Theo Ủy ban Kinh doanh và Phát triển bền vững toàn cầu, chiến lược phát triển toàn cầu đã được cơ quan này cùng các thành viên là lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới thống nhất đưa ra.
Nếu thực hiện thành công mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững giai đoạn từ nay đến năm 2030, dự báo có thể tạo ra những cơ hội kinh doanh với tổng giá trị lên tới 12.000 tỷ USD trong 4 lĩnh vực kinh tế trọng yếu cho khu vực tư nhân với các doanh nghiệp ở mọi quy mô, tương đương 10% GDP toàn cầu năm 2030.
Dự báo, từ nay đến năm 2030, bốn lĩnh vực kinh doanh gồm lương thực và nông nghiệp, đô thị, năng lượng và vật liệu, y tế và sức khỏe có thể tạo ra các cơ hội kinh doanh với tổng giá trị lên tới 12.000 tỷ USD trên toàn cầu.
Bốn lĩnh vực này bao gồm: lương thực và nông nghiệp, đô thị, năng lượng và vật liệu, y tế và sức khỏe, ước tính chiếm khoảng 60% giá trị của nền kinh tế toàn cầu thực chia sẻ cho khoảng 60 cơ hội kinh doanh trên các ngành nghề, góp phần tạo ra gần 380 triệu việc làm, chiếm trên 10% lực lượng lao động toàn cầu năm 2030.
Tại Việt Nam, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu về nguồn lực cho tăng trưởng xanh của Việt Nam hiện nay ước khoảng 30 tỷ USD, tạo ra những cơ hội kinh doanh rất lớn cho các doanh nghiệp trong xu thế tăng trưởng bền vững. Ước tính, trong tổng nguồn lực này, 70% sẽ huy động từ khu vực tư nhân và quốc tế.
Đây được đánh giá là cơ hội lớn để các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi xanh hóa sản xuất, nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn thông qua việc giảm chi phí về năng lượng và chi phí sản xuất, từ đó gia tăng lợi nhuận.
Trên thế giới, nhiều tập đoàn lớn đã nhanh nhạy chuyển hướng các khoản mục đầu tư và chiến lược kinh doanh nhằm đón đầu cơ hội từ việc thực hiện mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững. Trong xu thế này, theo ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), “chất lượng xanh” trong các lĩnh vực kinh doanh bền vững được coi là “vũ khí mềm” - chiến lược đang được nhiều doanh nghiệp lớn áp dụng để tăng khả năng cạnh tranh, tạo ra sự khác biệt tốt hơn, bảo vệ tốt hơn và chiếm thị phần lớn hơn.
Nhiều thương hiệu lớn đã thành công từ chiến lược này như hãng thức ăn nhanh Mac Donald với triết lý GoGreen đi cùng chiến lược sử dụng túi giấy thay nylon; Coca Cola chuyển hướng sử dụng nguyên liệu lá cây thay đường để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng…
Tập đoàn đầu tư Temasek toàn cầu có trụ sở tại Singapore đã và đang chuyển mạnh danh mục đầu tư vào các ngành công nghệ, khoa học đời sống, kinh doanh nông nghiệp, các dịch vụ tài chính phi doanh nghiệp và tiêu dùng, với tỷ trọng chiếm 26% tổng danh mục đầu tư từ năm 2011 trở lại đây, tổng giá trị vốn đầu tư là 80 tỷ đô-la Singapore.
Riêng từ năm 2017, Temasek mạnh tay đầu tư vào ngành sinh học tổng hợp, với lĩnh vực điểm là sản xuất thực phẩm bền vững, mục tiêu là các công ty sản xuất lớn trong lĩnh vực này như Impossible Foods, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm thịt từ thực vật; Perfect Day, công ty sản xuất sữa thực vật…
Tại Việt Nam, không ít doanh nghiệp đi theo chiến lược chất lượng xanh, kinh doanh bền vững và đạt được hiệu quả kinh doanh khả quan. Chẳng hạn, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam đã đẩy mạnh đầu tư áp dụng mô hình nền kinh tế tuần hoàn trong các hoạt động với 4 trong 6 nhà máy của Heineken Việt Nam nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo không thải khí carbon. Việc Công ty thu mua khoảng 54.000 tấn vỏ trấu, mùn cưa để tạo nhiệt năng phục vụ sản xuất đã giúp mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân Việt Nam cũng như hỗ trợ phát triển ngành năng lượng sinh khối.
Hay chuỗi siêu thị Bách hóa xanh của Tập đoàn Thế giới Di động cam kết chuyên cung cấp thực phẩm xanh và sạch; nhãn hiệu Cam Kỳ Yến (Cam Vinh) của Công ty cổ phần Trang trại Nông sản Phủ Quỳ không sử dụng chất bảo quản; Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang với mục tiêu phát triển bóng đèn điện quang tiết kiệm điện thân thiện môi trường; trong lĩnh vực bất động sản, nhiều doanh nghiệp đang thu hút sự quan tâm của khách hàng và nhà đầu tư với các dự án bất động sản xanh thân thiện với môi trường...
Ủy ban Kinh doanh và Phát triển bền vững khuyến nghị, để nắm bắt và biến các cơ hội kinh doanh bền vững thành hiện thực, doanh nghiệp cần theo đuổi sự phát triển dài hạn về yếu tố xã hội và môi trường một cách mạnh mẽ như cách theo đuổi thị phần và giá trị cổ đông.
“Nếu doanh nghiệp không tham gia định hướng này, chi phí và tương lai mơ hồ do phát triển không bền vững gây ra có thể liên tục gia tăng”, Ủy ban khuyến cáo.