Chủ tịch kiêm tổng giám đốc USABC, Ted Osius tại buổi làm việc tại Bộ Công thương, chiều 21/3.

Chủ tịch kiêm tổng giám đốc USABC, Ted Osius tại buổi làm việc tại Bộ Công thương, chiều 21/3.

Doanh nghiệp Mỹ tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Đoàn hơn 50 doanh nghiệp Mỹ đang có mặt tại Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư cho thấy, các nhà đầu tư Mỹ có niềm tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Phái đoàn hơn 50 doanh nghiệp lớn của Mỹ, trong đó có Boeing, SpaceX, Netflix, Apple,Lockheed Martin, Bell, Pfizer... đã đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác ở nhiều lĩnh vực, chương trình hằng năm do Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) tổ chức.

Đây là phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước đến nay đến Việt Nam nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện hai nước.

Tại trụ sở Bộ Công thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tiếp Đoàn doanh nghiệp cấp cao của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, với trọng tâm trao đổi về lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, chuỗi cung ứng, logistics…

Ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc USABC khẳng định, các nhà đầu tư Mỹ tiếp tục đặt niềm tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp Mỹ có sự quan tâm lớn hơn đến khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam .

Trong cuộc gặp với đại diện Bộ Công thương, các doanh nghiệp Mỹ đều khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và bày tỏ mong muốn hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; phát triển chuỗi cung ứng bền vững, đồng thời cam kết sẽ là đối tác và nguồn lực tin cậy trong việc thúc đẩy các mục tiêu và ưu tiên kinh tế chung.

Theo USABC, các doanh nghiệp Mỹ đang chứng kiến xu hướng tiếp tục mở rộng trung tâm sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam trong các ngành bán dẫn, tiêu dùng nhanh (FMCG), đồ chơi, đồ nội thất, lương thực thực phẩm, kinh tế số, dịch vụ tài chính ngân hàng và chăm sóc sức khoẻ.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: "Mỹ là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời cam kết chủ động hợp tác với Mỹ để giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của cả hai nước, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi".

Năm ngoái, thương mại song phương Việt - Mỹ đã cán mốc trên 120 tỷ USD, trong đó, Việt Nam đã xuất khẩu lượng hàng hóa có giá trị lên tới 109,2 tỷ USD sang Mỹ, đưa trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên từ trước đến nay cán mốc 100 tỷ USD/năm, đóng góp lớn vào tổng kim ngạch gần 372 tỷ USD của cả nước trong năm qua.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ bày tỏ, dù tăng trưởng kinh tế đang đối diện với nhiều khó khăn, lạm phát cao, chi tiêu cho tiêu dùng giảm, nhưng Việt Nam vẫn là địa chỉ tin cậy để đặt hàng, nhất là với nhóm hàng điện tử, dệt may, giày dép, nông thủy sản...

Đại diện AES, Tập đoàn năng lượng Mỹ chia sẻ, sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Doanh nghiệp này dự định đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, công suất 4MW tại Bình Thuận với tổng vốn khoảng 13 tỷ USD.

AES trước đó đã cùng các nhà đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Mông Dương 2, công suất 2x560 MW tại tỉnh Quảng Ninh. Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2011, đã phát điện thương mại trong năm 2015. Năm 2019, AES và Bộ Công thương đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc triển khai thực hiện Nhà máy Điện khí Sơn Mỹ 2 (CCGT). Hiện nay, dự án này đang triển khai.

Tin bài liên quan