Hướng về sân nhà đang là chiến lược được nhiều doanh nghiệp gỗ nội thất Việt Nam hướng tới

Hướng về sân nhà đang là chiến lược được nhiều doanh nghiệp gỗ nội thất Việt Nam hướng tới

Doanh nghiệp ngành gỗ nội thất: Khó chồng khó

(ĐTCK) Đang gặp không ít khó khăn do thị trường địa ốc chững lại, ngành sản xuất gỗ nội thất Việt Nam lại thêm điêu đứng khi nguồn cung ứng chính từ Trung Quốc bị gián đoạn do dịch Covid-19.

Gián đoạn nguồn cung nguyên liệu

Việc thị trường bất động sản gặp khó khăn đã kéo theo nhiều ngành nghề ăn theo khác bị vạ lây, trong đó có mặt hàng nội thất. Khi khó khăn cũ chưa qua, thị trường lại chịu thêm những khó khăn mới là ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá, xuất xứ thương mại từ Mỹ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diên Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, trong năm 2020, thị trường thế giới có nhiều biến động. Dịch viêm phổi cấp bùng phát vào tháng 12/2019 tại Vũ Hán (Trung Quốc), hiện đã lây lan rộng ra hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ và chưa biết khi nào kết thúc. Thị trường bất động sản dự báo tiếp tục gặp khó và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn kéo dài. Tất cả các yếu tố này đang và sẽ tiếp tục có những tác động lớn đối với ngành gỗ Việt Nam - một ngành có độ mở rất lớn.

Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu khá lớn nguyên vật liệu gỗ từ Trung Quốc, trong đó các loại ván là nhóm mặt hàng quan trọng nhất với giá trị kim ngạch nhập khẩu năm 2019 đạt 395,5 triệu USD, chiếm 60% trong tổng kim ngạch tất cả các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc vào Việt Nam trong cùng năm.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nguồn cung phụ kiện quan trọng cho ngành gỗ nội thất Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt phụ thuộc nhiều vào các mặt hàng như dây đai, phụ kiện, thanh trượt, bản lề, sơn, hóa chất và một số mặt hàng kim loại khác từ Trung Quốc.

Dịch viên phổi cấp đã làm cho nguồn cung này bị gián đoạn. Lượng hàng đã nhập trước đó có thể giúp doanh nghiệp Việt đủ nguyên liệu từ 1 - 2 tháng nữa. Hết giai đoạn này, nếu dịch chưa dừng lại, các doanh nghiệp sản xuất gỗ Việt Nam phải tìm nguồn thay thế, nếu không sẽ phải dừng sản xuất.

Bên cạnh đó, hiện có nhiều doanh nghiệp gỗ đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam, dịch bệnh cũng khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, kỹ sư người Trung Quốc chưa thể quay lại làm việc sau khi về nghỉ Tết, khiến các nhà máy này dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Chỉ tính riêng từ năm 2014 đến nay, có 184 doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư nhà máy sản xuất gỗ tại Việt Nam. Riêng năm 2019 có 93 doanh nghiệp Trung Quốc tham gia xuất khẩu các mặt hàng gỗ từ Việt Nam.

Cũng theo đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Chính phủ Mỹ vào đầu tháng 2 vừa qua đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đang phát triển, không được hưởng những ưu đãi của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Điều này có thể tác động đến việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Mỹ nói chung và mặt hàng gỗ nội thất nói riêng.

Doanh nghiệp ngành gỗ nội thất: Khó chồng khó ảnh 1

Ngành gỗ nội thất Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Woodsland cho biết: “Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đến với các doanh nghiệp gỗ có nhiều dạng khác nhau. Có doanh nghiệp thì không có nguồn nguyên liệu sản xuất, có doanh nghiệp lại không có chuyên gia công nghệ… Với Woodsland, ảnh hướng lớn nhất là nguồn cung vật tư không về kịp thời từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Bên cạnh đó, lượng xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng, đơn cử như hiện chúng tôi đang có 15 container hàng hóa khoảng 700.000 USD chưa được xuất đi. Việc này ảnh hưởng lớn đến uy tín giao hàng của Công ty. Bên cạnh đó, hàng tồn kho lớn sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền trả ngân hàng, lương công nhân…”.

