DN Việt dành quá nhiều thời gian cho cơ quan thuế
Theo số liệu khảo sát của nhiều tổ chức quốc tế, thời gian nộp thuế trung bình của các nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm. Trong đó, Indonesia là 259 giờ, Thái Lan là 264 giờ, Philippines là 193 giờ, Malaysia là 133 giờ, Brunei là 96 giờ, Singapore là 82 giờ. Một số liệu có thể khiến nhiều cơ quan chức năng “giật mình” nhưng với cộng đồng DN Việt là điều quá đỗi bình thường, đó là chỉ tính riêng năm 2013, thời gian mà các DN Việt Nam dành cho cơ quan thuế lên tới 876 giờ, tức 36,5 ngày/năm (gấp hơn 5 lần so với ASEAN-6).
Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng, số liệu thống kê trên chưa bao gồm thời gian đi lại, cũng như thời gian dành cho hàng trăm thủ tục nhiêu khê khác. Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện cả nước có 1,7 triệu hộ kinh doanh, hơn 1 triệu người nộp thuế thu nhập cá nhân, 493.000 DN đang hoạt động. Như vậy, nếu chỉ tính riêng nhóm DN khi thực hiện các nghĩa vụ khai báo/kê khai về thuế sẽ là một con số khủng khiếp lên đến 438 triệu giờ (tức 18.250.000 ngày).
Liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, số liệu thống kê cho thấy, thời gian xuất khẩu trung bình của các nước ASEAN-6 là 14 ngày và thời gian nhập khẩu là 13 ngày. Trong đó, Indonesia là 17 và 23 ngày, Thái Lan là 14 và 13 ngày, Philippines là 15 và 14 ngày, Malaysia là 11 và 8 ngày, Brunei là 19 và 15 ngày, Singapore là 5 và 4 ngày. Còn tại Việt Nam, năm 2013, DN phải mất tới 21 ngày để làm thủ tục xuất khẩu và 21 ngày để làm thủ tục nhập khẩu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc DN vẫn mất quá nhiều thời gian để thực hiện thủ tục về thuế đã tác động không nhỏ tới vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh hàng năm do các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) xếp hạng. Năm 2014, xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam tụt 2 bậc (từ 107 xuống 109). Trong nhiều tiêu chí xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam, tiêu chí Nộp thuế tụt 4 bậc (từ 145 xuống 149).
Tại sao DN lại sợ cơ quan thuế?
Theo đánh giá của cơ quan thuế, lý do DN sợ ngành thuế chủ yếu do các DN này trốn thuế; chiếm đoạt tiền thuế; mua bán hóa đơn bất hợp pháp, làm mất hóa đơn; vi phạm pháp luật về thuế rồi bỏ trốn khỏi trụ sở kinh doanh; tiếp tay cho hành vi trốn thuế… Cơ quan thuế còn dự kiến sẽ ban hành Thông tư về quản lý theo rủi ro, trong đó có việc công khai danh tính DN nợ thuế theo Luật Quản lý thuế.
Những nhìn nhận trên không phải không có lý. Nhưng ở chiều ngược lại, các DN lại cho rằng, do gặp khó khăn về tài chính do suy thoái kinh tế kéo dài, kinh doanh khó khăn, tình trạng chiếm dụng vốn của nhau, do Nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh, cũng như bản thân DN không bắt kịp với những thay đổi chính sách liên tục của cơ quan thuế là nguyên nhân dẫn đến những vi phạm pháp luật về thuế của họ. Nhiều DN có cả bộ phận kế toán, pháp lý, thậm chí thuê cả chuyên gia tư vấn chuyên sâu về thuế để chuyên theo dõi những cập nhật, sửa đổi, bổ sung của chính sách thuế, nhưng vẫn không tránh khỏi bị xử phạt do những sai sót, nộp báo cáo muộn hoặc những vi phạm vì thiếu hiểu biết về chính sách thuế…
Việc nộp kê khai thuế qua mạng được Tổng cục Thuế đánh giá là “sự lựa chọn thông minh” của DN thay cho đi nộp trực tiếp (mất công đi lại, chờ đợi) nhưng thực tế cũng gián tiếp làm cho DN phát sinh các chi phí do phải mua chữ ký số với chi phí từ 1 - 2 triệu đồng/năm thuê bao từ các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số. Bản thân việc kê khai thuế qua mạng cũng có nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là việc Tổng cục Thuế liên tục nâng cấp ứng dụng và phần mềm ứng dụng hỗ trợ kê khai cập nhật các biểu mẫu mới. Khiến cho có tháng/quý DN phải cập nhật phần mềm hỗ trợ này từ 2 - 5 lần, vì nếu không, khi nộp, hệ thống sẽ không tiếp nhận tờ khai, phải làm lại, đi lại nhiều lần.
