Điểm nghẽn chính sách
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, chuyển đổi năng lượng sang năng lượng tái tạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Thực tế, trong thời gian qua, năng lượng tái tạo Việt Nam (điện mặt trời, điện gió) đã có bước phát triển đột phá, khi đóng góp tới khoảng 50% công suất điện năng lượng tái tạo tăng thêm của khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, sau 2 năm phát triển bùng nổ, điện năng lượng tái tạo ở Việt Nam bị khựng lại do các nút thắt về chính sách.
Theo Công ty Chứng khoán ACBS, Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEG) có 3 dự án năng lượng tái tạo mới chưa quyết toán giá cho hợp đồng mua bán điện do chính sách FIT hết hạn vào 1/11/2021. Theo chia sẻ từ GEG, Công ty đang chờ phê duyệt chính thức Quy hoạch điện VIII cũng như cơ chế giá cho năng lượng tái tạo mới để rõ ràng hơn về giá bán điện cho các dự án này. Tuy nhiên, ACBS dự báo nhiều khả năng giá bán sẽ dưới 8 cent/kWh, vì giá bán lẻ điện hiện tại vào khoảng 8 cent/kWh.
Tương tự, Công ty Chứng khoán Yuanta dự báo, trở ngại về chính sách khiến cho việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo của Công ty cổ phần Bamboo Capital (BCG) chậm hơn so với dự kiến. BCG dự kiến tăng thêm 229 MW điện trong năm 2023 và đến năm 2025, tổng công suất là 1.249 MW, trong đó chiếm chủ đạo là điện mặt trời và điện gió.
Tập đoàn Trung Nam cũng đang chưa có lối thoát cho 172 MW của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (Ninh Thuận) công suất 450 MW. Không chỉ các doanh nghiệp này, nhiều chủ đầu tư khác như T&T cũng đang bị mắc kẹt với các dự án năng lượng tái tạo do vướng mắc về chính sách.
Theo Công ty Chứng khoán SBS, đầu tư dự án điện mặt trời đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn kéo dài từ 7 - 8 năm, điều này tạo áp lực huy động vốn cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một thách thức nữa mà các doanh nghiệp đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió phải đối mặt là hệ thống truyền tải điện không theo kịp tốc độ tăng trưởng công suất phát điện. Một số nhà máy điện gió và điện mặt trời phải giảm công suất phát điện để duy trì sự ổn định của lưới điện.
Kỳ vọng
Dự thảo mới nhất của Quy hoạch điện VIII nếu được thông qua, cùng các nút thắt chính sách được tháo gỡ chính là ngọn gió đông mà các doanh nghiệp năng lượng tái tạo chờ đợi để bứt phát.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào ngày 3/11/2022, lãnh đạo Tập đoàn BCG cho biết, mảng năng lượng tái tạo đã đi vào ổn định, tổng sản lượng điện 9 tháng đầu năm 2022 tiếp tục tăng trưởng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cuối tháng 9/2022, các dự án năng lượng tái tạo của BCG đều đang vận hành với hiệu suất từ 97 - 105%.
Lũy kế 9 tháng 2022, BCG ghi nhận doanh thu đạt 3.354 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 885 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ.
Mặc dù đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc BCG cho biết, mảng năng lượng tái tạo vẫn được xác định là mũi nhọn của Công ty và sẽ có sự chuyển dịch trong giai đoạn 2023 - 2024. Theo đó, BCG nhìn thấy rõ tiềm năng của các dự án điện mặt trời áp mái.
Các doanh nghiệp ngành năng lượng sạch đang gặp nhiều khó khăn khi bước vào giai đoạn phục hồi sau Covid-19 và đang có những thay đổi về kế hoạch kinh doanh để thích ứng với tình hình mới.
Tại Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển Trường Thành (TTA), mảng thủy điện vẫn đóng góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận dù gần đây Công ty đã phát triển dự án điện mặt trời, điện gió. 9 tháng đầu năm 2022, TTA ghi nhận doanh thu 626 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 186 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 28% và 77% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng trong quý III/2022, Công ty báo lãi hơn 52 tỷ đồng.
Bà Trần Huyền Trang, Phó tổng giám đốc TTA cho biết, sản lượng điện của các nhà máy thủy điện tăng góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Tại GEG, trong 9 tháng đầu năm 2022 cũng ghi nhận doanh thu đạt 1.597 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 297 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận ròng đạt 19%.
GEG cho biết, doanh thu bán điện trở thành nguồn doanh thu chính của Công ty với tỷ trọng 92%. Hiện Công ty đang vận hành và thi công 23 nhà máy năng lượng tái tạo, đa dạng các loại hình, gồm điện mặt trời, điện mặt trời áp mái, điện gió tại 14 tỉnh, thành phố với tổng công suất 728 MW.
Tháng 10/2022, GEG đã thông báo về việc chấp thuận phát hành riêng lẻ 64,2 triệu cổ phiếu ưu đãi với lãi suất 6%/năm, tương đương 642 tỷ đồng vốn chủ sở hữu cho Deutsche Investitutions Bank (DEG). Số tiền thu được sẽ phân bổ vào 2 dự án VPL 2 (điện gió công suất 30 MW) và Đức Huệ (điện mặt trời, công suất 49 MW). Các dự án này dự kiến sẽ vận hành thương mại vào năm 2023. Năm 2022, GEG đặt mục tiêu hoàn thành Nhà máy Tân Phú Đông 1 (điện gió công suất 100 MW).
Trong khi đó, Tập đoàn Hà Đô (HDG) đã xác định mảng năng lượng tái tạo là một trong những mảng kinh doanh quan trọng của Tập đoàn. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu của HDG đạt 2.492 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 1.039 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ. Lãnh đạo tập đoàn này cho biết, doanh thu từ mảng năng lượng tăng mạnh đã đóng góp tốt cho lợi nhuận của HDG.
Trong những lần trò chuyện với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+ và Quỹ Green Fund đều nhấn mạnh ngành năng lượng sạch ở Việt Nam rất tiềm năng và ông quan tâm đặc biệt nhóm ngành này.
Theo dự báo của Viện Năng lượng, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ tăng khoảng 8,5%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và tăng trưởng 4%/năm trong giai đoạn 2031 - 2045. Để đáp ứng nhu cầu này, Việt Nam cần đầu tư thêm nhiều dự án năng lượng.
Đứng trước yêu cầu phải chuyển đổi sang năng lượng xanh, giảm bớt tiến tới loại bỏ dự án nhiệt điện than để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, trong dự thảo mới nhất của Quy hoạch điện VIII, nhiều dự án điện than đã bị bỏ, thay vào đó, chấp thuận nguyên tắc cho phép tiếp tục triển khai các dự án điện mặt trời đã chấp thuận đầu tư đến 2030. Công suất nguồn điện than giảm mạnh từ mức trên 50.000 MW vào năm 2030 theo Dự thảo đầu tiên (3/2021) đã giảm mạnh chỉ còn hơn 30.000 MW trong Dự thảo mới và đến năm 2050 chỉ còn 25.600 MW. Trong khi đó, quy mô điện mặt trời và điện gió tương ứng vào năm 2030 là gần 19.500 MW và 28.480 MW, năm 2050 lên tới 168.900 MW và 153.550 MW.
Như vậy, có thể thấy, năng lượng tái tạo vẫn là mảng đầu tư có tiềm năng tăng trưởng lớn cùng tầm nhìn dài hạn. Doanh nghiệp đang ngóng Quy hoạch điện VIII được ban hành, cùng các nút thắt về chính sách sớm được cởi bỏ để lĩnh vực này phát triển tăng tốc.