Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại SMC cho biết, năm 2017, Công ty đặt ra kế hoạch lợi nhuận ban đầu là 70 tỷ đồng, nhưng chỉ riêng quý I, ước tính lợi nhuận đã đạt 60 - 70 tỷ đồng, bởi giá thép tăng lên, SMC được hưởng lợi nhờ hàng tồn kho lớn. Do đó, Công ty có thể phải xây dựng kế hoạch mới với mức lợi nhuận là 140 tỷ đồng.
“Nhìn chung, các doanh nghiệp ngành thép đều có kết quả kinh doanh tốt trong quý I, dự kiến là tình hình quý II cũng khả quan”, ông Anh nói.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (DTL) cho biết, tại thị trường trong nước, giá thép cán nóng đã tăng lên 50 USD/tấn kể từ đầu năm. Nhờ tiêu thụ được lượng hàng tồn kho giá thấp nên ước tính quý I/2017, DTL thu lời khoảng 150 tỷ đồng.
“Trước đó, chúng tôi đặt kế hoạch lợi nhuận 200 tỷ đồng cả năm nhưng với kết quả quý I như trên, nhiều khả năng Công ty có thể điều chỉnh kế hoạch tăng lên”, ông Nghĩa nói.
Đối với Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH), doanh nghiệp sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 10/3 tới đây, dự kiến trình thông qua kế hoạch doanh thu 4.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 265,32 tỷ đồng. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT TLH chia sẻ: “Tình hình ngành thép rất ổn, tôi chưa nhận thấy có diễn biến nào tiêu cực. Trong quý I, Công ty có thể thu lợi nhuận khoảng 100 tỷ đồng”.
Như vậy, tính tới thời điểm này, không chỉ “ông lớn” Hòa Phát điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng, mà hầu hết các doanh nghiệp ngành thép đều điều chỉnh tăng kế hoạch dự kiến. Riêng Hòa Phát, ngay từ thời điểm Tập đoàn này công bố lợi nhuận năm 2017 dự kiến ở mức 5.000 tỷ đồng, các công ty chứng khoán đã dự báo con số này có thể đạt tới 6.600 tỷ đồng, không thua kém năm ngoái.
Một tên tuổi nổi tiếng khác là Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng dự kiến lợi nhuận quý đầu năm 2017, đồng thời là quý 2 niên độ tài chính của HSG, rất khả quan. Nếu như quý trước đó, HSG ghi lợi nhuận 400 tỷ đồng thì trong quý này, Công ty có thể đạt cao hơn mức bình quân hàng quý theo kế hoạch lợi nhuận là 1.600 tỷ đồng/năm.
Theo các doanh nghiệp ngành thép, giá thép tăng ở hầu hết các thị trường trong khu vực. Tại Trung Quốc, do chính sách cắt giảm sản lượng, xu hướng đóng cửa một số nhà máy để bảo vệ môi trường và một số nhà máy phá sản nên lượng cung giảm mạnh, giúp giá thép cán nóng tăng khá cao, cùng với các mặt hàng như tôn kẽm, tôn màu.
Đối với thị trường xuất khẩu, do hầu hết các thị trường trong khu vực đều đã áp thuế phá giá với mặt hàng tôn thép nhập khẩu từ Việt Nam, nên nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng qua các thị trường mới như châu Âu, Bangladesh, Ấn Độ. Các thị trường này đều áp thuế chống phá giá với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nên tạo cơ hội tốt cho tôn thép nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp chuyển sang nhập khẩu thép cán nóng từ Ấn Độ, với mức giá rẻ hơn giá nhập từ Trung Quốc, giúp chi phí đầu vào giảm xuống.
Tuy nhiên, một bất cập tại thị trường nội địa là mặt hàng thép xây dựng đã được áp thuế tự vệ thương mại, nhưng mặt hàng tôn mạ vẫn đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ hàng Trung Quốc, do thuế nhập khẩu bằng 0. Lượng tôn màu sản xuất trong nước chỉ chiếm 44% thị phần do lượng hàng nhập từ Trung Quốc đã tăng 4 lần trong năm vừa qua. Hiện tại, hầu hết các tên tuổi doanh nghiệp lớn trong nước như Hoa Sen, Nam Kim, Pomina, Đông Á, Hòa Phát đều có kế hoạch đầu tư nâng công suất tôn thép, khiến mức độ cạnh tranh trên thị trường thời gian tới sẽ càng khốc liệt hơn.
Nhìn chung, năm 2017, ngành thép Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng khoảng 12% so với năm 2016. Cùng với đó, giá thép sẽ theo xu hướng đi lên bởi giá nguyên liệu ở mức cao, chi phí sản xuất của toàn thị trường gia tăng.
Theo các doanh nghiệp ngành thép, diễn biến giá nguyên liệu rất phức tạp, khiến việc quản trị hàng tồn kho để giảm thiểu chi phí đầu vào gặp nhiều thử thách. Nhưng dù sao, các doanh nghiệp sẽ “sống khỏe” hơn trong môi trường giá lên so với khi giá đi xuống.