Doanh nghiệp lúng túng với thông quan tự động

Mặc dù ngành hải quan mới triển khai hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS), nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thông quan hàng hóa thuận tiện, nhanh chóng hơn, song các doanh nghiệp lại cho rằng, thủ tục tờ khai hải quan vẫn còn rườm rà, dẫn tới hàng hóa của doanh nghiệp bị ùn ứ tại các cảng khá nghiêm trọng.
Doanh nghiệp lúng túng với thông quan tự động

Ông Jinjiro Kimura, Tổng giám đốc Công ty TNHH Unika Việt Nam (nhà máy đặt tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM) cho biết, từ 2 tuần nay, không chỉ công ty của ông, mà gần 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Khu chế xuất Tân Thuận bị “kẹt” thủ tục hải quan ở ngay tại Chi cục Hải quan Khu chế xuất Tân Thuận.

Theo đó, có đến hơn 1.000 tờ khai sản phẩm phải làm thủ tục đăng ký lại. “Tôi trực tiếp ký giấy phép làm thủ tục do nhân viên trình lên thì thấy, chủ yếu là vướng mã số sản phẩm phải đăng ký lại”, ông Jinjiro Kimura nói và cho biết, vì hải quan tự động được triển khai ở Khu chế xuất Tân Thuận từ ngày 1/7, nên mới sinh ra chuyện này.

Theo ông Jinjiro Kimura, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Khu chế xuất Tân Thuận cũng đang rất bức xúc về việc này.

Không chỉ Chi cục Hải quan Tân Thuận, mà ngay cả Chi cục Hải quan Cát Lái (quận 2, TP.HCM) cũng đang xảy ra tình trạng trên, khi có hàng trăm container chưa thể thông quan (tính đến ngày 11/7/2014).

Ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May quốc tế Thắng Lợi (quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết, vài ba tuần gần đây, hàng hóa của Công ty bị vướng tại cảng Cát Lái, gây khó cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. “Nguyên nhân chính là do triển khai hệ thống VNACCS/VCIS chưa thành thục, nên cần sớm khắc phục tình trạng này”, ông Ngô Đức Hòa nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về tình hình trên, bà Nguyễn Thị Bông, Phó trưởng Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cát Lái cho hay, nguyên nhân hàng hóa thông quan chậm mà nhiều doanh nghiệp phản ánh một phần là do việc áp dụng hệ thống thông quan mới (VNACCS/VCIS), ban đầu doanh nghiệp khai chưa quen, nên phải sửa chữa tờ khai nhiều, cán bộ hải quan cũng phải thêm việc xử lý về lỗi tờ khai báo hải quan của doanh nghiệp. Đồng thời, một số cán bộ hải quan thực hiện thao tác với phần mềm mới còn chậm.

Ngoài ra, tình trạng một số container không đi theo đường cũ để vào Cảng Cát Lái, mà đi vòng sang đường khác để “né” trạm cân tải trọng, dẫn tới cẩu gắp container để đưa hàng hóa vào máy soi hoạt động chậm, khiến lượng hàng hóa qua máy soi tăng lên 4 lần so với trước, nên máy soi xử lý không kịp. “Đây là nguyên nhân chính gây nên tình trạng hàng hóa thông quan chậm”, bà Bông nói và cho biết, để giải quyết tính trạng trên, Chi cục Hải quan Cát Lái đã tiến hành họp với Công ty Tân cảng Sài Gòn để thực hiện gấp hai việc.

Một là, tăng cường cẩu gắp (thực hiện nâng hàng hóa từ container sang hệ thống máy soi) ngoài giờ vào buổi sáng và buổi chiều được kéo dài đến 19 hoặc 20 giờ.

Hai là, sẽ tăng lượng máy soi container từ 1 máy lên 3 máy soi. Chia thêm ca để thực hiện công việc.  

“Với việc áp dụng đồng bộ hai giải pháp trên, tình hình thông quan hàng hóa sẽ nhanh chóng đi vào ổn định”, bà Nguyễn Thị Bông nhấn mạnh.      

Tin bài liên quan