạng nợ đọng và tăng tính minh bạch trong phân bổ nguồn lực Nhà nước. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số nợ xây dựng cơ bản cả nước 6 tháng/2014 là 44.590 tỷ đồng, giảm 23% so với năm 2013. Việc tạo ra cơ chế để giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản sẽ giải quyết được vấn đề dòng tiền cho không ít doanh nghiệp.

Doanh nghiệp ngành xây dựng sẽ có triển vọng tốt ảnh 4

Đặc biệt, ngày 14/2/2015, Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) chính thức được ban hành, nhiều doanh nghiệp xây dựng hạ tầng hồ hởi đón nhận. Trong năm 2014, tổng mức đầu tư các dự án huy động vốn ngoài ngân sách Nhà nước đạt 178.165 tỷ đồng với 65 dự án được đầu tư, trong đó Bộ Giao thông Vận tải đã huy động được 39.077 tỷ đồng cho 19 dự án theo hình thức BOT, vượt 22% kế hoạch năm.

Nghị định 15/2015/NĐ-CP quy định về các điều khoản hợp tác, cơ chế thực hiện dự án rõ ràng, thông thoáng, nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và cung cấp dịch vụ công. Qua đó, các chính sách này được xem là động lực tăng trưởng quan trọng đối với ngành xây dựng trong năm 2015.

Doanh nghiệp ngành xây dựng sẽ có triển vọng tốt ảnh 5

Với vai trò là ngành tạo cầu cho ngành xây dựng, BĐS đang có nhiều yếu tố thuận lợi sẽ tác động tích cực đến giá trị xây dựng dân dụng. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2014, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 102 dự án nhà ở xã hội với gần 40.000 căn hộ. Tổng diện tích sàn nhà ở toàn quốc tăng thêm 92 triệu m2; diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 20,6 m2 sàn/người, tăng 1 m2 sàn/người so với năm 2013.

Với các chính sách hỗ trợ thị trường BĐS như cho phép nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam, nới lỏng điều kiện tham gia gói tín dụng 30.000 tỷ đồng và giảm tỷ lệ rủi ro cho vay BĐS, sức tiêu thụ BĐS có sự cải thiện đáng kể.

Trong năm 2014, TP. HCM đã bán được khoảng 17.000 căn hộ, con số cao nhất trong lịch sử, còn Hà Nội có được con số tiêu thụ cao nhất trong vòng 3 năm, khoảng 10.700 căn hộ (theo CBRE). Qua đó, dòng tiền thu vào của các chủ đầu tư cũng được cải thiện, gián tiếp giúp khoản phải thu trên bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp xây dựng “đẹp” hơn.

Doanh nghiệp ngành xây dựng sẽ có triển vọng tốt ảnh 6

Năm 2015, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp và nhu cầu có dấu hiệu cải thiện, số lượng dự án được khởi động lại hoặc khởi công mới sẽ tiếp tục gia tăng. Theo kế hoạch của Bộ Xây dựng, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc năm nay đạt khoảng 21,5 m2 sàn/người, tăng 1 m2 sàn/người so với năm 2014. Giá trị hợp đồng xây dựng và theo đó là doanh thu cho các công ty xây dựng có thể tăng trưởng khá.

Đáng chú ý, nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng trong năm 2015 được dự báo tiếp tục tăng mạnh. Trong đó, Chính phủ sẽ tập trung phân bổ vốn cho các dự án trọng điểm như đường sắt, cảng hàng không, qua đó tác động tích cực đến ngành xây dựng.

Ngoài ra, dòng vốn FDI vào ngành sản xuất sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng của mảng xây dựng công nghiệp. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2014, dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam bằng 93,5% so với 2013 và tăng 19% so với kế hoạch (17 tỷ USD). Gần 80% dòng vốn FDI trong năm 2014 chảy vào ngành xây dựng, BĐS và sản xuất. Chúng tôi dự báo, vốn FDI đăng ký năm 2015 sẽ tương đương năm 2014, khoảng 20 tỷ USD và có thể giải ngân ở mức 15 tỷ USD.

Trong năm 2015, nhu cầu xây dựng nhà xưởng để sản xuất sẽ tiếp tục gia tăng. Một số dự án lớn đã được cấp phép trong tháng 1 như Dự án Công ty TNHH Worldon (300 triệu USD) tại TP. HCM; Dự án Công ty TNHH Regina Miracle International tại Hải Phòng (90 triệu USD), Dự án Công ty TNHH Taekwang MTC tại Đồng Nai (43,2 triệu USD). Bên cạnh đó, xu hướng mở rộng diện tích kho bãi cho thuê của các doanh nghiệp logistics trong nước cũng sẽ là một điểm cộng đối với triển vọng tăng trưởng ngành xây dựng.

Chọn lọc doanh nghiệp

Với các yếu tố được nêu ở trên, RongVietReasearch tin tưởng rằng, các doanh nghiệp ngành xây dựng sẽ có sự cải thiện về kết quả kinh doanh.

Cụ thể, các công ty xây dựng hạ tầng có nhiều dự án trong tay và vốn lớn sẽ có được lợi thế nhất định trên thị trường. Ở khía cạnh khác, những công ty có quy mô vốn trung bình, nhưng có thế mạnh riêng, đặc biệt trong từng lĩnh vực cụ thể cũng có thể gặt hái được kết quả kinh doanh tốt trong năm nay. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên kết hợp cân nhắc các yếu tố về sức khỏe tài chính như tỷ lệ vay nợ và chất lượng các khoản phải thu của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan