Nhiều khả năng Fed sẽ nâng lãi suất lần thứ tư trong năm 2018 vào phiên họp tháng 12 này.

Nhiều khả năng Fed sẽ nâng lãi suất lần thứ tư trong năm 2018 vào phiên họp tháng 12 này.

Doanh nghiệp nên chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá

(ĐTCK) Nhiều khả năng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất lần thứ tư trong năm vào phiên họp tháng 12. Điều này đã được dự báo trước nhưng vẫn sẽ tạo những tác động lên tỷ giá VND/USD, nhất là khi mùa thanh toán cao điểm cuối năm đã đến. Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần sử dụng biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Theo biên bản cuộc họp chính sách tháng 11/2018 của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed, hầu hết các quan chức Fed đều nhất trí rằng, kế hoạch từng bước bình thường hóa chính sách tiền tệ vẫn phù hợp.

Theo đó, thị trường nhìn nhận, một đợt tăng lãi suất nữa sẽ được triển khai trong tháng 12, nếu các thông tin về thị trường lao động và lạm phát sắp tới phù hợp hoặc cao hơn so với những kỳ vọng hiện nay của Fed.

Tuy cơ quan điều hành chính sách tiền tệ của Mỹ đã sớm đưa ra thông điệp và thị trường đã có sự chuẩn bị, nhưng mùa kinh doanh cao điểm cuối năm luôn là thời điểm nhu cầu ngoại tệ thanh toán gia tăng, cộng với biến động của đồng nhân dân tệ trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tỷ giá VND/USD sẽ khó tránh ảnh hưởng.

Ngày 3/12, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng ở mức 22.755 VND/USD, tăng 5 đồng/USD so với phiên trước.

Đây là phiên tăng tỷ giá thứ 4 liên tiếp kể từ cuối tuần trước và là mức cao nhất của tỷ giá trung tâm kể từ đầu năm. Cụ thể, tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng thêm 350 đồng/USD, tương đương mức tăng 1,56%.

Trong khi đó, giá USD niêm yết tại các ngân hàng ngày đầu tuần tiếp tục duy trì ở mức ổn định so với cuối tuần trước. Vietcombank giao dịch USD ở mức 22.275 đồng/USD mua vào, 22.365 đồng/USD bán ra, không thay đổi so với giá cuối tuần trước.

Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải nhận định, từ nay đến cuối năm, nếu nhân dân tệ không biến động mạnh thì tỷ giá VND/USD sẽ khó tăng. Tuy nhiên, nếu nhân dân tệ tiếp tục giảm giá, nhiều khả năng tỷ giá VND/USD sẽ tăng khoảng 2,6%.

“Mức tăng 2 - 3% đối với tỷ giá VND/USD trong cả năm nay theo tôi là chấp nhận được”, ông Hải nói.

Trong bối cảnh này, lời khuyên mà các chuyên gia đưa ra là doanh nghiệp nên chủ động có các biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá để tránh những biến động khó lường của thị trường trong tương lai, chủ động tự bảo vệ thay vì chỉ trông chờ vào việc bảo hộ tỷ giá của NHNN. Đặc biệt, cần chú ý theo dõi các biến động của đồng nhân dân tệ.

Để phòng những biến động của tỷ giá nếu có vào cuối năm, thì giữa năm hay từ quý III trở đi, doanh nghiệp đã có thể mua tỷ giá trong tương lai. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro tỷ giá trong kế hoạch tài chính của doanh nghiệp.

- PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Tính từ đầu năm đến nay, đồng nhân dân tệ đã mất giá khoảng 6,5% so với USD, do đó, VND danh nghĩa đã đắt lên so với nhân dân tệ, làm tăng khả năng nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc.

Nhằm quản trị doanh nghiệp, quản trị dòng tiền và kiểm soát rủi ro một cách hiệu quả, theo giới phân tích tài chính, các doanh nghiệp cần chủ động trong công tác phòng ngừa rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất trong tương lai thông qua các công cụ phòng vệ rủi ro tài chính như: Hợp đồng mua/bán/giao ngay; hợp đồng ngoại hối kỳ hạn, hợp đồng ngoại hối hoán đổi; hợp đồng hoán đổi lãi suất; hợp đồng hoán đổi tiền tệ chéo.

Các hợp đồng phái sinh phòng ngừa rủi ro trên rất có lợi cho doanh nghiệp trong bối cảnh các yếu tố bên ngoài có thể tác động lên tỷ giá tiền đồng.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, việc điều chỉnh tỷ giá VND/USD sẽ tác động đến lạm phát, lãi suất nên cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, với doanh nghiệp, muốn đảm bảo rủi ro cần thiết sử dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Một chuyên gia tài chính đưa ra nhận định, tỷ giá tăng vào cuối năm mang tính chu kỳ, khi việc thanh toán cho đối tác nước ngoài đến hạn.

Điều này doanh nghiệp đã biết và nên chủ động phòng những rủi ro này, thông thường, nên ứng dụng nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá thông qua việc mua ngoại tệ theo hợp đồng giao sau, đây là một dạng bảo hiểm biến động tỷ giá.

Cụ thể, để phòng những biến động của tỷ giá nếu có vào cuối năm, thì giữa năm hay từ quý III trở đi, doanh nghiệp đã có thể mua tỷ giá trong tương lai. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro tỷ giá trong kế hoạch tài chính của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan