Doanh nghiệp mía đường trong cơn bĩ cực

Doanh nghiệp mía đường trong cơn bĩ cực

(ĐTCK) Còn 4 tháng nữa mới kết thúc niên vụ 2018 - 2019, nhưng một số doanh nghiệp ngành mía đường cho biết khó có thể cán đích doanh thu, lợi nhuận đề ra. Giá đường đã giảm 3 năm liên tiếp và chưa biết ngày nào hồi phục.

Giá bán rẻ, báo động nguyên liệu sẽ gặp khó khăn

Doanh nghiệp ngành mía đường đang đối mặt với khó khăn hai đầu. Giá bán đường vẫn ở mức rất thấp, hiện dao động quanh mốc 10.600 - 11.400 đồng/kg. Trong khi đó, nguyên liệu đầu vào được dự báo gặp khó khăn khi nhiều nông dân từ bỏ trồng mía do thua lỗ.

Tại Quảng Ngãi, nhiều nông dân trồng mía ở xã Nghĩa Lâm (huyện Tư Nghĩa) và xã Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh) đốt bỏ vườn mía để chuyển sang trồng cây khác. Nơi đây vốn là thủ phủ cung cấp nguyên liệu mía cho Nhà máy đường Phổ Phong (CTCP Đường Quảng Ngãi), nhưng người dân đang không sống được bằng cây mía.

Được biết, số mía bà con đang phải chặt đi đến kỳ thu hoạch từ tháng 11/2018, nhưng nhà máy đường Phổ Phong (CTCP Đường Quảng Ngãi) chưa thu mua nên bị già, khô, thương lái thờ ơ.

Tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, hàng ngàn héc-ta đất trồng mía đang bị người dân bỏ không. Nếu như niên vụ 2017 - 2018, Trà Cú có 5.000 ha đất trồng mía thì đến niên vụ 2018 - 2019 chỉ còn 3.500 ha. Bước sang niên vụ 2019 - 2020, ước tính mới chỉ có 200 ha mía được trồng.

Cây mía không đem lại lợi ích kinh tế cao nữa, thậm chí nhiều hộ bị thua lỗ khiến cho ngày càng có nhiều hộ dân chặt mía trồng cây khác.

Giá bán mía nguyên liệu tại Trà Cú năm 2018 - 2019 chỉ đạt 850 đồng/kg, giảm hơn 100 đồng/kg so với niên vụ 2017 - 2018. Trà Cú vốn là nơi cung cấp nguyên liệu chính cho CTCP Mía đường Trà Vinh, nhưng với tình hình hiện nay, sang niên vụ mới, nơi đây sẽ gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện CTCP Mía đường Lam Sơn cho biết, tại vùng trồng mía Thanh Hóa, Nghệ An cũng diễn ra tình trạng nhiều nông dân chuyển đổi cây trồng, ước tính giảm 10% diện tích trồng so với cùng kỳ năm ngoái. Giá đường giảm sâu dẫn đến giá thu mua mía nguyên liệu sụt giảm, khiến người trồng mía chán nản với loại cây này. 

Lo ngại khó đạt kế hoạch kinh doanh

“Doanh nghiệp mía đường gặp nhiều khó khăn khi giá đường sụt giảm 3 năm liên tiếp chưa có dấu hiệu phục hồi. Đường tồn kho vẫn còn nhiều. Nhiều nhà máy đối diện với nguy cơ đóng cửa, phá sản”,  lãnh đạo CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS) cho hay.

Năm tài chính 2018 - 2019 đã đi qua 2/3 chặng đường, nhưng trao đổi với phóng viên, vị lãnh đạo của LSS cho biết, doanh nghiệp mới đạt được 60% kế hoạch đề ra và khó có khả năng đạt được mục tiêu doanh thu, lợi nhuận cả năm. Trước đó, LSS đặt kế hoạch đạt 1.600 tỷ đồng doanh thu, 95 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chia cổ tức 7%. Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận này lần lượt lần lượt tăng hơn 17% và 177,4% so với năm 2017 - 2018.

Giá đường LSS đang bán ra đạt 11.500 đồng/kg, giảm 20% so với cùng kỳ niên độ trước.

CTCP Mía đường Sơn La (SLS) cũng gặp nhiều khó khăn. Nửa đầu năm tài chính 2018 - 2019, Công ty đạt doanh thu 446,7 tỷ đồng, tăng 82% so với nửa đầu năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 36,33 tỷ đồng, giảm 21,2% so với cùng kỳ.

Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng giám đốc SLS cho biết, trong quý II của năm tài chính 2018 - 2019, giá bán đường bình quân của SLS giảm 22%, từ 12.626 đồng/kg xuống còn 9.877 đồng/kg, kéo lợi nhuận giảm sâu.

Còn theo các chuyên gia, niên độ 2019 - 2020, nguyên liệu đầu vào của ngành mía có thể sẽ tăng 15% do vùng nguyên liệu giảm xuống, trong khi giá đường không biết khi nào mới đảo chiều tăng lại nên đây là một năm kinh doanh rất “chông chênh” của doanh nghiệp ngành đường.

Doanh nghiệp mía đường đang gặp rất nhiều khó khăn khi giá bán giảm sâu, lượng hàng tồn kho tăng cao và doanh nghiệp trong nước phải vất vả cạnh tranh với đường lậu. Điều này cũng được ông  Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam xác nhận.                                  

Tin bài liên quan