Đỡ lo sai sót
Doanh nghiệp thấy nhẹ nhõm khi đọc Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) mà Chính phủ đang đề xuất.
Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ trước khi tham gia cuộc họp giữa các chuyên gia và Chủ tịch Quốc hội diễn ra vào chiều ngày 5/5 về tình hình kinh tế - xã hội.
Ông Tuấn nói, việc các doanh nghiệp gửi ý kiến về VCCI, với quan điểm “hoàn toàn đồng tình” với Dự thảo là điều gần như đương nhiên. Năm ngoái, một trong những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được đánh giá cao nhất về tính khả thi, hiệu quả tác động chính là giải pháp giảm 2% thuế suất thuế VAT.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, khoảng 44.000 tỷ đồng của chính sách này đã được đưa vào sản xuất, tiêu dùng trong năm 2022. Nếu chính sách này được tiếp tục trong năm nay, với thời gian 6 tháng, số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 35.000 tỷ đồng.
Song, điều mà doanh nghiệp chờ đợi hơn cả, đó là sự thuận lợi trong thực hiện, đã có thể dự báo trước. Bởi, theo Dự thảo, đề xuất giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% được đề nghị áp dụng đối với toàn bộ hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, thay vì có nhóm loại trừ như Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 43).
“Năm ngoái, khi áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT, doanh nghiệp và cơ quan thuế, hải quan đều lo ngại việc xác định không đúng mặt hàng sẽ dẫn đến nguy cơ bị xử phạt, xử lý kỷ luật sau này”, ông Đậu Anh Tuấn làm rõ.
Vì sự thuận lợi trong tuân thủ, trong văn bản góp ý gửi Bộ Tài chính, VCCI đã để ý đến thời điểm có hiệu lực thi hành mà Dự thảo đang để trống.
Thông thường, với nội dung được xác định là cấp bách, đang được Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp vào tháng 5 tới, thì thời gian áp dụng được đề xuất là kể từ khi chính sách được ban hành.
Nghị quyết số 43 cũng quy định thời điểm áp dụng là từ ngày ban hành, ngày 11/1/2022. Tuy nhiên, khi triển khai, một số doanh nghiệp phản ánh, họ không cập nhật kịp thời sự thay đổi thuế suất vào ngày 11/1/2022, nên đã phải sửa hóa đơn VAT, sửa tờ khai hải quan, điều chỉnh sổ sách kế toán và hoàn trả tiền cho khách hàng khá vất vả.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng, thời điểm có hiệu lực của chính sách này là 1 ngày sau khi ban hành (sẽ ghi ngày cụ thể khi ban hành).
Đề nghị gỡ từng bước một
Không dừng lại ở chính sách giảm thuế suất thuế VAT, các doanh nghiệp tiếp tục chờ đợi sự thuận lợi trong các giải pháp giải quyết khó khăn tài chính, tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn… mà Chính phủ đã đưa ra từ đầu năm, như giãn nộp tiền thuê đất, các loại phí, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ…
Bởi, các doanh nghiệp chia sẻ, họ cần thời gian đủ dài của chính sách với các điều kiện thực thi hợp lý để đạt hiệu lực thực tiễn.
Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành bất động sản, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch CEO Group chưa thực sự yên tâm trước các động thái chính sách đang được đưa ra.
“Tôi cho rằng, nếu không thay đổi tiêu chí mua nhà xã hội, tiếp cận vốn để huy động doanh nghiệp lớn tham gia, thì không dễ đạt được mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Tương tự, bất động sản du lịch vẫn rất tiềm năng, nhưng để hoàn thiện thể chế phù hợp với thực tiễn thị trường cần rất nhiều thời gian. Trước mắt, nên ưu tiên gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản thương mại vừa tiền, Nhà nước không cần bỏ nguồn lực hỗ trợ, nhưng doanh nghiệp sớm có cửa trở lại nhanh”, ông Bình thẳng thắn.
Nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị từng việc nhỏ, cụ thể cần được ưu tiên, như chấp thuận các các hồ sơ, văn bản scan và hình thức gửi online trong giải quyết các thủ tục hành chính… trước khi các kế hoạch khó thực thi hơn có hiệu lực, như cải cách thực sự trong thủ tục hành chính về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động...
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư nhiều lần về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tiếp tục bảo vệ quan điểm: Nhà nước có thể tháo bỏ thêm gì cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế để doanh nghiệp làm ăn được thì nên làm ngay.
“Có doanh nghiệp, dự án đang gặp khó vì nhu cầu sụt giảm, nhưng nhiều doanh nghiệp, dự án đóng băng, ví dụ trong lĩnh vực bất động sản, khó khăn không phải xuất phát từ nhu cầu thực, mà trong tuân thủ quy định pháp lý. Nên đứng ở góc độ này để xử lý, đề xuất các giải pháp, sẽ làm sống lại thị trường này, chứ không chỉ là phục hồi”, ông Cung chia sẻ quan điểm.
Kết quả cuộc khảo sát khoảng 12.000 doanh nghiệp của VCCI mới công bố giữa tháng 4 tiếp tục cho thấy, vấn đề ổn định chính sách, pháp luật đang là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp.
Cụ thể, trong năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được sự thay đổi trong quy định pháp luật của trung ương lên tới 70,8%; khoảng 70,4% doanh nghiệp không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được việc thực thi của chính quyền các địa phương đối với chính sách, pháp luật của Trung ương. Hệ quả của tình trạng này là sự ngần ngừ trong các quyết định đầu tư, kinh doanh, thậm chí tệ hơn là quyết định tạm dừng để chờ đợi cơ hội khác.