Doanh nghiệp mong mỏi hạ lãi suất

Doanh nghiệp mong mỏi hạ lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi vay tăng cao đang chất thêm gánh nặng khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp.

“Cú đánh bồi vào doanh nghiệp”

Mới đây, bên lề Hội thảo “Thách thức chính sách tác động hậu Covid-19”, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện Công nghệ và phát triển tài chính, Học viện Tài chính chia sẻ thông tin một doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có quỹ đất được định giá 1 tỷ USD, ngân hàng sẵn sàng cho vay 200 triệu USD nhưng doanh nghiệp này chưa dám vay vì e ngại chi phí vốn.

Nói như các chuyên gia thì “lãi suất cao và trần tín dụng đang là hai cú đánh bồi vào doanh nghiệp”.

Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đã được điều chỉnh theo đà tăng của mặt bằng lãi suất huy động. Theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, cuộc đua lãi suất huy động về cuối năm càng nóng hơn, đã có một số ngân hàng huy động tiền gửi với lãi suất lên đến 10%/năm.

Cụ thể, từ ngày 18/11/2022, Ocean Bank áp dụng lãi suất 10%/năm cho khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Thậm chí, SaigonBank áp dụng mức lãi suất tiết kiệm 10,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng kể từ ngày 25/11/2022. Mức lãi suất 10%/năm được ngân hàng này được áp dụng cho các kỳ hạn 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng.

Nếu lãi suất huy động của các ngân hàng là 10%/năm thì lãi suất cho vay doanh nghiệp phải trả có thể lên tới 15%/năm.

TS. Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện Công nghệ và phát triển tài chính, Học viện Tài chính

Theo TS. Vũ Sỹ Cường, nếu lãi suất huy động của các ngân hàng là 10%/năm thì lãi suất cho vay doanh nghiệp phải trả có thể lên tới 15%/năm.

Lãnh đạo một công ty chế biến gỗ than thở, chi phí lãi vay tăng mạnh làm chất chồng thêm khó khăn của doanh nghiệp, trong bối cảnh đơn đặt hàng suy giảm.

Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco) cho biết, lãi suất tăng cao đã ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh ô tô. Nếu như trước kia, khách hàng mua xe trả góp với lãi suất từ 7 - 8%/năm thì nay có thể phải trả lãi suất từ 12 - 14%/năm. Mức lãi suất quá cao khiến nhiều người phải hoãn lại kế hoạch mua xe, điều này phản ánh ở doanh số bán xe lao dốc không phanh trong thời gian qua.

Hạ lãi suất, theo góc nhìn của PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế quốc dân, là giải pháp tốt nhất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lúc này, bên cạnh việc bỏ trần tăng trưởng tín dụng.

Theo ông, “doanh nghiệp Việt Nam đang bị bủa vây bởi những khó khăn bên trong và bên ngoài”. Nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với tình trạng lạm phát, đình đốn, nhu cầu tiêu dùng suy giảm, doanh nghiệp xuất khẩu khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng.

Trong khi đó, ở trong nước, doanh nghiệp vừa đối mặt với tình trạng sức cầu yếu vừa gặp khó khăn về thanh khoản, do kênh trái phiếu gần như đóng băng, ngân hàng cạn room cho vay, nếu vay được lãi suất cũng rất cao.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thép Đại Thiên Lộc (mã DTL) cho biết, Công ty đã tạm dừng sản xuất, hàng không bán được, quý IV năm nay tiếp tục thua lỗ khi phải lo chi trả các khoản chi phí gia tăng, bao gồm cả chi phí tài chính.

Tại văn bản giải trình về khoản lỗ hợp nhất hơn 715 tỷ đồng trong quý III vừa qua, Công ty cổ phần Thép Pomina cho biết, nguyên nhân chính là bởi tín dụng ngân hàng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh, trong khi giá nguyên vật liệu nhập về cao mà nhu cầu tiêu thụ thép sụt giảm khiến Công ty gánh lỗ lớn.

Co hẹp sản xuất vì áp lực lãi suất

Hạ lãi suất là điều các doanh nghiệp mong đợi nhất lúc này. Mới đây, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã công bố giảm lãi suất tới 1%/năm cho các khoản vay hiện hữu. Thời gian triển khai chính sách này từ ngày 1/11 đến hết ngày 31/12/2022.

Chính sách giảm lãi suất nói trên không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá.

Theo lãnh đạo Vietcombank, đây là hành động thiết thực, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Ngân hàng trong việc chủ động, tiên phong thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước vì mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Động thái của Vietcombank dấy lên hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm ngân hàng hạ lãi suất cho vay, cởi nút thắt cho doanh nghiệp dễ thở hơn.

Trong khi đó, như ví von của Chủ tịch Haxaco Đỗ Tiến Dũng, “dòng tiền đang tắc nghẽn như cục máu đông, để làm tan cục máu đông ấy chỉ bằng cách giảm lãi suất”. Ông Dũng nhìn nhận, việc hạ lãi suất sớm sẽ mang lại động lực lớn để doanh nghiệp bứt phá đi lên.

Đồng quan điểm, lãnh đạo một doanh nghiệp cho rằng, nếu kéo dài tình trạng lãi suất cao như hiện nay thì tới năm sau, sẽ rất nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thậm chí trì trệ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các ngân hàng đều đã có lợi nhuận tốt trong 9 tháng đầu năm thì việc chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận ở thời điểm này để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn là việc nên làm và đây cũng là cách ngân hàng tự cứu mình.

Tuy vậy, từ góc nhìn chính sách tiền tệ, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước phải giảm trở lại thì mặt bằng lãi suất trên thị trường mới có thể giảm xuống.

Dẫu vẫn mong chờ lãi suất giảm nhưng các doanh nghiệp cũng xác định giai đoạn tiền rẻ không còn nữa và đang nỗ lực tái cấu trúc hoạt động để thích nghi với tình hình mới.

Tin bài liên quan