Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Doanh nghiệp Mỹ tăng đầu tư vào TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp Mỹ đang có động thái gia tăng đầu tư vào công nghệ cao, điện tử viễn thông và những lĩnh vực có lợi thế của TP.HCM.

Đầu tuần này, thông tin Công ty Intel Products Việt Nam (IPV) nhận giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh dự án, với số vốn tăng thêm 475 triệu USD nhận được nhiều sự quan tâm.

Nói vậy là bởi, với động thái trên, tổng vốn đầu tư đăng ký cho dự án tại Khu công nghệ cao TP.HCM của Tập đoàn Intel (Mỹ) lên hơn 1,5 tỷ USD, tuy vẫn xếp thứ 2 về quy mô vốn đầu tư, song đã gần tiệm cận với dự án khủng của Samsung cũng có mặt tại đây.

Song, quan trọng hơn đã xóa tan những nghi ngại về việc đại gia này dự định ngừng việc tự sản xuất chip, chuyển sang thuê ngoài dấy lên hồi giữa năm 2020. Nếu điều này trở thành hiện thực, rất có thể sẽ làm thay đổi số phận của cơ sở sản xuất lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới lắp ráp và kiểm định của Intel đã được đầu tư tại Việt Nam.

Thực tế thì, từ hồi tháng 8 năm ngoái, người đứng đầu Intel Việt Nam, ông Kim Huat Ooi, đã khẳng định rằng, hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ không những không giảm quy mô của nhà máy tại Việt Nam, mà còn có kế hoạch tiếp tục rót vốn đầu tư khủng trong thời gian tới.

Theo đại diện IPV, khoản đầu tư mới được công bố sẽ giúp tăng cường sản xuất các sản phẩm 5G của Intel, bộ xử lý Intel Core với công nghệ Intel Hybrid và bộ xử lý Intel Core thế hệ thứ 10.

Với hơn 2.700 nhân viên phục vụ các khách hàng trên toàn thế giới, IPV là một trong 10 địa điểm sản xuất của Intel trên toàn cầu và là đơn vị tiếp nhận đầu tư công nghệ cao lớn nhất của Mỹ vào Việt Nam.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, trong các khu công nghiệp của Thành phố hiện có 8 dự án hoạt động trong lĩnh vực điện tử của các doanh nghiệp FDI, có vốn đầu tư từ 20 triệu USD trở lên. Trong đó có dự án của Công ty TNHH sản xuất First Solar (Mỹ) tại Khu công nghiệp Đông Nam, vốn đầu tư 1,066 tỷ USD, là dự án có vốn lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tại các khu công nghiệp của TP.HCM.

Đại diện Hepza cũng cho biết, lần điều chỉnh gần nhất của dự án này là năm 2018, với số vốn đầu tư tăng thêm hơn 62 triệu USD. Cùng lúc, nhà đầu tư điều chỉnh tăng công suất của nhà máy lên gấp đôi, với khoảng 5,31 triệu module/năm so với công suất dự kiến ban đầu là 2,655 triệu module/năm. Nhà máy mới sẽ sản xuất tấm module năng lượng mặt trời series 6, với nhiều sự khác biệt, ưu điểm nổi trội, sẽ là đối trọng cạnh tranh sòng phẳng với các công nghệ truyền thống, trong đó có công nghệ đa tinh thể silicon chủ yếu do các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Chan See Chong, Tổng giám đốc Công ty First Solar Việt Nam cho biết, nhà máy tại TP.HCM là cơ sở sản xuất quan trọng hàng đầu của doanh nghiệp. Việc đầu tư dự án cũng thể hiện cam kết trong chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp nhằm cung cấp các sản phẩm mới với chất lượng cao và cạnh tranh về mặt chi phí.

Theo thống kê, tại TP.HCM hiện có hơn 160 doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư, đưa tổng giá trị xuất khẩu hơn 10 năm qua lên tới 64 tỷ USD.

Về xu hướng thu hút đầu tư, TP.HCM đang có cơ hội thuận lợi để thu hút làn sóng đầu tư mới từ các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Theo đó, Thành phố sở hữu lợi thế khi có hạ tầng tốt như công nghệ thông tin, giao thông thông minh và đặc biệt là nguồn lực con người có trình độ cao.

TP.HCM đã có các định hướng hợp tác cụ thể với Mỹ trong giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030, tập trung vào việc tăng cường đầu tư của Mỹ trong chuỗi cung ứng dịch vụ khoa học và công nghệ của Thành phố; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát triển Thành phố trở thành đô thị thông minh, trung tâm tài chính quốc tế; hình thành khu đô thị sáng tạo và tương tác cao phía Đông…

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Marie C. Damour, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM nhìn nhận, sau 25 năm thiết lập quan hệ thương mại, các số liệu thống kê về thương mại song phương của hai nước đã tăng trưởng vượt bậc, từ 450 triệu USD hồi năm 1995, đã tăng lên khoảng 77 tỷ USD hiện nay.

Năm 1994, Việt Nam chỉ là nước nhập khẩu đứng thứ 95 của thị trường Mỹ, nhưng ngày nay, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 7. Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của Mỹ trên toàn thế giới.

Hồi tháng 11/2020, hai bên đã chứng kiến việc ký kết nhiều thỏa thuận thương mại lớn giữa các công ty Mỹ và Việt Nam, trị giá tổng cộng 11,5 tỷ USD.

“Với quỹ đạo tăng trưởng đáng chú ý của Việt Nam, có nhiều cơ hội to lớn để làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế và thương mại trên nhiều lĩnh vực, bao gồm năng lượng, hạ tầng, nền kinh tế kỹ thuật số và sản xuất”, bà Marie C. Damour nhận định.

Theo các chuyên gia, không chỉ TP.HCM, mà các địa phương trên cả nước và cả những quốc gia khác đều muốn thu hút đầu tư từ Mỹ. Do đó, Thành phố phải cho thấy những lợi thế khác biệt và đặc biệt để thuận lợi trong thu hút làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Mỹ. Người xây dựng chính sách phải hiểu nhà đầu tư muốn gì, tạo điều kiện về thủ tục, hạ tầng và cả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển để có thể hợp tác, liên kết được với nhà đầu tư nước ngoài.

Tin bài liên quan