Việc xử phạt và truy thu thuế của cơ quan thuế cũng là nỗi “ác mộng” của DN mà đôi khi nguyên nhân không phải do lỗi chủ quan của DN, mà là do những thay đổi của chính sách thuế. Có DN chỉ làm thất lạc một tờ hóa đơn VAT, nhưng khi khai báo với cơ quan thuế địa phương cũng bị xử phạt 3 triệu đồng. Trường hợp hàng loạt các DN có chứng khoán niêm yết giai đoạn 2004 - 2006 kê khai hưởng ưu đãi thuế TNDN và bị truy thu là một ví dụ điển hình. Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ chấp nhận biện pháp mà Bộ đã xử lý ưu đãi thuế TNDN đối với các DN có chứng khoán niêm yết lần đầu giai đoạn 2004 - 2006 được giảm 50% trong năm 2007 -2008; không kéo dài thực hiện ưu đãi này từ năm 2009. Những DN đã kê khai ưu đãi sai phải thu hồi và nếu không thực hiện sẽ bị phạt hành chính, phạt chậm nộp do nguyên nhân bất khả kháng…
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, 95% kết luận thanh tra về truy thu thuế là đúng, chỉ có khoảng 5% là được xem xét lại sau khi nhận được đơn khiếu nại, chủ yếu liên quan đến mức phạt chậm nộp. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Yến, Phó tổng giám đốc Nhựa Bình Minh, việc công ty này bị phạt chậm nộp thuế với mức phạt 117,1 tỷ đồng không phải sai sót chủ quan của Công ty mà do văn bản hướng dẫn về việc hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN và niêm yết lần đầu giữa Cục Thuế TP. HCM và Tổng cục Thuế không thống nhất.
Bên cạnh đó, việc khiếu nại, khởi kiện các quyết định xử phạt hoặc truy thu thuế của cơ quan thuế với DN cũng không phải là việc dễ dàng. Mới đây nhất, bị truy thu thuế, CTCP Sông Đà 909 (S99) là DN đầu tiên khởi kiện cơ quan thuế. Theo đó, năm 2010, Cục Thuế TP. Hà Nội tiến hành thanh tra thuế tại S99 và đi đến kết luận: không chấp nhận điều kiện ưu đãi giảm 50% số thuế TNDN phải nộp năm 2009 do S99 niêm yết lần đầu (giai đoạn 2004 - 2006), dẫn đến tăng số thuế TNDN phải nộp là hơn 2,77 tỷ đồng. Trên cơ sở kết quả thanh tra này, Cục Thuế TP. Hà Nội ra quyết định truy thu thuế TNDN đối với S99. Tuy nhiên, S99 khẳng định, việc Công ty được hưởng ưu đãi thuế là đúng quy định và khởi kiện Cục Thuế Hà Nội. Mặc dù vậy, tại phiên tòa ngày 15/4/2014, chủ tọa đã tuyên án bác yêu cầu khởi kiện của công ty này.
Chưa hết, với lý do quản lý các DN mới thành lập, ngăn ngừa tình trạng mua bán hóa đơn GTGT khống, chiếm đoạt tiền hoàn thuế đã từng xảy ra, cơ quan quản lý thuế đặt ra yêu cầu, DN thành lập từ ngày 1/1/2014 phải mua sắm tài sản cố định trên 1 tỷ đồng mới được đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT. Quy định này đã gây bức xúc cho DN vì nó vô lý, thiếu thực tế và thiếu cơ sở lý luận vững chắc. Bởi lẽ, chắc chắn sẽ có một lượng lớn trong số DN mới thành lập là đơn vị cung cấp dịch vụ, doanh thu có được nhờ chất xám và đầu tư ban đầu có khi chỉ là vài cái bàn, cái ghế và một số nhân viên. Còn nếu là DN sản xuất thì hiện nay cũng có nhiều đơn vị sử dụng hình thức gia công sản phẩm, chỉ lo về khâu thiết kế, nghiên cứu mẫu mã và bán hàng. Trong nỗ lực để gỡ khó cho DN, mới đây Tổng cục Thuế đã cho phép DN mới thành lập từ ngày 1/1 đến 28/2/2014 đã được cơ quan thuế chấp nhận áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT và đã đặt in, sử dụng hóa đơn GTGT được khấu trừ, hoàn thuế. Thế nhưng, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, bởi đối với các DN thành lập sau thời điểm 28/2 thì không thấy cơ quan quản lý thuế đề cập tới.
Không được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT, nhiều DN thành lập từ đầu năm 2014 tự in hóa đơn VAT cũng đang bị cơ quan thuế buộc phải thu hồi các hóa đơn GTGT đã phát hành từ tháng 3 trở về trước để hủy, đồng thời phải sử dụng hóa đơn bán hàng mua từ cơ quan thuế. Việc thu hồi hóa đơn trên xuất phát từ quy định tại Thông tư 219 ngày 31/12/2013, có hiệu lực từ 1/1/2014 của Bộ Tài chính. Theo đó, các DN mới thành lập từ năm 2014 phải có tài sản cố định từ 1 tỷ đồng trở lên (trừ ôtô dưới chín chỗ) mới được kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Những DN mới thành lập không đủ điều kiện buộc phải kê khai thuế theo phương pháp trực tiếp. Điều khiến DN bức xúc là Thông tư đến tay DN quá chậm (ngày 17/2/2014 mới công bố trên trang web của Tổng cục Thuế và đầu tháng 3, các DN mới được thông báo), trong khi cơ quan thuế lại hồi tố cho khoảng thời gian trước đó.
Cần có giải pháp đồng bộ?
Không thể phủ nhận những nỗ lực, cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin… của cơ quan thuế đã và đang hỗ trợ rất nhiều cho DN trong việc thực hiện các nghĩa vụ trước Nhà nước. Nhưng cũng không thể để những chính sách thuế ban hành, thay đổi chóng mặt khiến cho DN “xoay như đèn cù” để rồi vi phạm, bị phạt, bị truy thu thuế, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều quan trọng nhất lúc này là cơ quan thuế cần thay đổi tư duy, coi DN là đối tượng được hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa trong việc đóng góp cho ngân sách, thay vì để các đối tượng nộp thuế lớn nhất này phải mất quá nhiều thời gian, công sức lo việc làm thế nào để… đóng tiền.