Doanh nghiệp nặng gánh chi phí nguyên vật liệu

Doanh nghiệp nặng gánh chi phí nguyên vật liệu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ đầu năm, giá nhiều nhóm nguyên, vật liệu tăng phi mã, khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp có sự biến động mạnh.

Mặt bằng giá của các loại vật liệu xây dựng tăng khoảng 25% so với hồi đầu năm, đặc biệt, nhóm sắt, thép có thời điểm tăng đến 50 - 60%, làm tăng mạnh chi phí xây dựng, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các nhà thầu và có thể đẩy giá bất động sản lên một mặt bằng mới.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã phải thương thảo lại với các chủ đầu tư ký hợp đồng từ trước trên tinh thần hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn chung.

Giá thép/quặng thép tăng cao đã giúp các doanh nghiệp ngành thép báo lãi đột biến trong nửa đầu năm, những doanh nghiệp tích trữ được hàng tồn kho giá rẻ giai đoạn trước càng hưởng lợi lớn.

Biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép nhiều khả năng sẽ giảm trong nửa cuối năm 2021 do chi phí nguyên liệu sản xuất tăng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bản Việt, biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép nhiều khả năng sẽ giảm trong nửa cuối năm 2021 do chi phí nguyên liệu sản xuất tăng.

Chốt phiên 24/8/2021, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) tăng 6,2% lên 817,5 CNY/tấn; giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Singapore cũng tăng 8,2% lên 146,9 USD/tấn.

Giá thức ăn chăn nuôi cũng liên tục leo thang trong thời gian qua. Bước sang tháng 8, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đều thông báo tăng giá sản phẩm.

Cụ thể, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam sẽ tăng giá bán từ 200 - 400 đồng/kg, Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam có mức tăng tương tự... PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính lý giải, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh do các yếu tố như hạn hán, mất mùa ở một số khu vực khiến các nguyên vật liệu đầu vào như ngô, đậu tương tăng giá.

Trong chăn nuôi, chi phí thức ăn chiếm một phần lớn, do đó, giá thành sản phẩm chăn nuôi cũng bị đẩy lên.

Trong quý II, dù giá lợn hơi dao động từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, song Công ty cổ phần Dabaco (mã DBC) chỉ lãi 215 tỷ đồng, giảm tới 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, lãi ròng của Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản cũng giảm 6%, về mức 39 tỷ đồng.

Từ đầu quý III, giá lợn hơi trong chiều hướng đi xuống mạnh. Nghịch lý chi phí đầu vào tăng, trong khi giá bán sản phẩm giảm là thách thức lớn với các doanh nghiệp chăn nuôi trong việc giải bài toán lợi nhuận, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong những tháng cuối năm.

Giá phân bón tăng cao, do giá nguyên vật liệu trên toàn cầu đều tăng, như lưu huỳnh tăng 170%, amoniac tăng gấp 2 lần… đã kéo theo một loạt mặt hàng nông sản tăng giá, điển hình là cà phê.

Giá hợp đồng kỳ hạn cà phê Arabica trên sàn giao dịch liên lục địa (ICE) hiện cao gấp rưỡi so với cùng thời điểm một năm trước. Diễn biến này đang ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp chế biến cà phê như Vinacafé Biên Hoà (mã VCF). 80% giá vốn hàng bán của VCF là chi phí cho nguyên vật liệu, yếu tố đầu vào.

Trong nửa đầu năm, VCF chỉ đạt 805 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 30% so với nửa đầu năm 2020. Lãi ròng hợp nhất công ty mẹ cũng giảm gần 40%, xuống 157 tỷ đồng. Theo lãnh đạo VCF, biến động khó lường của giá nguyên liệu có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến biên lợi nhuận năm nay của Công ty.

Chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu nhiều tháng gần đây tăng so với những tháng trước và tăng so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhận định của giới chuyên gia, đợt tăng giá nguyên vật liệu này đang tạo ra một chu kỳ tăng giá mới trên toàn cầu và có thể phải mất một vài năm, trạng thái cân bằng mới có thể quay trở lại.

Việt Nam là nước nhập khẩu lượng lớn nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 7 tháng năm 2021, nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 92,01 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu sẽ đẩy doanh nghiệp đối mặt với những khó khăn về giá cả thêm một thời gian dài. Vậy nên, các doanh nghiệp cần có một lộ trình dài hơi để ứng phó với những diễn biến khó đoán trên thị trường. Trong đó, một giải pháp được giới chuyên gia khuyến nghị là chủ động trong việc tìm những nguồn nguyên liệu thay thế ở trong nước.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, doanh nghiệp nên ký hợp đồng tương lai, tức là xác định ký kết mua hàng theo giá hiện tại nhưng giao hàng trong tương lai, để phòng ngừa rủi ro biến động giá như cách các nước trên thế giới đang sử dụng.

“Đây là một biện pháp rất hiệu quả với các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà thầu xây dựng”, ông Long nhấn mạnh.

Tin bài liên quan