Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) cho biết, trong quý IV/2016, doanh thu dự kiến đạt 689,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 15,6 tỷ đồng. Theo đó, dù doanh thu có tăng trưởng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ bằng 1/7 so với cùng kỳ năm ngoái (112,47 tỷ đồng). Tuy vậy, BTP vẫn sẽ hoàn thành mục tiêu kinh doanh cả năm 2016 (tổng doanh thu 2.002 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 60 tỷ đồng).
Trong số 600 tỷ đồng các khoản vay nợ của BTP, khoản vay bằng đồng won (KRW) chiếm tỷ trọng lớn. Hiện tại, biến động tỷ giá KRW/VND đang theo chiều hướng có lợi cho BTP, tuy nhiên, ông Huỳnh Lin, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, dù đồng won bắt đầu có xu hướng giảm nhẹ từ tháng 11, nhưng diễn biến tỷ giá vẫn là một yếu tố khó đoán định.
Bên cạnh đó, theo ông Lin, kết quả kinh doanh của BTP không chỉ phụ thuộc vào yếu tố tỷ giá và giá bán điện, mà còn chịu tác động từ giá nguyên liệu. Dù giá khí đốt và than đá phục vụ cho sản xuất nhiệt điện không có nhiều biến động trong năm 2016, nhưng các chi phí này vẫn sẽ chiếm khoảng 70% chi phí sản xuất nên vẫn là căn cứ để Công ty hoạch định kế hoạch trong năm 2017.
HĐQT BTP đã đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2017 với sản lượng điện sản xuất dự kiến hơn 1.500 triệu kWh, doanh thu đạt 2,069 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 88,8 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 2016, các chỉ tiêu đều tăng nên cổ tức dự kiến cũng được điều chỉnh tăng từ 8% lên 10%.
Cùng chung xu hướng giảm với đồng won, việc đồng yên Nhật (JPY) điều chỉnh đi xuống cũng là yếu tố tác động tích cực tới kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC). Tuy vậy, theo ông Lê Thế Sơn, Kế toán trưởng PPC, do mức trích lập dự phòng khoản chênh lệch tỷ giá JPY/VND quá lớn kể từ đầu năm đến nay nên Công ty chưa “thoát” được việc lỗ tỷ giá. Theo đó, dù kết quả quý IV/2016 của PPC có khả quan hơn so với 3 quý đầu năm thì vẫn khó có thể hoàn thành được kế hoạch cả năm.
Trong báo cáo phân tích mới đây nhất, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, từ đầu quý IV/2016 đến nay, tỷ giá JPY/VND đã giảm khoảng 8%. Trong trường hợp tỷ giá JPY được giữ nguyên đến cuối năm 2016, ước tính PPC có thể lãi khoảng 420 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá trong quý IV, tương đương 419 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chấm dứt chuỗi kết quả kinh doanh không mấy tích cực trong 3 quý đầu năm 2016.
9 tháng đầu năm 2016, PPC đạt 4.489 tỷ đồng doanh thu và lỗ 349 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Hiện Công ty đang xin hồi tố phần doanh thu từ sản lượng Qc (sản lượng hợp đồng năm) thiếu hụt trong 5 tháng đầu năm 2016 do hợp đồng điện của Phả Lại 1 chưa được ký kết, trị giá khoảng 230 - 250 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể cả cộng với khoản thu này, kết quả “chung cuộc” là doanh thu của PPC vẫn giảm mạnh so với năm 2015.
Mặc dù đã về đích khi chỉ mới kết thúc 3 quý năm 2016, nhưng diễn biến tỷ giá USD/VND vẫn đang là “nỗi ám ảnh” đối với Công ty cổ phần Nhiệt Điện Nhơn Trạch 2 (NT2). Việc đồng USD liên tục gia tăng sức mạnh kể từ sau sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ đã khiến các khoản vay bằng USD bị “đội giá”. Tuy nhiên, NT2 nhận định, đồng EUR đang xuống giá và khó có thể tăng trở lại. Do đó, NT2 sẽ phải cân đối 2 khoản vay USD và EUR nhằm chia đôi rủi ro. Hiện khoản vay của NT2 đang dao động trên dưới 100 triệu USD và 100 triệu EUR.
Bên cạnh đó, một lợi thế của NT2 là giá bán điện của Công ty được tính bằng USD nên rủi ro tỷ giá được hạn chế phần nào. Chưa kể, trong năm 2016, Công ty sẽ giảm bớt được áp lực nhờ việc không phát sinh nghiệp vụ phân bổ lỗ chênh lệch tỷ giá giai đoạn đầu tư xây dựng nhà máy điện Nhơn Trạch 2 vào chi phí tài chính.
9 tháng đầu năm 2016, NT2 ghi nhận hơn 4.461 tỷ đồng doanh thu, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 74% kế hoạch năm, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 860 tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch năm. Hiện tại, ưu điểm của NT2 là nhà máy gần trung tâm phụ tải miền Đông Nam Bộ nên được ưu tiên huy động khi cần bù đắp sản lượng điện thiếu hụt. Nguồn nguyên liệu chính của Công ty là khí đốt từ mỏ Nam Côn Sơn được đảm bảo trong hợp đồng mua bán khí lên đến 25 năm. Riêng hợp đồng bán điện PPA với EVN được ký với thời hạn 10 năm.