Tương tự, đại diện Công ty cổ phần Gỗ An Cường cũng cho biết: “Dịch Covid-19 tác động rất lớn đến doanh nghiệp gỗ nội thất Việt Nam. Chúng tôi bị ảnh hưởng cả nguồn nguyên liệu và nguồn xuất khẩu. Ngay cả những showroom lớn của chúng tôi, khách hàng cũng vắng vẻ”.

Cùng nỗi lo này, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt cho biết: “Dịch Covid-19 tác động đến ngành gỗ rất nhiều. Vì sản phẩm gỗ cấu thành từ nhiều nguyên vật liệu, gỗ chỉ chiếm khoảng trên 30% về giá trị sản phẩm. Trong khi các nguyên liệu khác đang phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc, dịch xảy ra khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Nếu nguồn cung ứng này không được khai thông sớm sẽ tác động rất lớn đến ngành gỗ”.

Cần tính nước cờ dài hơi

Để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và có bước phát triển trong dài hạn, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp gỗ trong nước cần phải liên kết lại với nhau thành chuỗi trong sản xuất. Đặc biệt, các doanh nghiệp liên kết với nhau phải đảm bảo các điều kiện về sản phẩm, nguyên liệu, môi trường, chất lượng, nguồn gốc… để có thể xuất đi các thị trường khó tính như Mỹ. Bên cạnh đó, chính bản thân các doanh nghiệp phải tự thay đổi làm hoàn thiện mình từ việc sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường như thay thế keo đảm bảo môi trường, sức khỏe, công nghệ sản xuất…

Đại diện Công ty cổ phần Gỗ An Cường cũng chia sẻ, doanh nghiệp cần tăng cường công tác đào tạo, chăm sóc khách hàng, nâng cao công nghệ, chất lượng sản phẩm, môi trường và mỗi doanh nghiệp nên tập trung vào một số sản phẩm chủ lực theo hướng phát triển bền vững, không nên làm đại trà.

“Bên cạnh đó, áp dụng công nghệ vào bán hàng, phân phối sản phẩm là yếu tố quan trọng. Khách hàng có thể mua hàng trực tiếp, xem hàng, thiết kế… trực tiếp theo mọi góc cạnh. Nếu như làm tốt công nghệ trong phân phối sản phẩm, thì dù có dịch bệnh, khách hàng vẫn có thể mua hàng của doanh nghiệp bình thường. Về vấn đề này, chúng tôi cũng vừa ký hợp tác đưa hàng lên các công nghệ sản phẩm với hai đối tác lớn ở Việt Nam”, vị này cho biết.

Trong khi đó, ông Vũ Hải Bằng khiến nghị, nên có sự hỗ trợ từ Nhà nước cho doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19 như giãn việc nộp thuế, hay bảo hiểm xã hội, những khoản lớn của doanh nghiệp trong một quãng thời gian để doanh nghiệp tiếp tục sản xuất và trả lương cho công nhân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tận dụng tiềm năng thị trường nội địa và tự đổi mới về quản trị doanh nghiệp, thay đổi văn hóa kinh doanh.

Ở góc độ Hiệp hội, ông Đỗ Xuân Lập cho biết, Hiệp hội đang khuyến khích các doanh nghiệp, nhà sản xuất thay đổi công nghệ, dây chuyền sản xuất, tiêu chuẩn sản phẩm… để đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường lớn trên thế giới. Đồng thời, mở rộng nguồn cung cấp nguyên phụ liệu từ Thái Lan, Malaysia… thay thế nguồn từ Trung Quốc.

“Hiện nay, Việt Nam đang có máy sản xuất ốc vít, đồ linh kiện nội thất của Đài Loan đặt tại Bình Dương, nhưng doanh nghiệp này xuất khẩu là chính, chúng tôi đang có phương án làm việc với họ chuyển từ nguồn xuất khẩu đó sang nội địa. Chúng tôi cũng đã bàn với 2 tập đoàn cung cấp sơn, ốc vít lớn cho đồ nội thất ở Việt Nam nâng cấp chất lượng sản phẩm để đạt tiêu chuẩn cho sản phẩm gỗ nội thất vào được những thị trường lớn như Mỹ, Anh”, ông Lập chia sẻ.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan