Với việc lượng khách hàng Trung Quốc tới Mỹ du lịch ít dần, Tiffany & Co quyết định chuyển một trong những bộ phận kinh doanh trang sức đắt đỏ nhất của mình tới Bắc Kinh và Thượng Hải trong quý II/2019.
Ðây sẽ là nơi bán các sản phẩm chất lượng cao với số lượng giới hạn. Chưa hết, tập đoàn nữ trang lừng danh này cũng nâng cấp 3 cửa hàng lớn tại Trung Quốc, bao gồm ở Hồng Kông.
Ford Motor Co đánh giá Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn nhất cho dòng xe Lincolns của Hãng trong vài năm tới. Bởi vậy, tập đoàn này lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất và thiết lập hệ thống phân phối tại Ðại lục để bán hàng, mà không phải chịu thuế như hiện tại.
Trong khi đó, Tesla Inc đang tập trung vào việc đưa nhà máy tại Thượng Hải vào hoạt động trong cuối năm nay. Tùy vào thời gian hoàn thành, nhà sản xuất xe hơi này có thể tránh được hàng rào thuế quan mới nhất mà Trung Quốc dự định sẽ áp dụng với sản phẩm xe nhập khẩu từ Mỹ trong tháng 12/2019.
Phản ứng trước quyết định đánh thuế 75 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng yêu cầu các công ty Mỹ “ngay lập tức tìm kiếm biện pháp thay thế Trung Quốc”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù nền kinh tế Ðại lục đang tăng trưởng chậm lại, đây vẫn là thị trường lớn, với khả năng tăng trưởng tích cực đối với rất nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu, nhất là khi thị trường tiêu thụ tại quê nhà đã bão hoà. Ðây là lý do khiến Trung Quốc là địa điểm được nhiều doanh nghiệp rót vốn đầu tư trong dài hạn.
Chẳng hạn, với Starbucks Corp, Trung Quốc là thị trường quan trọng bậc nhất với nhà bán lẻ cà phê và đồ uống này, khi tầng lớp trung lưu tại đây gia tăng nhanh chóng và khẩu vị có sự thay đổi. Nếu như tại Mỹ, không gian tăng trưởng dành cho Starbucks đã trở nên rất hạn hẹp, thì tại Trung Quốc, Công ty đang mở cửa thêm một cửa hàng mới mỗi 15 giờ trong cuộc chạy đua mở rộng thị phần để cạnh tranh với các đối thủ khác.
Ðáng chú ý, Trung Quốc cũng là thị trường lớn nhất đối với các nhà sản xuất máy bay và đây là lý do Boeing Co đã mở nhà máy đầu tiên tại đây vào cuối năm ngoái, bất chấp chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ. Nhà máy này liên kết với một nhà sản xuất máy bay có vốn nhà nước của Trung Quốc và là cơ sở sản xuất hiếm hoi của Boeing bên ngoài nước Mỹ.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tăng nhiệt, điều đáng mừng đối với các doanh nghiệp Mỹ là người tiêu dùng Ðại lục vẫn dành sự ưu ái với sản phẩm ngoại, nhất là hàng Mỹ, từ các sản phẩm tiêu dùng cao cấp cho tới bình dân.
Trong tuần qua, trung tâm mua sắm đầu tiên của Costco Wholesale Corp tại Trung Quốc đã phải tạm ngừng hoạt động ngay ngày đầu khai trương bởi lượng khách hàng đông vượt dự kiến, trong khi người mua hàng tranh giành nhau các sản phẩm giảm giá và xếp hàng hàng giờ để đợi thanh toán. Red Lobster, chuỗi nhà hàng hải sản hiện đang có 2 cơ sở tại Trung Quốc, cũng chờ đợi tương lai tươi sáng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
“Trung Quốc sẽ trở thành thị trường quốc tế lớn nhất của chúng tôi, với biên lợi nhuận ở mức cao”, CEO Red Lobster Kim Lopdrup cho biết.