Theo đó, ngoại trừ 226 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hầu hết room cho các ngành nghề được áp dụng mức tối đa 100%.
Không những nhà đầu tư trong nước kỳ vọng, mà ngay cả quỹ đầu tư chuyên đầu tư vào các thị trường với “game” nâng hạng như Tundra Vietnam Fund cũng đã rót vốn vào thị trường Việt Nam, vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, chủ yếu nằm trong nhóm VN30.
Tuy nhiên, trong báo cáo tháng 6 vừa qua của Morgan Stanley Capital International (MSCI), Việt Nam đã không được thêm vào danh sách theo dõi nâng hàng từ thị trường cận biên lên mới nổi.
Còn trong đánh giá của tổ chức FTSE Russell, thị trường Việt Nam tiếp tục giữ ở danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp và sẽ đánh giá lại vào kỳ đánh giá thường niên năm 2020.
Ngoài yếu tố về bản chất thị trường, có những yếu tố kỹ thuật mà Việt Nam vẫn chưa cải thiện được. Trong đánh giá của MSCI đối với thị trường Việt Nam, tại hạng mục mức độ mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài có 3 tiêu chí: Giới hạn sở hữu nước ngoài, ảnh hưởng của giới hạn sở hữu nước ngoài và quyền công bằng của nhà đầu tư nước ngoài.
Cả 3 tiêu chí này đều được MSCI cho rằng, cẩn phải cải thiện. MSCI nhấn mạnh, mặc dù giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài có tiến bộ trong việc nới room, nhưng còn nhiều chi tiết trong áp dụng Nghị định 60 vẫn chưa làm rõ, các doanh nghiệp trong các ngành kinh doanh có điều kiện, nhạy cảm vẫn bị giới hạn; thị trường cổ phiếu bị ảnh hưởng lớn bởi vấn đề giới hạn room…
Dù có thêm nhiều thông tin công bố trên sàn và trên trang web của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán có thể đọc bằng Tiếng Anh, nhưng thông tin doanh nghiệp có liên quan không phải lúc nào cũng được cung cấp bản tiếng Anh.
Trong khi đó, tiêu chí này ở thị trường sơ khai như Argentina và Bangladesh đều đạt yêu cầu.
MSCI khá coi trọng việc phổ biến các tin tức, thông tin, báo cáo và văn bản pháp luật bằng tiếng Anh chi tiết, đầy đủ để giúp nhà đầu tư nước ngoại dễ dàng tiếp cận được thông tin một cách nhanh nhất, tương đương với nhà đầu tư trong nước.
Mặc dù điều này tương đối dễ dàng với các doanh nghiệp niêm yết, nhưng thực tế, đang có rất nhiều doanh nghiệp không coi trọng việc công bố thông tin về tình hình hoạt động, sản xuất, kinh doanh của mình bằng tiếng Anh.
Trong nhóm cổ phiếu VN30, mới chỉ có 19 doanh nghiệp công bố đầy đủ thông tin, giúp nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thông tin nhanh, kịp thời như nhà đầu tư trong nước. Trong khi đó, với các doanh nghiệp còn lại, mặc dù có công bố website song ngữ, nhưng rất hiếm công ty thực thi được việc công bố thông tin bằng cả 2 thứ tiếng.
Có thể thấy, nhóm VN30 đại diện cho nhóm cổ phiếu lớn và minh bạch nhất trên sàn cũng mới chỉ có 63,3% (19 doanh nghiệp) công bố thông tin song ngữ.
Mặc dù chưa có quy định pháp luật bắt buộc các doanh nghiệp niêm yết phải công bố thông tin song ngữ, nhưng đây là phương tiện không thể thiếu để giúp nhà đầu tư nước ngoài đọc được thông tin doanh nghiệp, bởi khi hiểu doanh nghiệp và có niềm tin thì mới có thể tính việc đầu tư.
Đây là khoảng hở, là lỗi của doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng khắc phục. Khi mà đa số doanh nghiệp làm được việc này, nhà đầu tư ngoại chắc chắn sẽ đánh giá khác về tính minh bạch của thị trường, doanh nghiệp có cơ hội kết nối và gọi vốn được từ nước ngoài.
Sự thành công của các doanh nghiệp minh bạch như VIC, MSN, PNJ, TCB, VHM, VRE, VNM, SAB… là những tấm gương cho các doanh nghiệp trong nước muốn chạm vào không gian gọi vốn quốc tế, từ đó có thể huy động vốn từ bên ngoài phục vụ quá trình mở rộng sản xuất - kinh doanh, cũng như những kế hoạch thâm nhập thị trường nước ngoài lớn hơn, thay vì chỉ nghĩ ở thị trường Việt Nam.
Bên cạnh rào cản ngôn ngữ, nhà đầu tư ngoại hiện nay vẫn gặp rào cảo về room hoặc Nhà nước sở hữu quá nhiều mà không thoái vốn tại doanh nghiệp, làm cho lượng cổ phiếu có thể giao dịch tự do ít. Về lý thuyết, room cho khối ngoại còn rộng, nhưng họ lại không thể mua được.
Trong nhóm VN30, có tới 15 mã gặp trở ngại này, chiếm 50% số cổ phiếu trong nhóm VN30. Như vậy, có thể thấy, ngoài trở ngại ngôn ngữ, nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất khó tiếp cận doanh nghiệp để trở thành cổ đông.
Nghị định 60/2015/NĐ-CP có hiệu lực hơn 4 năm, nhưng toàn thị trường mới có 42 công ty thực hiện nới room ngoại.
Một phần do Nhà nước chưa đưa ra được những quy định pháp lý bổ sung cho Nghị định 60, giúp doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình nới room, phần khác đến từ sự thiếu chủ động của doanh nghiệp.
Rất nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc nới room vì sợ mất doanh nghiệp khi cổ đông nước ngoài muốn thâu tóm, hay tăng tỷ lệ sở hữu.
Đơn cử, trường hợp cổ đông Platium Victory liên tục đăng ký mua cổ phần tại REE, song liên tục không thành công, cho dù chào mua với giá cao hơn đáng kể so với trên sàn. Do giới hạn sở hữu nước ngoài, Platium Victory chỉ mua được khi có cổ đông ngoại khác bán ra.
Song hành cùng rủi ro luôn là cơ hội. Có thêm cổ đông nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện sự chuyên nghiệp, tự mình nâng hạng chính mình để bước sang nền tảng phát triển cao hơn, bước ra sân chơi của thị trường vốn quốc tế, chứ không chỉ loanh quanh trên sân nhà.