Doanh nghiệp ngành vật liệu đã dễ thở hơn

Doanh nghiệp ngành vật liệu đã dễ thở hơn

(ĐTCK) Tuy thị trường chung còn gặp khó khăn, nhưng trong quý I/2013, những “đốm sáng” đã xuất hiện nhiều hơn trong ngành vật liệu xây dựng.

“Mức tiêu thụ trong quý I/2013 tương đối khả quan”

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư thương mại SMC (SMC)

Tính đến hết quý I/2013, lượng hàng tồn kho tại SMC ước khoảng 26.000 - 27.000 tấn, con số này tương đương với quý I/2012. Tôi cho rằng, không chỉ SMC, mà rất nhiều doanh nghiệp thép thường ít duy trì lượng hàng tồn kho lớn, bởi sẽ rất rủi ro ghi giá thép giảm. Giá thép đầu năm tăng và mức tiêu thụ của Công ty trong quý I/2013 cũng rất tốt, giúp Công ty đạt kết quả khả quan trong quý I/2013. Cụ thể, Công ty đạt 50 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành trên 70% so với kế hoạch.

Đối với hoạt động tiêu thụ, hiện SMC vẫn duy trì mảng gia công thép tấm, thép lá nhằm hỗ trợ khi kinh doanh thép xây dựng khó khăn. Hiện SMC cũng đang gấp rút chuẩn bị kế hoạch cho việc đầu tư xây dựng thêm nhà máy thép tấm cán nóng tại Khu công nghiệp Tân Tạo (TP. HCM) với tổng mức đầu tư theo dự toán là 170 tỷ đồng.

 

“Ít bị ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản”

Bà Nguyễn Thị Tảo, Phó tổng giám đốc VICEM Hoàng Thạch

Tiêu thụ đã tăng trở lại trong nửa cuối tháng 3 và tuần đầu tháng 4. Kết thúc quý I/2013, tổng sản lượng tiêu thụ của Hoàng Thạch khoảng 1,06 triệu tấn, đạt 138% kế hoạch, tiêu thụ xi măng tăng 4% so với cùng kỳ. Mặc dù thị trường bất động sản chưa hồi phục, nhưng Xi măng Hoàng Thạch chủ yếu tiêu thụ trong dân, nên bị ảnh hưởng ít hơn các công ty khác. Theo quan sát của chúng tôi, xây dựng trong dân đã bắt đầu có tín hiệu tốt, mùa xây dựng năm nay cũng đến sớm hơn so với mọi năm khoảng nửa tháng (thông thường thì vào tháng 4). Hiện Công ty không có hàng tồn kho và đang tiêu thụ mạnh.

 

“Sản xuất vượt công suất thiết kế”

Ông Hoàng Xuân Vịnh, Tổng giám đốc Công ty Xi măng Cẩm Phả

Trong quý I/2013, Xi măng Cẩm Phả tiêu thụ 618.000 tấn sản phẩm, sản xuất vượt công suất thiết kế. Bình quân mỗi năm, Xi măng Cẩm Phả xuất khẩu khoảng 35% sản lượng, nhưng trong 618.000 tấn của quý I/2013, có gần 50% sản lượng là xuất khẩu. Tiêu thụ xi măng cho các công trình lớn cũng tăng lên, trong đó xi măng rời đạt khoảng 35%.

Hiện Tổng công ty Vinaconex vẫn đang thu xếp trả nợ đầu tư giúp Xi măng Cẩm Phả, nên chi phí lãi vay giảm, giúp sản xuất - kinh doanh của Công ty tốt hơn. Dù chưa có kết quả cuối cùng, nhưng quý I/2013, Công ty ước lãi khoảng 20 - 30 tỷ đồng.

 

“Tiêu thụ xi măng của VICEM đã tăng trở lại””

Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM)

Việc ngân hàng hạ lãi suất, cùng với thị trường xây dựng có dấu hiệu ấm lên, giúp tiêu thụ xi măng của VICEM đã tăng trở lại trong mấy tuần vừa qua. Quý I/2013, VICEM tiêu thụ 4,914 triệu tấn sản phẩm, tăng 19,2% so với kế hoạch đề ra, nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ. Dù thấp hơn cùng kỳ, nhưng tăng hơn kế hoạch là tín hiệu đáng mừng. Để tránh tồn kho, ngay từ trước Tết, chúng tôi đã tính toán đầu ra sản phẩm và điều tiết sản xuất, nên hiện lượng hàng còn trong kho đều thấp hơn mức cho phép. Thậm chí, một số công ty bán hết hàng. Tuy nhiên, chưa kịp mừng thì xăng dầu tăng giá, trong khi giá bán không tăng, nên đẩy chi phí vận tải lên cao.

 

“Doanh nghiệp thép vẫn chưa hết khó khăn”

Ông Nguyễn tiến nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam

Trong quý I/2013, lượng tiêu thụ thép tiếp tục giảm 3,26% so với cùng kỳ năm 2012. Điều này khiến cho một số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, số khác sản xuất cầm chừng. Nguyên nhân chính vẫn là do thị trường bất động sản còn “đóng băng”, trong khi các doanh nghiệp còn chịu sức ép từ thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.  Ngoài ra, đầu vào cho sản xuất thép như xăng, dầu và sắp tới là giá điện tăng, nhưng giá bán đầu ra sản phẩm thép vẫn không tăng cũng khiến doanh nghiệp khó khăn hơn.