Ông Võ Thành Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) cho biết, tính đến hết tháng 3/2018, sản lượng điện của VSH đạt 266 triệu kWh, tăng nhẹ so với kế hoạch. Thời tiết quý I/2018 khá thuận lợi đối với hoạt động của các doanh nghiệp thủy điện nên lợi nhuận ước tính tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với các doanh nghiệp phát điện, quý II là mùa cao điểm vì nhu cầu sử dụng điện cao hơn so với bình quân các quý trong năm, nhưng đây lại là mùa khô nên có phần bất lợi đối với doanh nghiệp thủy điện.
Cổ đông và nhà đầu tư đang quan tâm đến tiến độ Dự án Thượng Kom Tum của VSH bởi đây là một trong những dự án thủy điện lớn nhất hiện nay. Sau một thời gian dài bị trì hoãn do kiện tụng, hiện tại, nhà thầu Trung Quốc đã bỏ cuộc và VSH đang thuê nhà thầu Mỹ triển khai thi công, với tốc độ đào hầm gần 400 m/tháng.
Lãnh đạo VSH chia sẻ, dự kiến đầu năm 2019, Dự án Thượng Kon Tum sẽ tích nước và khởi động tổ máy trong tháng 4/2019, thực hiện phát điện trong tháng 6/2019. Dự án này đi vào hoạt động sẽ đẩy mạnh quy mô sản xuất điện của Công ty.
VHS không còn đàm phán giá điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo từng giai đoạn như trước đây, mà đang tính giá điện theo giá cạnh tranh. Trong khi đó, theo phương án vận hành thị trường phát điện cạnh tranh năm 2018, thành phần cố định tăng khoảng 1% so với năm 2017.
Quý I/2018, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Chảy 5 (SCH) ước đạt doanh thu hơn 17,4 tỷ đồng, tăng 12% và lợi nhuận sau thuế 4,98 tỷ đồng, tăng 25% so với quý I/2017.
Các doanh nghiệp nhiệt điện cũng ước đạt kết quả kinh doanh khả quan trong 3 tháng đầu năm. Ông Lê Thế Sơn, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cho hay, Công ty ước đạt 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2018, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận quý I/2018 của PPC tăng trưởng một phần do tỷ giá JPY/VND không có nhiều biến động, hơn nữa giá bán điện bình quân cao hơn so với cùng kỳ.
Nhà máy Phả Lại 1 của PPC phát điện ổn định ở mức 90 - 95% công suất thiết kế, trong khi Nhà máy Phả Lại 2được đầu tư mới với công nghệ hiện đại, năng suất cao, hứa hẹn khả năng hoạt động ổn định và hiệu quả trong dài hạn. Công ty dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận năm 2018 với mức tương đương thực hiện năm 2017 (722 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế). Hiện khoản dư nợ bằng JPY của PPC đã giảm đáng kể so với năm 2017 nên chênh lệch tỷ giá của khoản nợ không biến động mạnh như trước.
Phân tích về doanh nghiệp ngành điện, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, sản lượng bán ra của nhóm nhiệt điện sẽ hồi phục trong năm 2018, nhưng giá bán trung bình dự báo giảm. Theo đó, sẽ không có sự thay đổi đáng kể trong lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của các nhà máy nhiệt điện, ngoại trừ trường hợp có biến động lớn trong chi phí công suất (đặc biệt là chi phí khấu hao).
EVN vừa có báo cáo về tình hình hoạt động quý I/2018 với sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 48,96 tỷ kWh, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong quý I/2018, sản lượng ngày lớn nhất đạt 612,6 triệu kWh, tăng 7,1% và công suất lớn nhất toàn hệ thống là 29.812 MW, tăng 10,1% so với quý I/2017.
3 tháng đầu năm 2018, sản lượng điện thương phẩm toàn EVN ước đạt 42,2 tỷ kWh, tăng 10,49% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng điện thương phẩm nội địa tăng 10,6%.
Theo EVN, trong quý I/2018, trào lưu truyền tải chủ yếu theo hướng từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam. Sản lượng truyền tải vào miền Nam là 4,4 tỷ kWh (tương đương 19% nhu cầu điện miền Nam), công suất truyền tải cao nhất trên giao diện Bắc - Trung là 1.980 MW và Trung - Nam là 3.608 MW.
Hiện đã là giữa tháng 4/2018, sắp bước vào giai đoạn cao điểm về tiêu thụ điện, cũng thời điểm căng thẳng nhất trong năm về mặt cung cấp điện toàn hệ thống. Tuy vậy, theo dự báo của EVN, mức tăng trưởng trong quý II nhiều khả năng sẽ duy trì khoảng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt trong các tháng 5 và 6 dự báo phụ tải của hệ thống có thể đạt bình quân 650 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất toàn hệ thống có thể đạt 34.300 MW.