Doanh nghiệp lưỡng lự với cải cách vì lo cơ quan quản lý không chuyển kịp

Không ít doanh nghiệp đang lưỡng lự trước nhiều đề xuất cải cách có lợi vì lo cơ quan quản lý nhà nước không chuyển kịp. Khảo sát về cải cách con dấu doanh nghiệp là một minh chứng cho thực tế này.
Doanh nghiệp đang có những ý kiến trái chiều về việc sử dụng con dấu. Ảnh: Đức Thanh

Doanh nghiệp đang có những ý kiến trái chiều về việc sử dụng con dấu. Ảnh: Đức Thanh

Kết quả khảo sát vừa được thực hiện tuần qua của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về chủ đề con dấu doanh nghiệp có thể gói gọn trong một câu: doanh nghiệp rất lưỡng lự.

“Các doanh nghiệp tin chắc, khi bỏ quy định về việc bắt buộc sử dụng con dấu doanh nghiệp, họ sẽ tiện hơn trong giao dịch, giảm nhiều chi phí liên quan đến đăng ký và bảo quản con dấu… Nhưng họ lưỡng lự, nếu việc thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan quản lý nhà nước vẫn phải sử dụng con dấu, thì những đề xuất cải cách sẽ không còn ý nghĩa”, ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Ban Pháp chế (VCCI) chia sẻ kết quả nghiên cứu.

Không quá khó để hiểu sự lưỡng lự này. Áp lực mà các thủ tục hành chính đang đặt lên vai doanh nghiệp rất lớn, khiến họ luôn cảm thấy không an tâm trước bất cứ thay đổi nào về chính sách.

Thậm chí, một luật sư chuyên về doanh nghiệp còn thừa nhận, nhiều doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hay có xu hướng đề nghị “giữ nguyên như cũ” khi được tham vấn một số chính sách liên quan đến doanh nghiệp. Lý do không phải vì chính sách đó đã phù hợp, mà vì họ sợ khi thay đổi, các cơ quan hành chính không cập nhật xu hướng hoặc không kịp hướng dẫn những chính sách mới.

Không khí nóng bỏng trong buổi làm việc của các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội In Việt Nam diễn ra trong tuần trước mà ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) có dịp chứng kiến là một minh chứng hiện hữu. Ông Tuấn kể, nhiều doanh nghiệp in lo lắng vì hàng loạt quy định mới liên quan đến xin phép nhập khẩu thiết bị, phụ tùng ngành in.

“Doanh nghiệp nhẩm tính, nếu tuân thủ quy định mới, phải có catalogue của từng loại thiết bị in gửi từ nước ngoài về, họ sẽ mất 12 - 15 ngày để hoàn tất cả thủ tục này. Đó là chưa kể tới những quy định liên quan đến điều kiện để thành lập doanh nghiệp in”, ông Đậu Anh Tuấn tường thuật và lo ngại chi phí tuân thủ các điều kiện mới sẽ làm khó cho các doanh nghiệp trong ngành này.

Trở lại vấn đề con dấu, hiện tại, chi phí tuân thủ quy định cũng đang là vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp có nhà máy ở Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), trụ sở chính ở trung tâm Thủ đô đã phải dành riêng một xe công vụ chuyên chỉ để chuyển công văn, tài liệu từ nhà máy về trụ sở chính để đóng dấu. “Họ đã xin phép để có được con dấu thứ hai, nhưng không được. Chi phí cho việc tuân thủ một quy định thôi đã rất lớn”, ông Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Công ty Luật NHQuang và Cộng sự cho biết.

Mặc dù ông Quang không nói, song những câu chuyện bên lề của nhiều doanh nghiệp cho thấy, không ít doanh nghiệp buộc phải lách luật, đưa con dấu ra ngoài trụ sở, thậm chí, có doanh nghiệp “cố tinh vi phạm luật” khi có thêm con dấu thứ hai…

Hệ lụy của tình trạng trên, theo luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico), tạo nên thói quen không tuân thủ pháp luật của nhiều doanh nghiệp. “Doanh nghiệp bám chặt vào con dấu để làm tin vì có được cơ quan công an bảo lãnh. Sự phụ thuộc này khiến doanh nghiệp có thể thấy tiếc rẻ, thậm chí là sợ hãi nếu quy định về con dấu doanh nghiệp thay đổi theo hướng tự đăng ký, chứ không được cơ quan nhà nước cấp nữa”, ông Trương Thanh Đức nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Đức cũng thông tin về sự hồ hởi của các doanh nghiệp trẻ, những doanh nghiệp hiện đại trong đề xuất liên quan đến cải cách những quy định về con dấu, cho phép doanh nghiệp tự xác định hình thức và nội dung.

“Đây là những doanh nghiệp sẵn sàng đổi mới để hòa nhập với thông lệ tốt của thế giới. Vì vậy, lộ trình thực hiện cải cách liên quan đến con dấu nên theo hướng, trước mắt để các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp tự nguyện thực hiện đăng ký mẫu dấu và quyết định lựa chọn việc sử dụng con dấu này trước. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn có thể thực hiện sau. Đây là kịch bản thành công của quy định về tự in hóa đơn VAT”, ông Nguyễn Minh Đức khuyến nghị.

Trong vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần áp dụng cách thức của Nghị quyết 19/NQ-CP (về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh) cho các ngành. “Nghị quyết 19/NQ-CP tạo được thay đổi lớn khi căn cứ vào các tiêu chí cụ thể, thời gian cụ thể. Đây là cách thức có thể nhân rộng để tạo lan tỏa tích cực trong toàn bộ hệ thống chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Cung đề nghị.

Tin bài liên quan