Trên thế giới ghi nhận những tập đoàn khổng lồ như Apple, Samsung, Alibaba…đều có đặc điểm chung là sản phẩm của họ hướng tới phục vụ số đông nhu cầu người tiêu dùng. Dường như triết lý doanh nghiệp muốn mạnh phải hướng tới phục vụ số đông luôn đúng, ông nhìn nhận sao về vấn đề này?
Với tổng dân số thế giới hiện nay là 7,7 tỷ người, doanh nghiệp phục vụ được 10% của con số này thôi, 770 triệu người, đã là một kì tích, mỗi người 1$ là doanh nghiệp đã có doanh thu 770 triệu USD. Đây là một con số khổng lồ, và khi đã là xã hội, ở đó sẽ có những nhu cầu chung, phục vụ nhu cầu đó chính là phục vụ những thiết yếu của cuộc sống, thiết yếu trong phát triển xã hội.
Câu hỏi của bạn sẽ nên hiểu ở hai khía cạnh, doanh nghiệp muốn mạnh thì phải hướng tới phục vụ số đông và ngược lại, doanh nghiệp muốn phục vụ được nhu cầu số đông thì phải đủ mạnh. Kangaroo đang hướng tới phục vụ 700 triệu người dân trên toàn Đông Nam Á.
Cá nhân ông có theo đuổi con đường này và chiến lược mà Kangaroo chinh phục đám đông để trở thành tập đoàn số 1 về máy lọc nước và đồ gia dụng ra sao?
Theo tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu của con người có 5 bậc, từ nhu cầu cơ bản đến các nhu cầu được khẳng định mình, và Kangaroo đưa triết lý này vào trong sản xuất kinh doanh để phục vụ số đông.
Sản phẩm của Kangaroo là sản phẩm phục vụ cho các nhu cầu cơ bản của đời sống xã hội, là nhu cầu mặc định, hiện diện trong từng gia đình như máy lọc nước . Đó là yếu tố đầu tiên trong phục vụ số đông.
Người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn các sản phẩm của Kangaroo.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào yếu tố này, thì bạn sẽ chỉ đi được ở tầng đáy trong tháp nhu cầu, sẽ bị vượt qua hoặc bị chính người tiêu dùng bỏ lại bởi họ cần được đáp ứng bởi các nhu cầu khác cao hơn. “Luôn đi trước đón đầu” vì vậy mà trở thành một nguyên tắc thứ 2 trong phục vụ số đông của Kangaroo. Ngay từ đầu Kangaroo đã xác định chỉ kinh doanh các sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng, chúng tôi tạo ra các nhu cầu mới, định hướng tiêu dùng vì chúng tôi hiểu rằng người tiêu dùng sẽ không biết họ muốn gì đến khi bạn chỉ cho họ.
Cách đây 10 năm, khi nền kinh tế mới phát triển Kangaroo khiến đại đa số người Việt Nam có thể có một cuộc sống sung túc hơn nhờ các vật dụng vừa hiện đại, đẹp mắt và giá thành hợp lý. Và khi kinh tế gia đình trở nên khá giả hơn, nhu cầu xã hội thay đổi, Kangaroo giúp chăm sóc đời sống, bảo vệ sức khỏe với những sản phẩm mang công nghệ vì sức khỏe như máy lọc nước Hydrogen, công nghệ kháng khuẩn, hay thậm chí các sản phẩm công nghệ cao như IoT.
Có ba giá trị tạo nên thành công của những doanh nghiệp có dữ liệu tập khách hàng khổng lồ như Apple hay Samsung có thể đúc kết: phá vỡ những rào cản của phân khúc khách hàng bằng cách thân thiện với người dùng; kiến tạo văn hóa thương hiệu và không tham gia vào cuộc chiến tranh về giá. Theo ông đây có phải là ba yếu tố cốt lõi để làm nên thành công ở một DN hướng tới phục vụ số đông hay không? Với Kangaroo thì sao, thưa ông?
Với thời đại 4.0 và hội nhập như ngày nay thì 3 yếu tố trên là chưa đủ, hãy xem bài học của Nokia, Kodak hay rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, đều hướng tới nhu cầu số đông, đều có thương hiệu khá mạnh trong lòng người tiêu dùng, nhưng các doanh nghiệp này vẫn đi đến một cái kết buồn.
Ba yếu tố trên chỉ làm tiền đề cho việc thiết lập quan hệ với khách hàng, nhưng để giữ chân được khách hàng, đó còn là bài học về sự chuyển mình, sự thích nghi và bắt kịp tháp nhu cầu như trên đã nói.
Cũng giống như tình yêu vậy thôi, nếu không biết làm mới mình trong mắt đối phương, tình yêu đó sẽ nhanh chóng đi đến kết thúc. Khách hàng cũng vậy, có nhu cầu cao nhưng quanh họ có rất nhiều sự lựa chọn, thách thức của doanh nghiệp là làm thế nào để luôn là sự lựa chọn đầu tiên.
Thấu hiểu điều đó nên Kangaroo cung cấp các dòng sản phẩm đa dạng, phục vụ nhiều nhóm nhu cầu khác nhau và liên tục được cải tiến với những giá trị mới. Mới đây, Kangaroo đã thành lập Viện nghiên cứu và ứng dụng kiến tạo những sản phẩm mới, sáng tạo cũng nhằm đáp ứng nhu cầu luôn vận động của khách hàng.
Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với các hiệp định thương mại song phương và đa phương lần lượt được ký kết, tới đây là Hiệp định thương mại Việt Nam- EU (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mở ra cánh cửa lớn cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa vào các nước trên thế giới. Vận hội mới chắp cánh cho DN Việt trong hành trình khẳng định thương hiệu và vươn vai thành người khổng lồ. Ông cảm nhận thế nào về cơ hội ấy? Tham vọng đưa Kangaroo chinh phục thị trường quốc tế ra sao?
Kangaroo đã chủ động hội nhập, gõ cửa các thị trường quốc tế và hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài từ nhiều năm trước. Sản phẩm của Kangaroo đã có mặt ở những thị trường khó tính như Mỹ, Úc…
Kangaroo đặt mục tiêu phục vụ thị trường 700 triệu dân Đông Nam Á, vẽ lại bản đồ nước sạch Đông Nam Á và trở thành doanh nghiệp số 1 khu vực trong năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, những nỗ lực bỏ ra là vô kể, từ xây dựng nền tảng, khai phá cơ hội và mở rộng hợp tác. Và mỗi một bước đi trong nền kinh tế quốc gia nói chung sẽ đều là tiền đề, cơ hội cho các doanh nghiệp trong quốc gia phát triển.